Ít nhất bốn dự án cao tốc không có nhà đầu tư tham gia khiến đơn vị chủ quản phải đề xuất chuyển sang đầu tư công.
Tháng 11, Bộ Giao thông Vận tải đã hủy thầu hai dự án thành phần cao tốc Bắc Nam là quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu do không tìm được nhà đầu tư. Đây là 2 trong 8 dự án cao tốc Bắc Nam trước đó được Quốc hội quyết định đầu tư theo hình thức thức đối tác công tư (PPP).
Trong số 8 dự án này, hồi đầu năm, khi Bộ Giao thông Vận tải sơ tuyển nhà đầu tư, dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết cũng không có doanh nghiệp tham gia.
Như vậy đến nay 3 trong số 8 dự án cao tốc Bắc Nam dự kiến triển khai theo hình thức PPP đã không thu hút được nguồn lực ngoài ngân sách Nhà nước. Hồi tháng 6, Quốc hội đã quyết định chuyển dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết sang đầu tư công. Với dự án quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu, Bộ Giao thông Vận tải đang đề xuất Chính phủ báo cáo Ủy ban Thường vụ Quốc hội xem xét chuyển sang sử dụng vốn ngân sách.
Ngoài ra, trong tháng 10, UBND tỉnh Tuyên Quang hủy sơ tuyển nhà đầu tư thực hiện dự án cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang do không có doanh nghiệp nào nộp hồ sơ. Tỉnh đã đề xuất Bộ Giao thông Vận tải cho chuyển dự án này sang đầu tư công.
Cao tốc La Sơn - Túy Loan sẽ kết nối với các dự án cao tốc Bắc Nam đang triển khai. Ảnh: Võ Thạnh. |
Phân tích lý do nhiều dự án PPP hạ tầng giao thông kém hấp dẫn, ông Trần Chủng, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông (VARSI), cho rằng thách thức lớn nhất đối với các nhà đầu tư là huy động vốn tín dụng. Các dự án PPP hạ tầng giao thông có mức đầu tư lớn, đơn cử dự án Vĩnh Hảo - Phan Thiết dài 101 km, tổng mức đầu tư hơn 11.600 tỷ đồng; thời gian vay vốn kéo dài tiềm ẩn rủi ro cho các ngân hàng, nên khó vay vốn.
Trong khi đó, thời gian qua nhiều dự án BOT đã phát sinh những vướng mắc về thu phí, dẫn đến doanh thu thực tế thấp hơn phương án tài chính đề ra ban đầu.
Ngoài ra, ông Chủng nhìn nhận việc các chính sách liên quan thường xuyên thay đổi, như quy định về thuế, phí hay về quản lý, sử dụng tài sản công...., gây rủi ro cao trong quá trình đầu tư, ảnh hưởng xấu đến việc thúc đẩy đầu tư dài hạn. Nhiều dự án được nhà nước hỗ trợ vốn ngân sách song chậm giải ngân cũng khiến nhà đầu tư lo ngại.
Với các dự án cao tốc Bắc Nam đang triển khai, lãnh đạo VARSI cho rằng, tại hồ sơ mời thầu, nhà đầu tư chỉ có tối đa 6 tháng để huy động vốn tín dụng; trường hợp không huy động được vốn thì cơ quan nhà nước có thẩm quyền sẽ hủy hợp đồng. Quy định mốc thời gian được cho là "quá gấp gáp" trong điều kiện huy động vốn ở Việt Nam.
"Với hàng loạt khó khăn trên, cơ hội để nhà đầu tư tiếp cận được các dự án cao tốc Bắc Nam là rất thấp", ông Chủng nói và cho rằng chỉ khi cơ chế của phương thức đối tác công tư là các bên cùng có lợi, tạo dựng được niềm tin thì Nhà nước mới kêu gọi được thêm vốn trong dân, vốn từ nhà đầu tư nước ngoài cùng làm PPP.
