Một tàu cá của ngư dân Khánh Hòa mua bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67 nhưng không được chi trả bảo hiểm sau khi chìm tàu vì lý do không có bằng máy trưởng. Điều lạ lùng là, sau khi chìm tàu, chủ tàu cá mới tá hỏa, không biết điều kiện chi trả bảo hiểm này vì giấy chứng nhận bảo hiểm không kèm theo quy tắc ràng buộc trên.
Ông Trần Còn phản ánh với phóng viên Báo Lao Động về sự việc. Ảnh: P.V |
Bị bắt buộc mua bảo hiểm Bảo Minh
Đó là trường hợp của ngư dân Trần Còn (trú thôn Võ Tánh, xã Vĩnh Lương, TP.Nha Trang). Ngày 7.8.2016, hai tàu cá KH 92486 và KH 95743 (đều mua bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67) của ông Còn xuất bến tại Trạm biên phòng Hòn Rớ, khi chạy đến gần đảo Hòn Nội (vịnh Nha Trang) thì tàu cá KH 95743 gặp sự cố nước tràn vào gây tắt máy, nên phải nhờ tàu cá KH 92486 đến lai dắt vào bờ. Do thời tiết xấu nên trong quá trình lai dắt, tàu cá KH 95743 kéo theo tàu KH 92486 bị chìm theo.
Sau khi tàu chìm, ông Còn đã báo cho Cty Bảo hiểm Bảo Minh (Bảo Minh) đề nghị bồi thường theo bảo hiểm đã mua. Tàu cá KH 92486 đầy đủ thủ tục theo quy định đã được Bảo Minh bồi thường 1 tỉ đồng. Riêng tàu cá KH 95743, Bảo Minh từ chối bồi thường số tiền 700 triệu đồng, với lý do trong danh sách thuyền viên khi đăng ký xuất bến tại Trạm Biên phòng Hòn Rớ không có thuyền viên nào có bằng máy trưởng theo quy định để đảm bảo an toàn bắt buộc khi tàu xuất bến.
Ông Còn bức xúc: “Trạm thủy sản Ninh Hòa bắt buộc tôi mua bảo hiểm Bảo Minh. Thay vì không tham gia Nghị định 67, tôi tự nguyện mua bảo hiểm Bảo Việt một cách bình thường thì họ bảo nếu không mua bảo hiểm Bảo Minh thì tôi sẽ bị xử phạt”.
Trước khi được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm tàu cá theo Nghị định 67, ông Còn cho biết đã nộp cho Trạm thủy sản Ninh Hòa 20 triệu đồng. Lạ một điều ông không nhận được hợp đồng bảo hiểm. Giấy chứng nhận bảo hiểm không kèm theo quy tắc bảo hiểm nên ông không biết nếu không có bằng máy trưởng thì sẽ không được bồi thường khi vận hành tàu cá gặp sự số, bị thiệt hại.
Khiếu nại nhiều lần không thỏa mãn, ông Còn đệ đơn ra tòa án. Tuy nhiên, theo trình bày của ông, do điều kiện tài chính gia đình gặp khó khăn nên ông rút đơn kiện.
Trạm thủy sản làm đầu mối bán bảo hiểm
Ngày 5.10, ông Nguyễn Văn Minh - Giám đốc Hàng Hải (Cty Bảo hiểm Bảo Minh) có văn bản gửi Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa cho biết, theo kết quả giám định tàu cá bị chìm KH 95743 thì trong bản đăng ký danh sách thuyền viên đi biển do chủ phương tiện là ông Còn đăng ký lúc 17h ngày 7.9.2016 thì ông Còn là thuyền trưởng, còn ông Trần Văn Thuật là máy trưởng do Đại úy Ngô Ngọc Sơn ký.
Theo văn bản ông Minh ký, qua xác minh bằng cấp, thì ông Còn có bằng máy trưởng hạng 5, còn ông Thuật không có bằng máy trưởng. Theo quy tắc bảo hiểm thân tàu 15731 (ngày 29.10.2014) của Bộ Tài chính ban hành thì trường hợp này bị từ chối bồi thường.
Ông Đào Duy Hoàng - Phó Giám đốc Bảo hiểm Bảo Minh chi nhánh Khánh Hòa - cho rằng, việc giấy chứng nhận bảo hiểm của ngư dân Còn không kèm theo quy tắc là theo mẫu của Bộ Tài chính quy định như vậy chứ bảo hiểm tự nguyện thông thường luôn có kèm theo quy tắc ở mặt sau giấy chứng nhận.
Trước câu hỏi Bảo Minh chi nhánh Khánh Hòa có nhờ Trạm Thủy sản Ninh Hòa làm đầu mối bán bảo hiểm cho ngư dân không? Ông Hoàng trả lời: “Mình nhờ các trạm thủy sản tập làm đầu mối tập trung để báo bảo hiểm. Cái này cũng là lợi cho ngư dân thôi. Mình có tập huấn cho họ (trạm thủy sản) về chuyên môn. Họ thu tiền của người dân đóng, phần còn lại là ngân sách thì chúng tôi làm”.
Ông Hoàng thừa nhận lâu nay các trường hợp tàu cá sau khi gặp sự cố, bị thiệt hại nhưng không đủ điều kiện bồi thường là “nhiều lắm”.
Tuy vậy, ông Nguyễn Trọng Chánh - Chi cục trưởng Chi cục thủy sản (Sở NNPTNT tỉnh Khánh Hòa) - phản bác: “Bảo Minh trực tiếp bán thẳng cho ngư dân chứ chúng tôi không làm chuyện đó”. Về khoản tiền 20 triệu đồng mà ông Còn phản ánh đã đưa cho Trạm thủy sản Ninh Hòa trước khi được cấp giấy chứng nhận bảo hiểm, ông Chánh khẳng định: “Tôi không hề biết chuyện đó” - ông Chánh nói.
Ông Chánh cũng cho hay: “Nghị định 67 được Nhà nước hỗ trợ nên chúng tôi vận động ngư dân tham gia, chứ ngư dân không muốn tham gia cũng được chứ không sao cả”. Về việc tàu cá không có bằng máy trưởng, Bảo Minh vẫn bán bảo hiểm, Chi cục Thủy sản không có ý kiến gì?
Ông Chánh nói: “Cái này cũng như bảo hiểm xe máy thôi. Khi bán người ta đâu có biết người đi xe máy đó có bằng lái hay không. Tôi đã kiểm điểm anh Huy (ông Trần Huy - hiện là Phó Trạm trưởng Trạm thủy sản thị xã Ninh Hòa) về việc tuyên truyền các quy định cho ngư dân không đến nơi đến chốn rồi. Chúng tôi đã tuyên truyền các quy định tham gia bảo hiểm cho ngư dân rồi. Cái gì ngư dân không rõ thì phải giải thích cho ngư dân”.
Khi con tàu về biển Ngày 10/10, việc thêm 6 tàu vỏ thép của ngư dân Bình Định sau khi sửa chữa được hạ thủy là một tin tốt lành. ... |
6 ngư dân bị tàu Trung Quốc tấn công ở Hoàng Sa đã cập cảng an toàn Sáng 20.8, tàu cá QNg 90495TS đưa 6 ngư dân gặp nạn do bị tàu Trung Quốc đập phá làm chìm tàu cá ở Hoàng ... |
https://laodong.vn/kinh-te/nhieu-khuat-tat-vu-chim-tau-khong-duoc-chi-tra-bao-hiem-570257.ldo