Có tới 49 mỏ đất, cát đã được khảo sát để phục vụ dự án Vành đai 4- Vùng Thủ đô, nhưng mỏ ở gần chưa thể khai thác, mỏ ở xa thì giá cao do phát sinh chi phí vận chuyển. Bởi nhiều lý do, cho đến thời điểm này, vấn đề vật liệu xây dựng, giải phóng mặt bằng để thực hiện các dự án thành phần thuộc Dự án Vành đai 4- Vùng Thủ đô vẫn đang là những khó khăn cần tiếp tục được tháo gỡ.

Tổng mức đầu tư của dự án tăng thêm khoảng 1.589,5 tỷ đồng

Thừa uỷ quyền của Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Thắng trình Quốc hội báo cáo về tình hình thực hiện Nghị quyết số 56/2022/QH15 ngày 16 tháng 6 năm 2022 của Quốc hội về chủ trương đầu tư Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4-Vùng Thủ đô Hà Nội. Theo báo cáo, Dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội (gọi tắt là Dự án) có tổng chiều dài 112,8km, đi qua địa phận TP Hà Nội, tỉnh Hưng Yên và tỉnh Bắc Ninh; tiến độ thực hiện chuẩn bị đầu tư, thực hiện dự án từ năm 2022, cơ bản hoàn thành năm 2026 và đưa vào khai thác từ năm 2027; toàn bộ Dự án được chia thành 7 dự án thành phần.

Theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội, sơ bộ tổng mức đầu tư toàn bộ Dự án khoảng 85.813 tỷ đồng, trong đó: Dự án thành phần 1.2 (thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Hưng Yên) có tổng mức đầu tư khoảng 3.740 tỷ đồng, Dự án thành phần 1.3 (thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư thuộc địa phận tỉnh Bắc Ninh) có tổng mức đầu tư khoảng 2.480 tỷ đồng. Theo các kết quả phê duyệt dự án đầu tư của các dự án thành phần, tổng mức đầu tư khoảng 85.562 tỷ đồng (thấp hơn sơ bộ tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội).

Tuy nhiên, theo báo cáo của các địa phương, quá trình triển khai thực tế, ước tính tổng mức đầu tư của Dự án sẽ tăng thêm khoảng 1.589,5 tỷ đồng so với sơ bộ tổng mức đầu tư theo Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội, trong đó: Dự án thành phần 1.2 dự kiến tăng khoảng 600 tỷ đồng, Dự án thành phần 1.3 dự kiến tăng khoảng 1.240 tỷ đồng, nguyên nhân chủ yếu do áp dụng đơn giá bồi thường đất ở tính theo giá thị trường.

Báo cáo từ Bộ GTVT cũng nêu rõ: Hiện tại, diện tích giải phóng mặt bằng tại các địa phương đã thực hiện khoảng 96,3%, tuy nhiên chủ yếu thuộc phạm vi đất nông nghiệp. Phạm vi đất chưa thực hiện giải phóng mặt bằng chủ yếu thuộc khu vực đất ở của các hộ gia đình, đất liên quan đến tín ngưỡng, đất liên quan đến các cơ quan, tổ chức… là các khu vực rất khó khăn do ảnh hưởng đến sinh kế người dân, doanh nghiệp, phải thực hiện nhiều trình tự, thủ tục để thực hiện thu hồi, khó khăn trong công tác vận động người dân bàn giao đất.

Ngoài ra, công tác di dời hạ tầng kỹ thuật và xây dựng các khu tái định cư triển khai còn chậm, chưa hoàn thành nên rất khó khăn trong việc di dời người dân đến nơi ở mới để thực hiện giải phóng mặt bằng. Chính vì vậy, mặc dù tỷ lệ mặt bằng đã bàn giao khá lớn, tuy nhiên còn có hiện tượng xôi đỗ, khó khăn trong việc triển khai thi công đồng loạt.

2.jpg -0
Phối cảnh đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô.

Tỷ lệ giải ngân các dự án thành phần còn chậm

Theo yêu cầu của Quốc hội, Chính phủ, Dự án cơ bản hoàn thành toàn tuyến năm 2026, đưa vào khai thác sử dụng năm 2027. Để đảm bảo hoàn thành Dự án, các Chủ đầu tư đã xây dựng kế hoạch chi tiết và quyết liệt chỉ đạo nhà thầu triển khai thực hiện. Tuy nhiên, đến nay tiến độ triển khai Dự án chậm so với kế hoạch đề ra. Sản lượng thi công Dự án thành phần 2.1 đạt 33,29% hợp đồng, đạt 85% so với kế hoạch đề ra; sản lượng thi công Dự án thành phần 2.2 đạt 19,56% hợp đồng, đạt 94% so với kế hoạch đề ra; riêng Dự án thành phần 2.3 (Bắc Ninh) tiến độ còn chậm, mới chỉ đạt 5% hợp đồng, đang chậm 51% so với kế hoạch đề ra, nguyên nhân chủ yếu do khó khăn mỏ vật liệu phục vụ Dự án, các vướng mắc về GPMB.

