Thằng bé Hiếu học cùng lớp với con trai tôi, nó thường xuyên không về nhà sau khi tan lớp.
Hôm họp phụ huynh đầu năm học hai tháng trước, cô chủ nhiệm bàn với ban phụ huynh “năm nay có cách gì giúp thằng bé, kẻo nó hỏng mất”.
Năm học trước, bố mẹ Hiếu không đăng ký cho con học bán trú. Vì không học bán trú nên buổi trưa cháu không được ăn và ngủ lại lớp. 11 giờ ra về, chiều 1h30 quay lại.
Nhưng đến gần hết kỳ 1 thì bà nó mới lên trường báo với cô là thằng bé thường xuyên không về nhà buổi trưa, thậm chí tối mịt mới về. “Nó đi lang thang bờ bụi, vào hàng game, hay đi đâu tôi không biết. Hỏi thì nó lì mặt. Rồi bố nó đánh... Nhỡ bị bạn xấu rủ rê”, bà ngoại nói.
Năm ngoái cha mẹ Hiếu cũng không đóng học phí cho con, nhà trường phải chịu. Năm nay cô chủ nhiệm dặn ban phụ huynh chuẩn bị phương án huy động các phụ huynh khác hỗ trợ để Hiếu không bị đuổi học.
Ba thành viên ban phụ huynh lớp chúng tôi hẹn nhau tìm nhà Hiếu. Căn hộ chung cư hai phòng ngủ ngay một quận trung tâm tươm tất và mát lạnh. Bà ngoại bảo mẹ cậu bé làm đại lý dược, bố cháu làm công ty nên bận lắm. Mẹ nó 9 giờ tối mới về. Bố nó ngày nào cũng phải đi tiếp khách nên về nhà toàn mùi bia, không mắng con là may.
Nhà không nghèo, nhưng không ai nộp học phí cho thằng bé.
Trường con tôi gần nhà, nhiều hôm đưa con tới cổng trường tôi ngồi ngay đó uống cà phê, nhìn ngắm những lao xao í ới. Những bước chân nhỏ, gói xôi ruốc trong bọc ni lông, hộp sữa cắm sẵn ống hút, tiếng sập cửa ôtô, tiếng rồ ga xe máy... Xen vào đó là tiếng chào nhau vội vã của các bà mẹ, ông bố trẻ. Trông họ mới bận làm sao. Trong bộ đồ vét, hay đồng phục nào đó, họ vừa vẫy tay con, vừa nhìn vào điện thoại và gọi, nhắn.
Có rất nhiều bác giúp việc vai khoác ba lô xanh đỏ, tay cầm ổ bánh mì, thỉnh thoảng lại cúi xuống giúi vào miệng đứa trẻ.
“Nhanh nhanh”.
Làm ban phụ huynh, tôi cũng biết nhiều mẹ bận rộn, nhưng vẫn cố gắng đưa con đi học hàng ngày, dự tất cả các buổi họp phụ huynh, thăm hỏi thầy cô đều đặn. Nhưng số đông, không ít người luôn đứng lên chao chát ở cuộc họp phụ huynh vì con tôi kêu cơm ít thịt, tiền điều hòa nộp đều mà tại sao các cháu kêu nóng không ngủ được, tôi nhắn tin sao cô giáo không trả lời ngay... Nhiều ý kiến sau đó phát triển thành “nền giáo dục của ta không cải tiến nhanh cho kịp với tiến bộ thế giới”.
Nhưng những người có ý kiến, còn đáng khen hơn bố mẹ Hiếu. Họ không đi họp phụ huynh, họ không nghe điện thoại của nhà trường. Lần hiếm hoi, bố Hiếu đón con, cô giáo chạy vội ra để “tranh thủ nói chuyện” thì bố cậu rồ ga trốn mất.
Tôi cũng là mẹ của hai đứa trẻ, tôi cũng phát sốt phát rét vì câu hỏi “làm sao cho chúng nó nên người”. Mục tiêu của giáo dục không thay đổi qua bao đời nay, từ xã hội thổ dân Úc trước khi người da trắng đến sinh sống, hay từ trẻ con thời Hy Lạp cổ đại, cũng để trả lời câu hỏi đó.
