Sau một thời gian dịch COVID-19 hạ nhiệt, người dân tuyến dưới bắt đầu đổ lên các bệnh viện tuyến trung ương khám, chữa bệnh khiến nhiều bệnh viện rơi vào quá tải trầm trọng. Có nơi bệnh nhân tăng tới gần 300%, phòng mổ sáng đèn suốt đêm, bác sĩ, nhân viên y tế phải tăng ca, tăng giờ làm lên đến 16 tiếng/ngày, bận rộn với guồng quay công việc từ 6h sáng đến 8-9h tối để phục vụ hết bệnh nhân.

Bệnh nhân tăng gấp đôi, gấp ba

Chúng tôi tới Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức (Bệnh viện Việt Đức) vào một ngày giữa tháng 7. Tại khu vực khám bệnh đầu giờ sáng rất đông bệnh nhân. Một số khoa như Khoa Phẫu thuật chi trên và Y học thể thao, Khoa Phẫu thuật thần kinh 1 và 2, khu vực chụp X-quang, siêu âm… bệnh nhân cũng gần như chật kín. Ở dưới sân và các ghế đá, người nhà bệnh nhân ngồi kín mít.

bn (2).jpg -0
Bệnh nhân đến khám, phẫu thuật tăng đột biến tại Bệnh viện Việt Đức.

Ông Nguyễn Văn Tuyến (76 tuổi, Hà Nội) bị đau dạ dày mãn tính, gần đây ăn uống khó tiêu, đau bụng, lo lắng đến viện khám. “Tôi sợ đông nên đi từ sáng sớm, nhưng đến đây có người ở tỉnh xa còn đến sớm hơn, họ đi xe từ 3h sáng để kịp khám và làm các xét nghiệm trong ngày”, ông Tuyến cho biết.

PGS.TS Nguyễn Mạnh Khánh, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết, sau cao điểm dịch COVID-19, người dân đến khám chữa bệnh tại Bệnh viện Việt Đức tăng rất mạnh, tăng tới gần 300% so với trước. Nếu như trong 6 tháng đầu năm 2021, Bệnh viện Việt Đức tiếp nhận hơn 51.000 lượt người tới khám chữa bệnh, thì riêng trong 6 tháng đầu năm 2022 đã có 140.000 bệnh nhân tới khám (tăng gần 100.000 trường hợp). Bệnh viện rơi vào cảnh quá tải trầm trọng.

 “Chúng tôi không có quyền từ chối bệnh nhân đến khám chữa bệnh, ngoài bệnh nhân cấp cứu từ các tuyến chuyển lên, bất cứ người bệnh nào tới khám, chúng tôi đều tiếp nhận và phục vụ đến bao giờ hết bệnh nhân mới thôi. Trong khi cơ sở vật chất, nhân lực y tế chỉ có thế, không tăng, nên không tránh được quá tải”, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho biết.

Ông Khánh cũng cho biết thêm, do số lượng bệnh nhân phẫu thuật tại bệnh viện tăng đột biến, chỉ trong 6 tháng đã gần như hết dự trù vật tư, sinh phẩm cho cả năm. Do vậy, bệnh viện phải kịp thời bổ sung công tác đấu thầu mua sắm, nên không có tình trạng bệnh nhân phải ra ngoài mua thêm vật tư y tế.

Không chỉ riêng Việt Đức, tại nhiều bệnh viện tuyến Trung ương cũng rơi vào cảnh quá tải sau dịch, bệnh nhân đến khám và nhập viện gia tăng đột biến. Tại Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai bệnh nhân nhập viện tăng gần gấp đôi so với thời gian cao điểm dịch COVID, hiện 300 giường đã rơi vào tình trạng quá tải, bệnh nhân phải nằm ghép. Trung tâm Tim mạch của bệnh viện lúc nào cũng chật kín giường bệnh, có thời điểm phải nằm ghép.

