Giá thực phẩm giảm do nguồn cung dồi dào, học phí tại một số địa phương được điều chỉnh...là những nguyên nhân chính làm CPI tháng 4/2023 giảm.

Theo báo cáo tình hình kinh tế - xã hội tháng 4 và 4 tháng đầu năm 2023 của Tổng Cục Thống kê, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 4/2023 giảm 0,34% so với tháng trước. So với tháng 12/2022, CPI tháng 4 tăng 0,39% và so với cùng kỳ năm trước tăng 2,81%.

Trong 11 nhóm hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng chính, có 7 nhóm hàng giảm giá so với tháng trước và 4 nhóm hàng tăng giá. Trong đó, chỉ số giá nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống tháng 4/2023 giảm 0,38% so với tháng trước, tác động làm CPI chung giảm 0,13 điểm phần trăm.

Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 3,84% so với cùng kỳ năm trước.

Nhiều nhóm hàng hóa hạ nhiệt, chỉ số giá tiêu dùng CPI tháng 4 giảm 0,34% - 1

CPI tháng 4 giảm 0,34% so với tháng trước . (Ảnh minh họa)

 

Lạm phát cơ bản tháng 4/2023 tăng 0,13% so với tháng trước, tăng 4,56% so với cùng kỳ năm trước. Bình quân 4 tháng đầu năm 2023, lạm phát cơ bản tăng 4,9% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn mức CPI bình quân chung (tăng 3,84%).

Dù bình quân giá xăng dầu và giá gas cùng giảm và đây là yếu tố kiềm chế tốc độ tăng của CPI nhưng lại thuộc nhóm hàng được loại trừ trong danh mục tính lạm phát cơ bản.

Trong tháng 4, giá vàng trong nước biến động cùng chiều với giá thế giới khi tăng 2,04% so với tháng trước; tăng 2,92% so với tháng 12/2022; giảm 1,09% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 0,66%.

Trong nước, giá USD bình quân trên thị trường tự do quanh mức 23.649 VND/USD. Chỉ số giá USD tháng 4/2023 giảm 0,89% so với tháng trước; giảm 2,26% so với tháng 12/2022; tăng 2,5% so với cùng kỳ năm trước; bình quân 4 tháng đầu năm 2023 tăng 3,21%.

https://vtc.vn/nhieu-nhom-hang-hoa-ha-nhiet-chi-so-gia-tieu-dung-cpi-thang-4-giam-0-34-ar769307.html

BẰNG LĂNG / VTC News