Theo Báo cáo thị trường trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) Công ty Chứng khoán MBS vừa phát hành, 6 tháng đầu năm 2023, khối lượng TPDN phát hành đạt 65.252 tỷ đồng, giảm 65% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là giai đoạn khó khăn nhất của thị trường khi lượng giá trị phát hành giảm mạnh trong vòng 5 năm trở lại đây.

Đáng chú ý, từ đầu năm 2023 đến nay, tổng giá trị trái phiếu được các doanh nghiệp mua lại trước hạn đạt hơn 115.400 tỷ đồng, tăng vọt 48% so với cùng kỳ năm 2022. Riêng nhóm ngân hàng, giá trị trái phiếu ngân hàng được các tổ chức này mua lại đến từ các ngân hàng lớn.

Nhiều ngân hàng ế vốn, tăng mua trái phiếu trước hạn -0
Giao dịch trên sàn trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ giúp tăng tính minh bạch cho thị trường.

Tình trạng tiền dư tồn đọng xảy ra khiến cho các ngân hàng dịch chuyển dòng tiền của mình vào việc mua lại trái phiếu để tối ưu hiệu quả sử dụng vốn, làm giảm mức độ thừa vốn. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho thấy trong 6 tháng đầu năm, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Mức tăng trưởng tín dụng này chỉ bằng một nửa so với cùng kỳ năm trước.

Theo Thông tư 41/2016/TT-NHNN, việc ngân hàng tìm cách mua lại trước hạn trái phiếu vừa giúp không phải khấu trừ vốn cấp 2, đồng thời có thêm dư địa phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn trên 5 năm để bổ sung lại nguồn vốn cần thiết để đáp ứng quy định về an toàn vốn.

Cụ thể, thông tư này quy định, với những trái phiếu dài hạn đã phát hành những năm trước và khi không còn đảm bảo điều kiện thời gian còn lại trên 5 năm, thì bắt đầu từ năm thứ 5 trước khi đến hạn thanh toán, mỗi năm tại ngày đầu tiên của năm (tính theo ngày phát hành), giá trị nợ trái phiếu được tính vào vốn cấp 2 - chiếm phần lớn là nợ thứ cấp có kỳ hạn với thời hạn gốc tối thiểu là 5 năm trở lên - sẽ phải khấu trừ 20% tổng mệnh giá.

Kết thúc quý 2, danh sách công bố chậm trả lãi gốc trái phiếu tăng lên 82 doanh nghiệp. Riêng quý 2/2023, thêm nhiều doanh nghiệp thông báo chậm trả lãi, gốc trái phiếu với giá trị lưu hành ước tính gần 24,3 nghìn tỷ đồng. Từ đầu năm đến nay, tổng giá trị của trái phiếu chậm trả là khoảng 183 nghìn tỷ đồng, chiếm 17% dư nợ TPDN của toàn thị trường. Trong đó nhóm ngành bất động sản chiếm tỷ trọng lớn nhất khoảng 73% khối lượng chậm trả.

Ngày 19/7, hệ thống giao dịch TPDN riêng lẻ chính thức khai trương và đi vào hoạt động. Trong vòng 3 tháng, khoảng 1.200 mã trái phiếu riêng lẻ sẽ bắt buộc phải lên sàn giao dịch, tổng giá trị 1 triệu tỷ đồng.

Việc niêm yết TPDN riêng lẻ trên sàn tập trung được đánh giá một bước tiến lớn khi tạo ra sân chơi mới minh bạch hơn dành cho nhà đầu tư chuyên nghiệp và giúp thông thoáng thanh khoản, từng bước góp phần khôi phục niềm tin vào thị trường, đồng thời nâng cao tính tự chịu trách nhiệm của nhà đầu tư trong hoạt động mua, bán trái phiếu, tăng cường hiệu quả quản lý, giám sát của cơ quan nhà nước đối với việc tuân thủ các quy định pháp luật về giao dịch TPDN riêng lẻ.

Trước đây, việc giao dịch trái phiếu chỉ thực hiện phân tán ở từng công ty chứng khoán, tạo ra nhiều rủi ro khi công ty chứng khoán tự "xé lẻ" kỳ hạn trái phiếu, "lách luật" bán cho nhà đầu tư cá nhân không chuyên. Với sàn giao dịch tập trung, rủi ro trên được giảm thiểu khi TPDN được bù trừ thanh toán bởi Trung tâm Lưu ký Chứng khoán, đảm bảo chỉ nhà đầu tư chuyên nghiệp được giao dịch. Ngoài ra, trái phiếu sẽ được mua bán theo kỳ hạn T+0 (tiền trao trái phiếu cầm), cách thức này được kỳ vọng sẽ gia tăng thanh khoản cho thị trường.

https://cand.com.vn/Thi-truong/nhieu-ngan-hang-e-von-tang-mua-trai-phieu-truoc-han-i702389/

Hà An / CAND