Không chỉ dừng lại ở việc dựng màn kịch để lừa đảo, chiếm đoạt số tiền khủng của người dân tại các đô thị lớn, thời gian gần đây tội phạm công nghệ cao đã mở rộng địa bàn, tấn công vào các địa bàn xa xôi, nơi người dân ít được tiếp cận thông tin. Đã có những người dân tộc chỉ vì tin lời hứa vịt giời mà trở thành con nợ, không biết bao giờ mới trả được.

Lòng tin mù quáng

Một buổi sáng cuối năm 2021, anh V.A.C, ở huyện Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) sau chuyến đi rừng thì nhận được một cuộc gọi điện thoại từ một phụ nữ trẻ. Giọng nói của một phụ nữ miền xuôi khá ngọt ngào, bảo rằng anh C. may mắn được Công ty tài chính P. cho vay một gói lên tới 200 triệu đồng. Đang lúc cần tiền mua cây, con giống về nuôi trồng, anh C. mừng rỡ vội hỏi thủ tục để được vay vốn. Người phụ nữ hướng dẫn anh cài đặt một app (ứng dụng) có tên là P... vào máy điện thoại, sau đó điền các thông tin cá nhân như họ tên, tuổi, địa chỉ, số điện thoại, số CMND... Đồng thời điền số tiền cần vay là 200 triệu đồng và ấn nút "hoàn tất".

Nhận diện tội phạm sử dụng công nghệ cao: Tội phạm tràn về nông thôn, miền núi -0

Thủ đoạn thanh lý xe máy giá rẻ cũng khiến không ít người dân ở nông thôn bị mất tiền

Sau khi anh C. làm theo, chờ mãi mà không thấy hồ sơ được duyệt nên hỏi lại người phụ nữ. Cô ta nói rằng do anh nhập sai thông tin nên cần phải chuyển một số tiền nhỏ để xác minh lại thông tin. Đối tượng cũng cam kết sẽ nhận được đủ 200 triệu là tiền mà công ty sẽ giải ngân cùng số tiền của anh C. chuyển. Anh C. đã vay mượn khắp nơi để nhiều lần chuyển tiền vào tài khoản ngân hàng mà đối tượng đưa cho. Tổng số tiền lên đến gần 1 tỷ đồng. Sau đó anh liên hệ lại thì bị chặn. "Cứ ngỡ vay được mấy trăm triệu đồng để làm ăn, ai ngờ giờ lại gánh một đống nợ thế này. Có ba đời nhà tôi cũng chẳng trả nổi" - anh C. than thở.

Nhưng anh C. không phải nạn nhân duy nhất. Tại huyện miền núi Tràng Định (Lạng Sơn) thời gian qua nhiều người dân ở đây bị cuốn vào vòng xoáy đầu tư tiền ảo đa cấp, khiến họ mất hết cả số tiền tích lũy trong nhiều năm. Chị Hoàng Thị L. (làm nghề buôn bán nhỏ, thường trú tại xã Hùng Việt, huyện Tràng Định) kể, một lần lướt mạng xã hội, chị được một đối tượng nữ giới thiệu hiện đang đầu tư vào sàn tiền Forex (ngoại hối), đầu tư ít mà tiền lãi cao. Ban đầu chị L. không tin, nhưng khi xem hình ảnh chụp màn hình khoe những khoản tiền kiếm được từ sàn giao dịch này thì chị bắt đầu dao động. Đặc biệt khi người phụ nữ kia khoe tài khoản ngân hàng nhiều tỷ đồng, cùng với xe ô tô, điện thoại xịn trên trang facebook của cô ta thì chị L đã tặc lưỡi, "thử xem nó thế nào".

Nhận diện tội phạm sử dụng công nghệ cao: Tội phạm tràn về nông thôn, miền núi -0

Cặp đôi lừa đảo Đinh Chí Hiếu và Trương Thị Tịnh Tâm

Đối tượng nói với chị L. rằng chỉ cần bỏ ra 100 USD (hơn 2 triệu đồng) là đã có thể mở tài khoản để lên sàn, lợi nhuận lên tới 10%/ngày. Sau khi có tài khoản, sẽ có các "chuyên gia" phân tích thị trường, lúc nào chốt mã thì sẽ có lời… Một ngày chỉ cần canh thời điểm để chốt mã là có tiền. Tiền lãi sẽ được chuyển vào tài khoản của trưởng nhóm, đến cuối tháng sẽ được hỗ trợ chuyển vào tài khoản.

