Từ 1/1/2025, Luật Trật tự, an toàn giao thông (TTATGT) đường bộ chính thức có hiệu lực. Theo đó, nhiều quy định mới liên quan đến vấn đề giấy phép lái xe (GPLX), lắp camera giám sát trên ôtô… sẽ được áp dụng.

Theo tìm hiểu của phóng viên, Luật TTATGT đường bộ quy định, GPLX chỉ được cấp cho người tham dự kỳ sát hạch lái xe có kết quả đạt yêu cầu. Luật TTATGT đường bộ cũng khuyến khích đổi GPLX không thời hạn được cấp trước ngày 1/7/2012 sang GPLX theo quy định tại Luật này.

Đáng chú ý, Luật TTATGT đường bộ 2024 còn quy định: Chưa cấp, đổi, cấp lại GPLX đối với người vi phạm trật tự, an toàn giao thông đường bộ khi người đó chưa thực hiện xong yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về giải quyết vụ việc vi phạm hành chính trong lĩnh vực TTATGT đường bộ.

Quy định này cũng đồng nghĩa với việc, từ ngày 1/1/2025, nếu tài xế vi phạm TTATGT đường bộ bị phạt nguội mà chưa nộp phạt sẽ bị từ chối cấp, đổi, cấp lại GPLX. Chỉ khi chấp hành nộp phạt vi phạm hành chính xong mới được xử lý việc cấp, đổi, cấp lại GPLX.

duong-cao-toc-noi-lien-bac-trung-nam.jpg -0
Từ ngày 1/1/2025, nếu tài xế vi phạm TTATGT đường bộ bị phạt nguội mà chưa nộp phạt sẽ bị từ chối cấp, đổi, cấp lại GPLX.

Cũng tại Điều 62 về cấp, đổi, cấp lại và thu hồi GPLX, Luật TTATGT đường bộ 2024 quy định GPLX sẽ bị thu hồi trong các trường hợp: Người được cấp GPLX không đủ điều kiện sức khỏe theo kết luận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh đối với từng hạng GPLX; GPLX được cấp sai quy định. Đặc biệt, khi GPLX đã quá thời hạn tạm giữ hoặc hết thời hiệu thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, người vi phạm không đến nhận mà không có lý do chính đáng cũng sẽ bị thu hồi.

Luật TTATGT đường bộ 2024 nêu rõ: Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định điều kiện, trình tự, thủ tục về cấp, đổi, cấp lại và thu hồi GPLX, trừ trường hợp GPLX cho lực lượng quân đội, Công an làm nhiệm vụ quốc phòng, an ninh hoặc chứng chỉ điều khiển xe máy chuyên dùng cho người điều khiển máy kéo có GPLX theo quy định tại Luật này.

So với quy định hiện hành, Luật TTATGT đường bộ có hiệu lực từ ngày 1/1/2025 bổ sung thêm loại xe ôtô sẽ phải lắp camera giám sát hình ảnh người lái xe. Cụ thể, Luật quy định: Xe ôtô kinh doanh vận tải phải lắp thiết bị giám sát hành trình. Xe ôtô chở người từ 8 chỗ trở lên (không kể chỗ của người lái xe) kinh doanh vận tải, xe ôtô đầu kéo, xe cứu thương phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe. Như vậy, so với quy định hiện hành, quy định loại xe phải lắp thiết bị giám sát hành trình và thiết bị ghi nhận hình ảnh người lái xe đã bổ sung thêm loại phương tiện xe cứu thương. Điều này cũng phù hợp với quy định hoạt động vận tải bệnh nhân bằng xe ôtô cứu thương tại Luật Đường bộ 2024 (có hiệu lực từ 1/1/2025).

Theo đó, quy định dịch vụ vận tải người bệnh là việc tổ chức, cá nhân sử dụng xe ôtô cứu thương có thiết bị y tế chuyên dùng để vận tải người bệnh cấp cứu hoặc vận tải người bệnh. Xe ôtô cứu thương vận tải người bệnh phải đáp ứng các điều kiện như: Có dấu hiệu nhận diện, niêm yết thông tin, gắn thiết bị giám sát hành trình, thiết bị thu thập dữ liệu, hình ảnh người lái xe, dữ liệu, hình ảnh bảo đảm an toàn hành trình theo quy định.

Theo các chuyên gia, quy định trên là phù hợp nhằm quản lý chặt chẽ hơn hoạt động vận tải bệnh nhân bằng xe ôtô cứu thương bởi hiện nay, các công ty vận tải tư nhân tham gia khá nhiều vào dịch vụ này. Quy định này góp phần đảm bảo an toàn cho người bệnh (thời gian qua, tình trạng xe cứu thương vận chuyển người bệnh không phép hoạt động tràn lan tại nhiều địa phương, tiềm ẩn nhiều rủi ro cho người sử dụng dịch vụ, bệnh nhân cấp cứu).

https://cand.com.vn/Giao-thong/nhieu-quy-dinh-moi-yeu-cau-nguoi-dan-chap-hanh-nghiem-an-toan-giao-thong-i736891/

Đặng Nhật / cand.com.vn