Ngày 3/7, lãnh đạo Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) cho biết, vào đầu tháng 8 song song với việc đàm phán với các nhà đầu tư, Bộ GTVT tiếp tục làm việc với các ngân hàng để thống nhất giải pháp nhằm tháo gỡ vướng mắc cho các dự án BOT giao thông thua lỗ. Cùng đó, các bất cập về trạm nghỉ trên cao tốc, vấn đề về thiếu vật liệu xây dựng hay thiếu hụt máy bay… cũng sẽ được Bộ tập trung giải quyết vào những tháng cuối năm 2024.

Gấp rút giải quyết vấn đề trạm dừng nghỉ, thiếu vật liệu xây dựng

Ông Lâm Văn Hoàng, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam thông tin, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, những tháng đầu năm, bức xúc về trạm dừng nghỉ trên các tuyến cao tốc mới đưa vào khai thác đã cơ bản được giải quyết khi các ban quản lý dự án đã triển khai hệ thống trạm dừng nghỉ tạm, đáp ứng nhu cầu trước mắt của người dân lưu thông trên tuyến. Đến nay, 5/8 trạm dừng nghỉ thuộc 4 dự án thành phần cao tốc gồm Mai Sơn-quốc lộ 45, Vĩnh Hảo-Phan Thiết, Phan Thiết-Dầu Giây, Cam Lâm-Vĩnh Hảo đã lựa chọn được nhà đầu tư.

Dự kiến, trong tuần này, việc lựa chọn nhà đầu tư sẽ hoàn thành, tiến tới đàm phán, ký kết hợp đồng. Lãnh đạo Cục Đường cao tốc Việt Nam đề nghị các địa phương cũng cần phối hợp chặt chẽ triển khai giải phóng mặt bằng, đảm bảo các công trình thiết yếu của trạm dừng nghỉ sớm có mặt bằng xây dựng.

Nhiều vấn đề “nóng” của ngành Giao thông sắp được tháo gỡ -0
Bộ Giao thông Vận tải đánh giá, việc phối hợp giữa các địa phương trong công tác điều phối nguồn vật liệu xây dựng còn chưa tốt.

Nói về đề án xử lý khó khăn, vướng mắc dự án BOT giao thông, Cục trưởng Cục Đường cao tốc Việt Nam cho biết, Thường trực Chính phủ đã có kết luận chỉ đạo, cục đã tham mưu văn bản của bộ triển khai kết luận.

Theo kế hoạch, trong tháng 7 này, Cục Đường cao tốc Việt Nam sẽ chủ trì làm việc với 3 địa phương để hoàn thiện báo cáo đối với 3 dự án của địa phương, đồng thời sẽ tham mưu lãnh đạo Bộ GTVT đàm phán với các nhà đầu tư, các ngân hàng để thống nhất giải pháp và xác định mức chia sẻ của các bên đối với 8 dự án do bộ quản lý. Trên cơ sở đó, Cục Đường cao tốc Việt Nam sẽ tổng hợp, hoàn chỉnh đề án, báo cáo Ban Cán sự đảng Bộ GTVT thông qua trước khi trình Thường trực Chính phủ trong đầu tháng Tám, phấn đấu trình Bộ Chính trị cho chủ trương trong tháng 8/2024 để kịp trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 (khai mạc tháng 10/2024).

Theo Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Danh Huy cho biết, tính đến nay, tổng chiều dài đường bộ cao tốc trên cả nước đã được nâng lên 2.020km. Kết quả đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc 4 năm qua bằng 3 nhiệm kỳ trước cộng lại, đây là quyết tâm rất lớn. Phát huy hiệu quả đầu tư các tuyến cao tốc, theo ông Huy, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải đã quyết liệt chỉ đạo và yêu cầu các chủ đầu tư phải đảm bảo khi cao tốc về đích phải hoàn thành đồng bộ tất cả các hạng mục liên quan: trạm dừng nghỉ, hệ thống giao thông thông minh (ITS), hệ thống thu phí không dừng (ETC)…

Tình trạng thiếu hụt máy bay sẽ còn tái diễn sang nửa đầu năm 2025

Liên quan đến vấn đề hàng không, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, 6 tháng qua, tổng thị trường hành khách ước đạt 38,1 triệu khách, tăng 6,7% so với cùng kỳ 2023. Trong đó, khách quốc tế đạt 21,1 triệu khách, tăng 44,3% so với cùng kỳ 2022 và tăng 3% so với cùng kỳ 2019; khách nội địa là 17 triệu khách, giảm 19,4% so với cùng kỳ 2023.

Tính đến lịch bay mùa hè 2024, 63 hãng hàng không nước ngoài và 4 hãng hàng không Việt Nam đã khôi phục hoàn toàn mạng đường bay quốc tế như giai đoạn trước dịch COVID-19 và còn tiếp tục mở rộng sang các thị trường mới ở Trung Á, Ấn Độ, Australia. Đặc biệt, thị trường Trung Quốc đang dần hồi phục, dự kiến đạt 2,5 triệu khách trong 6 tháng đầu năm (tăng hơn 3 lần so với cùng kỳ năm 2023 và bằng 62% so với cùng kỳ năm 2019) và quay trở lại vị trí thứ 2 trong số 10 thị trường quốc tế lớn nhất trong quý 2/2024.

Song, ông Thắng cũng chỉ ra thực trạng do thiếu hụt đội máy bay nên các hãng hàng không Việt Nam phải điều chỉnh giảm cung ứng trên các đường bay nội địa và đây là nguyên nhân khiến thị trường nội địa giảm so với cùng kỳ 2023 và 2019.

Trong giai đoạn tiếp theo, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tiếp tục chỉ đạo các đơn vị chức năng tiếp tục triển khai hiệu quả các giải pháp để đáp ứng nhu cầu của thị trường; chỉ đạo các hãng hàng không thực hiện các giải pháp để phấn đấu có nguồn cung không thấp hơn so với 2023, như giảm thời gian quay đầu, tối ưu hóa thời gian khai thác máy bay trong ngày, tăng cường các chuyến bay sau 22h. Cơ quan này cũng sẽ theo dõi, giám sát chặt chẽ hoạt động khai thác, đội máy bay của các hãng hàng không, đặc biệt các hãng hàng không đang thực hiện tái cơ cấu như Bamboo Airways, Pacific Airlines để đảm bảo hoạt động khai thác an toàn, an ninh cũng như đảm bảo quyền lợi của hành khách.

https://cand.com.vn/Giao-thong/nhieu-van-de-nong-cua-nganh-giao-thong-sap-duoc-thao-go-i736368/

Đặng Nhật / cand.com.vn