Người Mỹ thì “rắc rối” hơn. Những năm 1940, họ cho rằng giáo dục phải kết hợp kiến thức và đạo đức, vì nếu một người giỏi lý thuyết mà không có tình cảm hoặc đạo đức sẽ trở nên nguy hiểm cho xã hội. Những năm 50, nhà trường phải là nơi làm học sinh trở thành người sáng tạo, có hiệu quả. Những năm 60 là thời điểm mục tiêu giáo dục chuyển từ việc tạo ra một xã hội học vấn sang xã hội học hỏi. Và đến những năm 90 thì có thêm nhiều chi tiết như phát triển kiến thức, phục vụ xã hội, đóng góp kinh tế, xây dựng lực lượng lao động... Nói gì thì nói, người ta có thể thêm nữa nữa vào danh sách đó, nhưng tóm lại vẫn là làm sao cho trẻ con nên người.
Trẻ con Việt Nam, ở thành phố với những lớp học máy lạnh hay theo lớp cắm bản trên núi cao, cũng được dạy với mục tiêu chung như thế.
Làm sao cho các con nên người? Trách nhiệm đó không thể đổ hết lên vai nhà trường và các thầy cô giáo.
Hiển nhiên là bố mẹ thành phố bây giờ luôn quá tải, quá bận và thiếu thời gian. Thường khi mọi việc không như ý, người ta dễ đổ lỗi cho ngành giáo dục. Thể lực của con kém cũng do nền giáo dục, con thông minh nhưng lười học cũng do các giờ học ở trường không đủ hấp dẫn. Con chán đến lớp, chắc chắn cô giáo có vấn đề.
Và các vấn đề của giáo dục, thì nó đã, đang được kể ra nhiều đến thế nào.
Tuy nhiên, phải luôn nhớ rằng, trong hệ thống giáo dục có hai đội ngũ hai bên đứa trẻ. Nhà trường - thầy cô và gia đình - phụ huynh. Tất nhiên nhà trường có nghĩa vụ làm cho trẻ cảm thấy hứng thú khi đến lớp. Nhưng phụ huynh cũng có nghĩa vụ đưa đến trường nhưng đứa trẻ biết kỷ luật và trách nhiệm, và hiểu là chúng đang đi học, chứ không đi mua một chỗ ngồi.
Đã đến lúc nên dành những khoảng không cần thiết cho vai trò của phụ huynh bên cạnh thầy cô giáo. Cụ thể hơn, định hình cho “cái bắt tay” giữa nhà trường và phụ huynh học sinh. Làm sao để các bậc cha mẹ hoặc người chăm sóc trẻ tham gia chủ động hơn và có phương pháp hơn trong quá trình giáo dục. Làm sao để các hoạt động ở trong và ngoài cánh cổng trường bổ sung cho nhau?
Trong các chỉ số đánh giá hiệu quả của một nền giáo dục, có hay không những giờ nấu nướng của một bà mẹ? Có hay không hình dáng hướng con tự lập của người cha? Những cái bóng khổng lồ nhưng dường như đang vô hình trong hệ thống giáo dục chính thức hiện nay.
“Nhanh nhanh” - các phụ huynh hay cascadeur của phụ huynh ở cổng trường vẫn dúi miếng ăn vào miệng đứa trẻ thúc nó vào lớp.
Mà giáo dục là cả một đời người, nhiều đời người, làm sao mà nhanh được?
Cuộc vượt biên của những đứa trẻ bỏ trường Không nhìn thấy tương lai trong những trang sách, nhiều học sinh vùng cao đi thẳng từ lớp học đến biên giới. Chúng trở thành ... |
Lớp học bốn thầy trò ở rẻo cao Bốn thầy trò hàng ngày miệt mài luyện chữ tại điểm trường heo hút cả năm không bóng người qua lại. |
https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/nhanh-nhanh-vao-lop-3675216.html