Ông Trần Văn Thế, Phó chủ tịch Hiệp hội VARSI, nêu thêm một số vấn đề như: Nhiều dự án BOT hiện nay không được tăng giá theo lộ trình, vốn hỗ trợ của Nhà nước không đủ... khiến nhà đầu tư không mặn mà các dự án BOT mới. Theo ông, trong trường hợp không huy động được vốn tín dụng từ ngân hàng, cơ quan quản lý có thể tháo gỡ bằng chính sách, ví dụ như cho phép phát hành trái phiếu công trình được Nhà nước bảo lãnh.
Với góc nhìn doanh nghiệp, ông Phan Văn Thắng, Phó chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn Đèo Cả, nói "hiện nhiều doanh nghiệp đủ năng lực kỹ thuật làm đường cao tốc, song chính sách hay thay đổi khiến họ lo lắng khi tham gia dự án hạ tầng giao thông thường đòi hỏi vốn đầu tư lớn, thời gian cả chục năm".
Theo ông, với hợp đồng BOT, nhà đầu tư và cơ quan nhà nước có thẩm quyền đều bình đẳng. Nhưng thực tế cơ quan quản lý có thể xử lý nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết, ở chiều ngược lại, khi cơ quan quản lý không thực hiện đúng cam kết thì không bị xử lý vì không có chế tài.
Công trường thi công cao tốc Mai Sơn - quốc lộ 45 bằng vốn đầu tư công. Ảnh:Anh Duy |
Về phía cơ quan quản lý, ông Nguyễn Danh Huy, Phó vụ trưởng Đối tác công tư (PPP, Bộ Giao thông Vân tải), cho hay nguồn vốn vay ngân hàng thường chiếm 30-50% tổng vốn đầu tư các dự án BOT. Tuy nhiên hiện các doanh nghiệp khó vay vốn vì ngân hàng e ngại rủi ro từ những dự án bị giảm doanh thu thời gian qua.
"Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư (PPP) sẽ có hiệu lực từ năm tới (2021). Hiện nhà đầu tư chưa biết sẽ được hưởng những hỗ trợ gì theo Luật mới, nên họ có tâm lý chờ đợi nghị định cụ thể hóa Luật này", ông Huy nói và kiến nghị các cơ quan có thẩm quyền xử lý dứt điểm những tồn tại của các dự án BOT gặp khó khăn thời gian qua để Luật PPP mới phát huy tác dụng tích cực hơn với lĩnh vực hạ tầng giao thông.
"Nhà nước nên tăng phần vốn hỗ trợ đối với các dự án hạ tầng có lưu lượng xe thấp", ông Huy nêu thêm giải pháp.
Dự án quốc lộ 45- Nghi Sơn dài 43km có tổng vốn đầu tư 6.330 tỷ đồng, dự kiến hoàn thành năm 2023. Sau khi mời thầu, dự án có một liên danh nhà đầu tư tham gia, tuy nhiên, hồ sơ đề xuất kỹ thuật của nhà đầu tư này không đáp ứng các yêu cầu theo quy định, do đó không trúng thầu. Dự án cao tốc Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50 km có tổng vốn đầu tư 8.380 tỷ đồng. Sau khi mời thầu, đơn vị chủ quản không nhận được hồ sơ tham gia đầu thầu. Dự án cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ kết nối với cao tốc Nội Bài - Lào Cai dài 40,2 km theo hình thức PPP, loại hợp đồng BOT, có tổng mức đầu tư khoảng 3.271 tỷ đồng, trong đó huy động 2.760,3 tỷ đồng vốn doanh nghiệp và vốn tín dụng. |
"Mắt thần" ghi nhận hàng nghìn vi phạm giao thông trên cao tốc Trong 4 tháng, 110 camera trên cao tốc Nội Bài - Lào Cai phát hiện hàng nghìn vi phạm giao thông của các tài xế, ... |
Đề nghị làm cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ bằng vốn ngân sách Bộ GTVT vừa có công văn gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án xây dựng ... |