Bệnh viện K cũng trong cảnh tương tự khi bệnh nhân tuyến dưới lên khám, chữa bệnh rất đông; bệnh nhân tái khám và người bệnh đến truyền hóa chất theo lịch hẹn liên tục. Do dịch COVID-19 nhiều người trì hoãn đi khám, nay hết dịch người dân tuyến dưới vượt tuyến rất nhiều. Bên cạnh đó, một số cơ sở y tế do quá đông bệnh nhân, lại thiếu thuốc, vật tư y tế, với những bệnh có thể trì hoãn mổ thì để lại, ưu tiên những ca mổ cấp cứu.

Bệnh viện 19-8 Bộ Công an, trong 3 tháng lại đây, trung bình mỗi ngày có hơn 900-1.000 người tới khám chữa bệnh, tăng nhiều so với thời điểm bùng phát dịch COVID-19. Bệnh viện có 800 bệnh nhân điêu trị nội trú, hơn 400 người điều trị ngoại trú. Trung bình mỗi đêm, bệnh viện cấp cứu hơn 100 ca. Tại Khoa Điều trị tích cực và chống độc có 20 giường hồi sức thì lúc nào cũng trong tình trạng gần như kín. “Bệnh nhân nặng vào nhiều hơn, chúng tôi thường làm thông trưa. Khoa hiện có 18 bệnh nhân nặng đang phải điều trị hồi sức, trong đó có 8 ca thở máy, còn lại thở oxy gọng kính”, BSCKI Hoàng Văn Điện, Phó trưởng Khoa cho biết.

Giải pháp nào?

Lý giải về nguyên nhân người bệnh tăng đột biến, Phó Giám đốc Bệnh viện Việt Đức cho hay, sau 2 năm dịch COVID-19, nhiều người bệnh không phải cấp cứu nên không tới khám, khi dịch bệnh kiểm soát tốt, mọi người dồn đi khám nên xảy ra hiện tượng quá tải. Bên cạnh đó, còn có thể còn nguyên nhân là tại nhiều cơ sở y tế chưa giải quyết tốt những vướng mắc về chuyên môn hay trang thiết bị, nguồn nhân lực nên bệnh nhân vượt tuyến, dẫn tới hiện tượng lượng bệnh nhân tăng 200-300% so với các năm trước.

Để giải bài toán bệnh nhân quá tải, hầu hết các nhân viên y tế của Bệnh viện Việt Đức đều tăng giờ làm từ 8 giờ đến 12-16 giờ để kịp thời giải quyết hết cho nhu cầu của bệnh nhân. Các khu vực khám bệnh, chụp chiếu, nội soi… bố trí nhân lực đi làm từ 6h sáng khám đến 7 - 8h tối hết bệnh nhân mới dừng. Thậm chí có bộ phận tăng ca làm việc đến 22h. “Bệnh viện đang gấp rút xây dựng thêm 1 khu vực khám bệnh, thời gian tới đưa vào hoạt động, sẽ khắc phục được tình trạng quá tải ở phòng khám”, ông Khánh cho hay.

Hiện nay, lượng bệnh nhân chờ mổ của Việt Đức rất lớn, để giải quyết vấn đề này, bệnh viện đã triển khai mổ ngoài giờ, mổ xuyên các ngày nghỉ, ngày lễ Tết để giảm thiếu tới mức tối đa số lượng bệnh nhân phải chờ mổ. 51 phòng mổ của bệnh viện hoạt động liên tục, hết công suất.

Để giảm tải cho bệnh viện tuyến trung ương, trong đó có Bạch Mai, Việt Đức, cuối năm 2014 Bộ Y tế đã triển khai xây dựng cơ sở 2 của hai bệnh viện ở Hà Nam. Tuy nhiên, nhiều năm trôi qua, 2 cơ sở này vẫn chưa được đưa vào hoạt động và tiếp tục trễ hẹn đến năm thứ 5. Trong khi tình trạng quá tải đang diễn ra thì cơ sở 2 của cả hai bệnh viện này vẫn đang “đắp chiếu”. Nếu 2 cơ sở này triển khai hoạt động khám chữa bệnh, sẽ giảm tải rất nhiều cho cơ sở 1, cũng như tiết kiệm được sức người, sức của cho người bệnh.

https://cand.com.vn/y-te/nhieu-benh-vien-bong-dung-qua-tai-vi-sao--i662018/

Trần Hằng / cand.com.vn