Khoảng 10.000 tựa sách và nhiều bản đồ, tài liệu cung cấp những góc nhìn đa chiều về cuộc chiến tranh ở Việt Nam được lưu trữ ở Trung tâm tư liệu của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tại Hà Nội.
Trung tâm lưu trữ của Chi nhánh Hà Nội (Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông) lưu giữ nhiều kỷ vật của chiến sỹ cách mạng. (Ảnh: Vietnam+) |
Nhiều hiện vật của chiến sỹ cách mạng mà binh sỹ Mỹ đã mang về nước sau khi kết thúc cuộc chiến tranh ở Việt Nam (1975) đã “hồi hương” và được lưu trữ tại Trung tâm lưu trữ của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông - Chi nhánh Hà Nội.
Thông tin trên được Thượng tướng Nguyễn Văn Hưởng - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông cho biết trong lễ ra mắt Chi nhánh Hà Nội và Tạp chí Phương Đông diễn ra sáng nay (22/2) tại Hà Nội.
“Trong quá trình sưu tầm các loại sách, tài liệu ở nước ngoài, chúng tôi đã tìm được và đưa về nước nhiều hiện vật của chiến sỹ cách mạng hy sinh ở chiến trường miền Nam,” ông Nguyễn Văn Hưởng cho hay.
Một trong những hiện vật tiêu biểu là lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được các chiến sỹ cách mạng cắm trên cột cờ ở thành cổ Huế, báo hiệu quân ta đã làm chủ thành phố trong năm 1968. Khi binh lính Mỹ chiếm lại Huế, họ đã kéo lá cờ xuống. Một binh lính Mỹ trực tiếp tham gia trận đánh chiếm lại Huế năm 1968 đã mang lá cờ về Mỹ.
Lá cờ của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam được các chiến sỹ cách mạng cắm trên cột cờ ở thành cổ Huế, hiện được lưu giữ tại Trung tâm lưu trữ của Chi nhánh Hà Nội (Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông). (Ảnh: Vietnam+) |
Bên cạnh đó, trung tâm còn lưu trữ nhiều tư liệu quý khác như lá cờ của Sư đoàn 320 (phần thưởng của Bộ Tổng Tham mưu nhân chiến thắng chiến dịch mùa khô 1968) đã bị bom đạn phá nát một phần, các loại quân trang, quân dụng, ảnh, sổ tay, nhật ký công tác, thư gửi gia đình…
Ngoài ra, Trung tâm lưu trữ của Chi nhánh Hà Nội (Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông) cũng lưu trữ trên 10.000 cuốn sách và nhiều loại tài liệu nói về cuộc chiến tranh Việt Nam của các cơ quan chính phủ và tổ chức có liên quan trực tiếp; bản đồ cổ về Việt Nam (được sưu tầm ở Mỹ, Pháp và một số nước châu Á trong nhiều năm qua)…
Ông Nguyễn Văn Hưởng cho biết, Chi nhánh Hà Nội có nhiệm vụ sưu tầm các tư liệu về lịch sử, chiến tranh, kinh tế, chính trị, xã hội, quan hệ quốc tế… của Việt Nam ở cả trong và ngoài nước; nghiên cứu, khai thác các tư liệu để tư vấn cho các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội về chính trị, đối ngoại, kinh tế, xã hội; tổ chức quản lý, lưu trữ tư liệu (sách, tài liệu, phim ảnh, bản đồ…); công bố các dữ liệu, các sự kiện, hình ảnh liên quan tới lịch sử và chiến tranh Việt Nam…
Cũng theo ông Hưởng, Tạp chí Phương Đông xuất bản hàng tháng theo Giấy phép xuất bản số 444/GP-BTTTT của Bộ Thông tin và Truyền thông cấp ngày 21/12/2018. Số đầu tiên ra mắt độc giả đúng dịp Xuân Kỷ Hợi 2019, hướng đến kỷ niệm 89 năm ngày thành lập Đảng Cộng sản Việt Nam (3/2/1930-3/2/2019).
Đây là cơ quan ngôn luận của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, diễn đàn khoa học trên các lĩnh vực liên quan đến mọi mặt của đời sống xã hội trong và ngoài nước.
Tạp chí được xuất bản bằng tiếng Việt, tiếng Anh và chuẩn bị ra mắt phiên bản điện tử.
"Trước mắt, bài in trên Tạp chí Phương Đông sẽ được xuất bản trên website của Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông tại địa chỉ: www.ordi.vn,” ông Nguyễn Văn Hưởng, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Phát triển Phương Đông, Giám đốc Chi nhánh Hà Nội kiêm Tổng biên tập Tạp chí Phương Đông cho biết./.
Kho tư liệu khổng lồ và cầu nối thời gian Khó có thể thống kê hết được số lượng các bảo tàng tư nhân và các cá nhân sưu tầm, lưu giữ những kỷ vật ... |