ABCnews dẫn tuyên bố từ Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, Nhật Bản và Mỹ đã ký một thỏa thuận để cùng phát triển hệ thống phòng thủ tên lửa mới nhằm bảo vệ trước mối đe dọa ngày càng tăng của vũ khí siêu thanh.
- Bắn hạ tên lửa siêu thanh: Sự thực hay đòn tâm lý chiến?
- Triều Tiên xác nhận thử nghiệm thành công tên lửa siêu thanh nhiên liệu rắn
- Điện Kremlin: Nga chưa bao giờ đánh cắp bản vẽ tên lửa siêu thanh Mỹ
Dự án ban đầu được thống nhất giữa Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Tổng thống Mỹ Joe Biden tại hội nghị thượng đỉnh ở Washington (Mỹ) vào tháng 8 năm ngoái.
Các quan chức Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết, thỏa thuận hôm 15-5 xác định việc phân bổ trách nhiệm và quy trình ra quyết định, một bước quan trọng đầu tiên trong dự án. Hai nước kỳ vọng sẽ quyết định được nhà thầu Nhật Bản và bắt đầu quá trình phát triển vào tháng 3-2025.
Thiết bị đánh chặn Glide Sphere được lên kế hoạch triển khai vào giữa những năm 2030. Ước tính chi phí phát triển hệ thống đánh chặn tên lửa siêu thanh sẽ vượt quá 3 tỷ USD, trong đó Nhật Bản đóng góp 1 tỷ USD.
Bộ Quốc phòng Nhật Bản gọi đây là “vấn đề cấp bách” và lưu ý vũ khí siêu thanh trong khu vực đã được cải thiện đáng kể trong những năm gần đây.
Các quan chức cho biết, theo thỏa thuận này, Nhật Bản chịu trách nhiệm phát triển một bộ phận ở đầu tên lửa đánh chặn có khả năng tách ra trong không gian để phá hủy đầu đạn đang bay tới cũng như động cơ tên lửa của nó. Tokyo đã dành 75,7 tỷ yên (490 triệu USD) cho việc phát triển và thử nghiệm ban đầu hệ thống đánh chặn.
Theo dự án, các tên lửa đánh chặn sẽ được thiết kế để phù hợp với các tàu khu trục được trang bị hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo Aegis của Hải quân Mỹ. Vũ khí sẽ khai hỏa từ hệ thống phóng thẳng đứng tiêu chuẩn và được tích hợp với Hệ thống vũ khí Aegis Baseline 9 đã được sửa đổi để phát hiện, theo dõi, điều khiển và ngăn chặn các mối đe dọa siêu thanh.
Đánh bại vũ khí siêu thanh là một vấn đề kỹ thuật đầy thách thức, vì tên lửa có thể di chuyển với tốc độ gấp 5 lần tốc độ âm thanh và có thể cơ động trong khi bay, khiến việc dự đoán quỹ đạo của tên lửa trở nên khó khăn.
Nhật Bản đang tăng cường nỗ lực xây dựng quân đội khi nhấn mạnh sự cần thiết phải tăng khả năng răn đe trước các mối đe dọa ngày càng tăng. Nước này cũng đã nới lỏng đáng kể chính sách xuất khẩu vũ khí khi cho phép các nước thứ ba đồng phát triển vũ khí sát thương.