Đầu tư thử một gói 100 USD và thấy tài khoản tăng vèo vèo nên chị L. đã nộp thêm nhiều tiền hơn. Có ngày chị nộp vào cả trăm triệu đồng và sung sướng ngắm tiền trong tài khoản ngày một nảy nở. Tuy nhiên, khi mà tài khoản của chị lên đến 500 triệu đồng thì bất ngờ sàn bị sập không thể rút tiền về, sàn liên tục báo lỗi không thể truy cập tài khoản, đồng nghĩa với việc mất sạch tiền.

Nhiều thủ đoạn lừa đảo mới

Nếu như một số người dân tộc thiểu số ở miền núi phía Bắc dính bẫy cho vay tiền với lãi suất thấp, hoặc bị lừa đầu tư ngoại hối thì tại miền núi Như Xuân (Thanh Hóa) thời gian qua liên tục xảy ra các vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua việc rao bán xe máy giá rẻ.

Cuối năm 2021, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thanh Hóa nhận được nhiều đơn trình báo từ người dân về việc truy cập tài khoản Facebook “Xe Máy L.A" và tài khoản Zalo “Xe Nhập Khẩu..." để đặt cọc và mua xe máy. Tuy nhiên bao nhiêu tiền chuyển khoản cho các đối tượng đều mất hút.

Qua điều tra, Cơ quan Công an đã phát hiện và làm rõ cặp đôi lừa đảo là Nguyễn Xuân Hùng (sinh năm 1989) và Nguyễn Văn Hà (sinh năm 1995, cùng trú tại xã Duy Phước, huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam). Tài liệu điều tra ban đầu từ Cơ quan công an cho thấy do thiếu tiền ăn chơi, Hùng và Hà đã nảy sinh ý định lừa đảo bằng cách đăng tải hình ảnh, bài viết liên quan đến việc bán xe máy nhập khẩu giá rẻ trên mạng xã hội Facebook, Zalo... nhằm dụ người dân đặt hàng.

Nhận diện tội phạm sử dụng công nghệ cao: Tội phạm tràn về nông thôn, miền núi -0

Nhóm đối tượng chuyên “cho số đề” để lừa đảo nhằm vào những nông dân ở Nghệ An

Khi có khách hàng gọi đến hỏi mua xe sẽ được đối tượng hướng dẫn kết bạn và liên lạc qua tài khoản Zalo. Để tạo lòng tin, đối tượng yêu cầu khách hàng chụp ảnh chứng minh nhân dân hoặc căn cước công dân để làm thủ tục đăng ký xe, sau đó đối tượng cung cấp tài khoản ngân hàng để bị hại chuyển tiền đặt cọc (số tiền cọc tùy thuộc vào loại xe máy khách hàng muốn đặt mua).

Một vài ngày sau khi nhận được tiền đặt cọc, đối tượng sử dụng một số thuê bao điện thoại để giả làm nhân viên giao xe gọi cho khách hàng thông báo là xe đã vận chuyển đến địa chỉ của khách hàng và yêu cầu chuyển nốt số tiền còn lại mới giao xe. Nếu khách hàng chuyển tiếp số tiền còn lại thì đối tượng sẽ chiếm đoạt hết số tiền này rồi chặn hết liên lạc với khách hàng. Trường hợp khách hàng yêu cầu xem xe mới chuyển tiếp số tiền còn lại thì đối tượng sẽ chặn hết liên lạc với khách hàng và chiếm đoạt số tiền mà khách hàng đã đặt cọc.

Trước đó, vào tháng 6-2021 Công an huyện Như Xuân cũng đã triệt phá đường dây Đinh Chí Hiếu và Trương Thị Tịnh Tâm (đều sinh năm 1996 và cùng trú tại huyện Duy Xuyên, tỉnh Quảng Nam) chuyên lừa đảo, chiếm đoạt tài sản bằng thủ đoạn thông báo trúng thưởng trên các trang mạng xã hội.

Chị N.T. H (sinh năm 1987, ở xã Bãi Trành, huyện Như Xuân) đến Công an huyện Như Xuân trình báo về việc chị được các đối tượng không rõ lai lịch gửi tin nhắn vào máy điện thoại di động thông báo trúng thưởng, sau đó yêu cầu nộp tiền qua tài khoản ngân hàng để khấu trừ thuế thì mới được nhận thưởng. Sau khi chuyển tiền 67 triệu đồng cho các đối tượng, chị H. không thể liên lạc được với đối tượng.

