Từ thực tiễn xảy ra nhiều vụ trẻ em tử vong vì bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã đồng ý bổ sung một điều mới vào Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ.
- Thái Bình: Khởi tố vụ án cháu bé 5 tuổi bị bỏ quên, chết trên xe đưa đón
- Cháu bé 5 tuổi bị bỏ quên trên xe đưa đón học sinh tại Thái Bình đã tử vong
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới báo cáo |
Sáng nay, 11-6, tại phiên họp thứ 34 của Ủy ban thường vụ Quốc hội (UBTVQH), Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đã báo cáo một số vấn đề xin ý kiến UBTVQH về dự án Luật trật tự an toàn giao thông đường bộ.
Theo đó, ngày 22-5, Quốc hội đã thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ. Cơ bản các ý kiến đều tán thành với dự thảo Luật. Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh đã phối hợp với cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, tiếp thu, hoàn thiện dự thảo Luật và xây dựng dự thảo Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý.
Đáng lưu ý, ông Lê Tấn Tới cho biết, căn cứ tình hình thực tiễn trong thời gian vừa qua, Thường trực Ủy ban Quốc phòng an ninh đề nghị UBTVQH cho bổ sung quy định xe ô tô kinh doanh vận tải chở học sinh, trẻ em mầm non hoặc xe ô tô kinh doanh vận tải kết hợp với hoạt động đưa đón học sinh, trẻ em mầm non vào điều 46 của dự thảo luật.
Cụ thể, bổ sung quy định về việc các xe này phải có thiết bị ghi nhận hình ảnh học sinh, trẻ em mầm non và thiết bị có chức năng cảnh báo, chống bỏ quên trẻ em trên xe.
Liên quan tới nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nêu quan điểm, vừa rồi có nhiều vụ bỏ quên trẻ em trên xe, do đó, cần ngăn chặn.
“Điều 46 tại dự thảo luật đã viết tương đối chặt chẽ. Theo đó, xe đưa đón học sinh phải có tiêu chuẩn riêng, làm sao để người quản lý, người lái xuống khi xe đảm bảo trên xe không có con người. Chúng ta cần thông tin nội dung này rộng rãi, kiểm soát thực hiện một cách chặt chẽ để đảm bảo các xe không đủ tiêu chuẩn bị loại hết. Xe đủ tiêu chuẩn có dán nhãn nhưng cũng phải tránh lợi dụng. Tôi rất ủng hộ và hoan nghênh nội dung này” – Phó Chủ tịch Quốc hội nói.
Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên thảo luận |
Một vấn đề lớn khác được thảo luận là quy định về cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn” (khoản 2 Điều 10).
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh Lê Tấn Tới cho biết, có nhiều ý kiến nhất trí quy định này, tuy nhiên một số ý kiến đề nghị cân nhắc quy định có ngưỡng tối thiểu và một số ý kiến khác đề nghị đưa 2 phương án để xin ý kiến đại biểu Quốc hội.
UBTVQH đã phân tích cụ thể, rõ ràng ưu điểm, hạn chế của mỗi phương án để báo cáo Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và gửi xin ý kiến các Đoàn đại biểu Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, các cơ quan có liên quan.
Hầu hết các ý kiến đều nhất trí và có góp ý cụ thể đối với Phương án quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”; không có Đoàn ĐBQH nào đề nghị lấy ý kiến ĐBQH hai phương án về nội dung này.
Do vậy, Thường trực Ủy ban Quốc phòng – An ninh đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho tiếp tục thực hiện quy định cấm “điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ mà trong máu hoặc hơi thở có nồng độ cồn”.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng – An ninh cũng cho biết, có ý kiến đề nghị giao Bộ Y tế ban hành quy trình kỹ thuật, định lượng ethanol trong máu đối với các trường hợp không sử dụng rượu, bia mà có độ nồng độ cồn như do bị bệnh dẫn đến tăng chuyển hóa nồng độ cồn nội sinh.
“Theo chuyên gia y tế thì cồn nội sinh là cồn tự sinh ra trong cơ thể mà không có bất kỳ tác động nào khác bên ngoài, có nồng độ rất thấp mà các phương tiện thông thường kiểm tra nồng độ cồn hiện nay không thể phát hiện được. Thực tiễn, qua hoạt động kiểm tra của lực lượng Cảnh sát giao thông thời gian qua chưa phát hiện trường hợp nào oan sai về nồng độ cồn” – ông Lê Tấn Tới nói.
Về nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, tại kỳ họp thứ 7 cũng có một số ý kiến đại biểu Quốc hội đề cập vấn đề này. “Nhưng với văn hóa của mình thì việc cấm sẽ góp phần đảm bảo an toàn giao thông tốt hơn” – ông Trần Quang Phương nói. https://www.anninhthudo.vn/nhieu-vu-tre-tu-vong-tren-xe-dua-don-hoc-sinh-thuong-vu-quoc-hoi-quyet-dinh-bo-sung-luat-post579283.antd