Để đẩy nhanh tiến độ thi công, đáp ứng tiến độ hoàn thành theo yêu cầu cần có sự chủ động, quyết tâm, nỗ lực vượt bậc của các cơ quan chủ quản, các Chủ đầu tư, các nhà thầu. Chính vì vậy, tỷ lệ giải ngân các dự án thành phần có cấu phần xây dựng còn chậm, ngoài Dự án thành phần 2.1 (Hà Nội) đã giải ngân đạt 96,93% nguồn vốn đã bố trí năm 2024, Dự án thành phần 2.2 giải ngân được 60,60% và Dự án thành phần 2.3 giải ngân được 62,15% nguồn vốn đã bố trí năm 2024. Bên cạnh đó, tình hình giải ngân của các dự án thành phần bồi thường, hỗ trợ tái định cư trong năm 2024 cũng chậm, dự án thành phần 1.2 đạt khoảng 20%, dự án thành phần 1.3 đạt khoảng 13%, riêng dự án thành phần 1.1 đạt khoảng 4%.

Bên cạnh đó, để áp dụng cơ chế đặc thù về khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng phục vụ Dự án theo nội dung tại các Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ, hiện nay UBND TP Hà Nội đang làm việc với các địa phương lân cận để hỗ trợ về nguồn cung cấp vật liệu. Cụ thể, Hà Nội đề nghị các địa phương hỗ trợ phê duyệt khu vực khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường có trong quy hoạch khoáng sản liên quan (các mỏ vật liệu trong hồ sơ khảo sát vật liệu xây dựng phục vụ Dự án) là khu vực không đấu giá quyền khai thác khoáng sản, chỉ phục vụ Dự án. Tương tự, theo báo cáo, hiện nay trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không có mỏ vật liệu xây dựng thông thường (đất, cát, đá), phải khai thác tại các mỏ của địa phương lân cận như Lạng Sơn, Hải Dương, Bắc Giang...

Không chỉ có thế, trên địa bàn tỉnh Bắc Ninh không có mỏ cát, theo hồ sơ khảo sát mỏ vật liệu của Dự án được lấy tại các tỉnh Phú Thọ, Hải Dương, Hà Nội. Tuy nhiên, thời điểm hiện tại, nguồn cát theo hồ sơ mỏ vật liệu rất khan hiếm và giá thành tăng cao. Chính vi vậy, UBND tỉnh Bắc Ninh đang đề xuất, kiến nghị với TP Hà Nội để xác định cụ thể các mỏ cát cung cấp cho dự án và triển khai các thủ tục giao mỏ cho các nhà thầu theo cơ chế đặc thù của Dự án.

Để tháo gỡ các khó khăn trên, Chính phủ đã yêu cầu UBND các tỉnh, thành phố khẩn trương rà soát kỹ, xác định chính xác tổng mức đầu tư của các dự án thành phần, bảo đảm tính đúng, tính đủ theo đúng khối lượng, đơn giá, định mức và chế độ chính sách của nhà nước. Trường hợp tổng mức đầu tư của Dự án vượt sơ bộ tổng mức đầu tư theo chủ trương được Quốc hội phê duyệt, các địa phương có trách nhiệm cân đối bổ sung nguồn vốn từ ngân sách địa phương để thực hiện dự án thành phần đó theo đúng Nghị quyết số 56/2022/QH15 của Quốc hội; UBND thành phố Hà Nội chủ trì, tổng hợp hồ sơ và thực hiện các thủ tục theo quy định, trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án.

Về nguồn cung cấp vật liệu xây dựng, Chính phủ cũng yêu cầu UBND các tỉnh Lạng Sơn, Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nam, Vĩnh Phúc, Phú Thọ phối hợp, hỗ trợ UBND các tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và TP Hà Nội về nguồn cung cấp vật liệu xây dựng để thực hiện Dự án; trong đó, xác định cụ thể các mỏ vật liệu xây dựng để cung cấp cho các dự án thành phần thuộc tