Hàng loạt các hoạt động đón chào năm mới truyền thống của Nhật Bản bị hủy bỏ hoặc bị hạn chế vì ảnh hưởng của đại dịch COVID-19.
Khác với các nước phương Đông ăn tết theo Âm lịch, cũng khác với phương Tây đón năm mới kéo dài từ Giáng sinh, Nhật Bản đón năm mới theo lịch dương bắt đầu từ 1/1 và kéo dài tới 3/1. Trong các ngày này, người Nhật dành thời gian cho gia đình. Họ tụ tập quây quần bên nhau trong một không gian yên tĩnh với các món ăn đặc biệt chuẩn bị cho năm mới.
Ở thời khắc giao thừa, nhiều người tới viếng thăm những ngôi đền gần nhất, cầu nguyện cho một năm mới tốt lành và đi mua sắm ở các cửa hàng bách hóa để được hưởng giá hời.
Khác với các quốc gia khác, tiếng chuông vang lên ở Nhật vào đêm giao thừa không chỉ một hay hai tiếng mà tới tận 108 tiếng. Trong đó, 107 tiếng chuông đầu tiên được đánh vào đêm 31/12, tiếng chuông cuối cùng được đánh vào thời điểm chuyển giao giữa năm cũ và năm mới.
Con số 108 trượng trưng cho sự gột rửa, thanh tẩy 108 ham muốn dục vọng tội lỗi của con người.
Lễ đón năm mới 2021 của Nhật Bản khác biệt so với các năm trước vì đại dịch. (Ảnh: Reuters) |
Ở Tokyo, địa điểm đón năm mới nổi tiếng nhất là ngôi đền Meiji Jingu.
Hằng năm, ngôi đền này đón khoảng 3 triệu lượt khách trong 3 ngày đầu tiên của Năm mới. Thông thường, vào đêm Giao thừa, cả 3 cánh cổng đền sẽ được mở suốt đêm để người dân đi lễ đầu năm.
Với người Nhật Bản, để chào đón năm mới, bữa tiệc Bonenkai truyền thống ấm cúng là không thể thiếu. Bonenkai là tiệc nhậu thường được tổ chức giữa những nhóm bạn hoặc các đồng nghiệp trong công ty. Mục đích của bữa tiệc là để quên đi những tai ương và rắc rối của năm vừa qua và hy vọng sẽ đón sang năm mới.
Trong những ngày đầu năm, người Nhật Bản thường treo hagoita - món đồ trang trí đầy màu sắc quanh nhà. Các bé trai, bé gái sử dùng vợt và những quả cầu hanetsuki chơi trò đánh cầu để xua đuổi vận rủi và mang lại may mắn. Nhiều người tới các đền thờ và mang về hamaya - những mũi tên giúp diệt trừ tà ma hoặc gửi cho bạn bè những tấm thiệp nengajou để chúc mừng năm mới.
Tuy nhiên, năm nay, lễ đón năm mới 2021 sẽ rất khác biệt với người dân Nhật Bản do ảnh hưởng của dịch bệnh.
Hôm 25/12, Thủ tướng Yoshihide Suga kêu gọi người dân nước này đón Năm mới một cách lặng lẽ và tránh tổ chức các cuộc tụ tập gia đình và bạn bè nhằm kiềm chế số ca lây nhiễm đang gia tăng gần đây. Hôm 30/12, Thị trưởng Tokyo Yuriko Koike cảnh báo về khả năng dịch "bùng nổ" vào dịp năm mới nếu người dân không có ý thức bảo vệ chính mình ở giai đoạn COVID-19 lây lan ở cấp độ chưa từng thấy như hiện nay.
Trong nỗ lực chống dịch chung của cả nước, đền Meiji Jingu sẽ đóng cửa vào 4h chiều ngày 31/12 và mở cửa trở lại từ 6h sáng ngày 1/1, đồng thời kêu gọi mọi người không đi lễ tập trung cùng lúc để tránh đông đúc.
Theo khảo sát của Tokyo Shoko, gần 90% công ty Nhật Bản đã bỏ qua bữa tiệc bonen-kai cũng như các bữa tiệc chào đón năm mới truyền thống.
Tuần trước, Nhật hoàng Naruhito tuyên bố hủy sự kiện đón năm mới với sự tham gia của các thành viên Hoàng gia như mọi năm. Chính phủ Nhật Bản cho biết, đây là lần đầu tiên kể từ năm 1990, Nhật Bản phải hủy bỏ lễ sự kiện vốn thu hút rất đông dân chúng tham dự này.
Lần cuối cùng mà Nhật Bản hủy bỏ các hoạt động đón mừng năm mới là cách đây 30 năm khi Thiên hoàng Hirohito qua đời.
Bên cạnh lời kêu gọi tránh tụ tập, chính phủ Nhật Bản kêu gọi các doanh nghiệp kéo dài thời gian nghỉ kéo dài 3 ngày (từ 1/1-3/1) tới ngày 11/1.
Các cửa hàng bách hóa lớn cũng tăng doanh số bán fukubukuro - bao lì xì truyền thống từ đầu tháng 12 để tránh cảnh mua sắm đông đúc những ngày cuối năm.
Nghị sỹ Nhật Bản đầu tiên tử vong vì Covid-19 Khi đang trên đường đến bệnh viện thì tình trạng của ông xấu đi đột ngột, sau đó bệnh viện thông báo ông Hata Yuichiro ... |
Nhật Bản cấm nhập cảnh từ tất cả các nước Chính phủ Nhật Bản hôm nay tuyên bố sẽ cấm nhập cảnh từ tất cả các quốc gia để ngăn sự lây lan của biến ... |