Ngay sau khi nhận được tin báo, lãnh đạo Công an huyện Như Xuân đã chỉ đạo Đội Cảnh sát hình sự tập trung xác minh. Sau một thời gian truy tìm dấu vết của các đối tượng, Công an huyện Như Xuân đã xác định ổ nhóm Đinh Chí Hiếu, Trương Thị Tịnh Tâm là các đối tượng gây ra vụ lừa đảo chị N.T.H nên đã tiến hành phá án, bắt giữ đối tượng. Khám xét khẩn cấp nơi ở của các đối tượng, Cơ quan công an huyện thu giữ 3 điện thoại di động, 2 thẻ ATM, 1 bộ máy vi tính và nhiều tài liệu khác có liên quan.

Nhận diện tội phạm sử dụng công nghệ cao: Tội phạm tràn về nông thôn, miền núi -0

Một số tang vật từ các vụ lừa đảo công nghệ cao mà cơ quan Công an thu giữ

Tại cơ quan điều tra, hai đối tượng khai nhận, do nợ nần nhiều nên bọn chúng đã rủ nhau thiết lập các trang cá nhân và vào các tài khoản của người sử dụng thông báo họ đã trúng thưởng và yêu cầu các bị hại chuyển tiền nộp thuế khấu trừ gia cảnh có trị giá 10% của tổng số tiền thưởng thì mới được nhận thưởng. Sau khi các bị hại chuyển tiền đặt cọc vào tài khoản thì xóa hết dấu vết và chặn liên lạc với các bị hại.

Với thủ đoạn này, từ đầu năm 2021 đến khi bị bắt giữ, nhóm đối tượng nói trên đã gây ra hàng chục vụ lừa đảo trên địa bàn toàn quốc với tổng số tiền trên 400 triệu đồng.

Công an Nghệ An bóc gỡ đường dây lừa đảo qua rao bán số lô, đề

Năm 2021, Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Nghệ An phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự và Công an các huyện Nghi Lộc, Diễn Châu, Quỳnh Lưu, bắt giữ 5 đối tượng có hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua hình thức rao bán số lô, đề trên mạng xã hội.

Nhóm đối tượng bị bắt giữ gồm Trần Văn Thảo (SN 1992), Trần Văn Diệu (SN 2001), Phạm Văn Trường (SN 1997), đều trú tại xóm 10, xã Ngọc Sơn, huyện Quỳnh Lưu và Nguyễn Tiến An (SN 1997), trú tại xóm 2, xã Quỳnh Lâm, huyện Quỳnh Lưu (Nghệ An). Tang vật thu giữ gồm 2 xe ôtô, 5 máy tính xách tay, 9 điện thoại di động, 2 bộ micro chỉnh âm thanh, thay đổi giọng nói và hơn 80 triệu đồng tiền mặt.

Trần Văn Thảo có vai trò cầm đầu, phân công nhiệm vụ cho từng thành viên và thỏa thuận phân chia số tiền chiếm đoạt được theo vai trò của từng người. Thảo là người đứng ra thuê địa điểm, phương tiện để các đối tượng khác tạo tài khoản zalo, kênh youtube, sau đó dựng các video để trực tiếp kết nối với những người có nhu cầu mua số lô, số đề. Khi bị hại chuyển tiền vào tài khoản, nhóm đối tượng này rút ra chia nhau tiêu xài cá nhân.

Để đối phó với cơ quan chức năng, nhóm này liên tục thay đổi chỗ ở, số điện thoại, thường xuyên tạo các video mới để quảng cáo, tiếp cận nạn nhân dưới nhiều hình thức khác nhau. Đồng thời, sử dụng nhiều thủ đoạn tinh vi như đăng ký sim rác, các tài khoản ngân hàng không chính chủ, thường xuyên di chuyển thay đổi chỗ ở tại TP. Hồ Chí Minh, Bình Dương và nhiều huyện trên địa bàn tỉnh Nghệ An.

Với thủ đoạn này, các đối tượng khai nhận từ tháng 4-2021 cho đến khi bị phát hiện và bắt giữ, đã thu lợi bất chính số tiền hơn 1 tỷ đồng.

Hơn 2.000 người sập bẫy sàn giao dịch tiền ảo Market Pr09.com Hơn 2.000 người sập bẫy sàn giao dịch tiền ảo Market Pr09.com

Thiết lập sàn giao dịch tiền ảo Market Pr09.com để mời gọi các nhà đầu tư tham gia, chỉ trong vòng 2 tháng trước khi ...

Cảnh báo các hành vi lừa đảo qua mạng thời điểm cuối năm Cảnh báo các hành vi lừa đảo qua mạng thời điểm cuối năm

Thời điểm cuối năm, nhiều đối tượng lợi dụng sự sơ hở của người dân để lừa đảo, nhất là tình trạng lừa đảo qua ...

/ antg.cand.com.vn