Trong khi phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) ảm đạm, thì áp lực đáo hạn trái phiếu tiếp tục gia tăng trong năm 2024.
Theo dữ liệu Hiệp hội thị trường trái phiếu Việt Nam (VBMA) tổng hợp từ Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội (HNX) và Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (SSC), có 3 đợt phát hành TPDN riêng lẻ trị giá 1,165 tỷ đồng trong tháng 2/2024.
"Tiếp tục tình trạng phát hành ảm đạm trong tháng 1, giá trị phát hành trong tháng 2 vẫn ở mức rất thấp so với mặt bằng năm 2023 khi một số điều trong Nghị định 65/2022/NĐ-CP có hiệu lực trở lại và thắt chặt hơn quy định về phát hành TPDN, ví dụ như tiêu chí xác định nhà đầu tư cá nhân chuyên nghiệp và yêu cầu xếp hạng tín nhiệm", các chuyên gia VBMA nhận định.
Đáng chú ý, trong tháng 2, các DN đã mua lại 2,056 tỷ đồng trái phiếu trước hạn, giảm 68% so với cùng kỳ năm 2023. Trong 10 tháng còn lại của năm 2024, VBMA ước tính sẽ có khoảng 255,732 tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, trong đó phần lớn là trái phiếu bất động sản (BĐS) với 98,127 tỷ đồng, tương đương 38.4%. Về tình hình công bố thông tin bất thường, có 7 DN công bố chậm trả gốc, lãi trong tháng với tổng giá trị khoảng 6,213 tỷ đồng (gồm lãi và dư nợ còn lại của trái phiếu) và 24 mã trái phiếu được gia hạn thời gian trả lãi, gốc hoặc thời gian mua lại trái phiếu trước hạn.
Cũng đưa ra con số tương tự, Công ty Cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) ước tính cả năm 2024 có khoảng 279 nghìn tỷ đồng trái phiếu đáo hạn, với hơn 115 nghìn tỷ làm TPDN BĐS (chiếm 41,4%), tiếp theo là nhóm tổ chức tài chính với hơn 81 nghìn tỷ (chiếm 29%). "Số liệu trên chưa tính những khoản đáo hạn "lần 2" sau khi được gia hạn, cho nên áp lực đáo hạn trong năm nay thực chất sẽ cao hơn so với con số trên phản ánh", KBSV phân tích.
Nhìn vào thực tế thị trường, có thể kể tên một loạt DN gặp khó khăn trong thanh khoản trái phiếu đã xin gia hạn hoặc được dự báo trước. Ví dụ như Công ty CP Tập đoàn FLC báo cáo gửi HNX về tình hình thanh toán gốc và lãi của lô trái phiếu FLCH 2123003 đáo hạn vào ngày 28/12/2023, cho biết tiếp tục chưa thể hoàn thành nghĩa vụ trả nợ gốc và nợ vay. Theo đó, lô trái phiếu này có giá trị 1.150 tỷ đồng, được phát hành vào ngày 28/12/2021, kỳ hạn 24 tháng và kỳ trả lãi 6 tháng/lần.
Tính tới thời điểm ngày 5/3, số tiền gốc FLC phải trả là 996,4 tỷ đồng, DN đã thanh toán được 100,1 triệu đồng. Số tiền lãi 59,7 tỷ đồng kỳ hạn thanh toán ngày 28/6/2023, FLC mới thanh toán gần 6 tỷ đồng. Còn số tiền lãi 59,8 tỷ đồng kỳ hạn thanh toán vào 28/12/2023, FLC chưa thanh toán đồng nào. DN cho biết đang trong quá trình đàm phán với nhà đầu tư để xin phương án gia hạn.
Tương tự, một "đại gia" BĐS khác, Công ty CP Tập đoàn Đầu tư Địa ốc No Va (Novaland - NVL) cũng vừa có thông báo gửi HNX xin chậm thanh toán lãi 4 lô trái phiếu vào cuối tháng 2/2024 với cùng lý do "chưa thu xếp kịp nguồn thanh toán". Tổng số lãi dự kiến phải trả của 4 lô này là gần 98 tỷ đồng. Ngoài ra, theo danh sách các DN có trái phiếu sẽ phải đáo hạn trong năm 2024, nhìn vào kết quả kinh doanh, cũng có thể đoán được phần nào khả năng thanh toán nợ sẽ rất khó khăn.
Ví dụ Công ty CP Đầu tư Golden Hill có lô trái phiếu trị giá 5.760 tỷ đồng đáo hạn vào ngày 15/4 tới đây. Theo báo cáo tình hình tài chính gần nhất được công bố, lợi nhuận sau thuế năm 2022 của công ty này âm gần 276 tỷ đồng, gấp 48 lần mức âm 5,8 tỷ đồng của năm 2021. Đến cuối năm 2022, vốn chủ sở hữu của công ty ở mức 2.421 tỷ đồng, giảm hơn 10% so với cuối năm 2021. Nợ phải trả gần 12.347 tỷ đồng, gấp 5,1 lần vốn chủ sở hữu.
Hay Công ty CP Đầu tư và Kinh doanh Nam An có lô trái phiếu 4.700 tỷ đồng đáo hạn vào tháng 9/2024, báo cáo tình hình tài chính bán niên 2023 của công ty cho thấy, 6 tháng đầu năm 2023, DN lỗ sau thuế gần 256 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ lãi sau thuế hơn 679 tỷ. Đến giữa năm 2023, nợ phải trả của công ty tăng mạnh so với cùng kỳ lên 13.784 tỷ đồng, gấp 5,64 lần vốn chủ sở hữu. Một DN khác, Công ty TNHH Phát triển BĐS An Khang, có lô trái phiếu 1.000 tỷ đáo hạn vào tháng 6/2024, nửa đầu năm 2023, DN này lỗ thêm 119 tỷ đồng, sau khi đã lỗ sau thuế lần lượt 112 tỷ đồng và 831 tỷ đồng trong hai năm 2021, 2022. Nợ phải trả đến hết tháng 6/2023 của công ty 14.050 tỷ, gấp 26,99 lần vốn chủ sở hữu…
Kể từ quý IV/2022 danh sách các tổ chức phát hành chậm thanh toán các nghĩa vụ nợ TPDN đã liên tục tăng lên. Theo số liệu tổng hợp của VNDirect, tính đến cuối năm 2023, có khoảng hơn 70 DN nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN. Ước tính, tổng dư nợ TPDN của các DN này là khoảng hơn 172.000 tỷ đồng, chiếm khoảng 16,5% dư nợ TPDN toàn thị trường, phần lớn trong số này là các DN thuộc nhóm BĐS.
Trong khi đó, FiinRatings cũng nhận định năm 2024, bên cạnh áp lực đáo hạn trái phiếu lớn, thị trường sẽ đối mặt thêm gánh nặng từ các lô TPDN chậm gốc/lãi được gia hạn trước đó thông qua Nghị định 08. Dù vậy, FiinRatings vẫn kỳ vọng thị trường TPDN năm 2024 sẽ bước vào giai đoạn phát triển mới theo hướng chặt chẽ hơn với việc áp dụng những yêu cầu cao hơn đối với tất cả các thành viên tham gia thị trường, qua đó giúp cho hoạt động phát hành trái phiếu mới dần phục hồi.
https://cand.com.vn/Kinh-te/nhieu-ap-luc-thanh-toan-trai-phieu-nam-2024-i725687/