Nếu công nghệ không được chuyển giao sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào thầu Trung Quốc từ cái đinh ốc cho tới tấm kính...
Liên quan tới tình trạng các vết bung bật bê tông, kính lan can lối lên xuống tại một số ga đường sắt Cát Linh - Hà Đông bị nứt, vỡ, đại diện Ban quan lý dự án cho biết nguyên nhân do tác động trong quá trình thi công và có hiện tượng bị phá hoại. Có những tấm kính ở ga vành đai 3 đã phải thay 5 lần do hư hỏng. Tuy nhiên, việc thay thế chưa thể làm ngay do phải đặt kính tại Trung Quốc.
Tấm kính ngăn cầu thang đường sắt Cát Linh - Hà Đông phải nhập từ Trung Quốc. Ảnh: TPO
Bình luận về hiện tượng trên, PGS.TS Nguyễn Đình Thám (ĐH Xây dựng, Hà Nội) chỉ rõ mấy vấn đề sau:
Thứ nhất, vị chuyên gia nhấn mạnh việc lắp đặt kính chắn cầu thang là một hạng mục của dự án được thực hiện theo ký kết trong hợp đồng giữa nhà thầu và chủ đầu tư.
Trên cơ sở đó, khi sự cố xảy ra trong quá trình nhà thầu đang hoàn thiện dự án, hơn nữa, nguyên nhân chủ yếu do tác động trong quá trình thi công thì, nhà thầu phải chịu trách nhiệm thay, lắp đặt theo đúng tiêu chuẩn, chất lượng đã được ký kết.
Tuy nhiên, vấn đề ông quan tâm là các điều khoản ký kết trong hợp đồng cũng như những hệ lụy trong tương lai.
Từ lo ngại trên, vị PGS đặt ra vấn đề thứ hai, đó là khả năng bị phục thuộc lớn vào nhà thầu cũng như nhà cung cấp thiết bị, công nghệ của Trung Quốc.
Ông nhấn mạnh, dự án đường sắt trên cao Cát Linh - Hà Đông được thực hiện bằng nguồn vốn vay ODA của Trung Quốc. Ngay từ khi bắt đầu triển khai dự án đã gây tranh cãi lớn về tính hiệu quả cũng như tiến độ, tổng nguồn vốn vay thực hiện dự án.
"Từ một dự án được phê duyệt với tổng mức đầu tư là 552 triệu USD, dự án phải nhiều lần điều chỉnh mức vốn theo yêu cầu của nhà thầu lên gấp gần 2 lần (868 triệu USD).
Trong quá trình thi công, dự án cũng nhiều lần để xảy ra sai phạm, trong sử dụng lao động, kỹ sư cho tới sử dụng công nghệ, thiết bị cũng đặt ra nhiều vấn đề hoài nghi.
Tiếp đến là hàng loạt những vấn đề về nhân sự được đưa sang Trung Quốc để đào tạo, vận hành tàu cũng gây tranh cãi.
Bây giờ đến tấm kính ngăn cầu thang, những chi tiết rất nhỏ cũng phải chờ đợi nhập từ Trung Quốc về mới thay thế, sửa chữa được.
Điều này cho thấy, sự phụ thuộc quá lớn vào nhà thầu Trung Quốc, từ vốn, nhân sự cho tới công nghệ, thiết bị. Tức là từ cái lớn nhất cho tới cái nhỏ nhất chúng ta cũng đều phải nhập từ Trung Quốc.
Nếu không làm chặt chẽ, rõ ràng ngày từ đầu sẽ luôn phải chạy theo nhà thầu, làm theo yêu cầu của nhà thầu. Ví dụ, nhập chiếc xe máy Honda thì phải nhập phụ tùng, linh kiện của Honda để thay thế. Xe Nhật phải dùng linh kiện Nhật, xe Hàn dùng linh kiện Hàn vậy.
Như vậy, ngoài chuyện phụ thuộc vào những điều kiện hiện tại chúng ta còn bị phụ thuộc cả về nguyên tắc vận hành trong tương lai, khi đó, chi phí sửa chữa, thay thế có đưa ra mức giá nào chúng ta cũng phải chấp nhận mua với mức giá đó.
Đến khi đó, chi phí sửa chữa, bảo trì thậm chí còn lớn hơn cả chi phí mua mới. Rất nguy hiểm", PGS Nguyễn Đình Thám nói rõ.
Ngoài ra, ông cũng cho rằng cần làm rõ giải thích của nhà thầu khi nói nhiều tấm kính được thay đến 3 lần vẫn bị hỏng. Việc này đặt ra câu hỏi về chất lượng của vật liệu nhập từ Trung Quốc có bảo đảm hay không? Nếu không phải xem xét có yếu tố cố ý trì hoãn, kéo dài thời gian chậm đưa dự án vào khai thác thương mại hay không?
"Đặc biệt là cam kết, yêu cầu nhà thầu Trung Quốc phải chuyển giao công nghệ, nếu việc này không được làm chặt chẽ thì không chỉ vốn, công nghệ mà ngay cả con người vận hành cũng phải sử dụng theo nhà thầu.
Nếu công nghệ không được chuyển giao sẽ phải phụ thuộc hoàn toàn vào thầu Trung Quốc từ cái đinh ốc cho tới tấm kính, cuối cùng là chúng ta làm dự án để nuôi nhà thầu Trung Quốc trong khi lợi ích chưa thấy đâu còn hậu quả là gánh nặng nợ công mà quốc gia và mỗi người dân phải gánh", vị chuyên gia thẳng thắn.
Bên cạnh đó, vị chuyên gia cũng cho rằng sự yếu kém trong công tác quản lý cũng là vấn đề gây lo ngại. Theo PGS Nguyễn Đình Thám, nếu công tác quản lý bị buông lỏng, việc ký kết hợp đồng không chặt chẽ thì tất cả những chi phí phát sinh đều được nhà đầu tư khéo léo đưa vào dự toán, khi đó, nguồn vốn bị đẩy lên, gánh nợ càng nặng thêm.
Đánh giá một cách tổng thể, vị PGS cho rằng, quá trình thực hiện dự án đã bộc lộ nhiều hạn chế, yếu kém.
Điều ông lo ngại nhất là khi dự án được đưa vào khai thác, hoạt động sẽ lại phải đối diện với nguy cơ bị lạc hậu, không hiệu quả.
"Ngay từ đầu, dự án đã được đánh giá là lạc hậu, không hiệu quả nhưng vẫn làm và giờ đâm lao phải chạy theo lao. Nếu tiếp tục để dự án bị kéo dài, chậm đưa vào khai thác, hậu quả sẽ ngày càng lớn.
Giải pháp lúc này là đánh giá cụ thể những yếu kém, hạn chế, đồng thời, đưa ra giải pháp xử lý triệt để, nhanh chóng đưa dự án vào khai thác", vị PGS nói.
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông có hiện tượng phá hoại trong quá trình hoàn thiện Tổng thầu Trung Quốc chịu trách nhiệm sửa chữa những hư hỏng của dự án đường sắt Cát Linh Hà Đông trước khi được nghiệm ... |
Đường sắt Cát Linh-Hà Đông: "Nhà vợ không cho dâu thì cưới kiểu gì?" Tổng giám đốc công ty TNHH MTV Đường sắt Hà Nội nói sẵn sàng vận hành tuyến đường sắt Cát Linh-Hà Đông, song chưa thể ... |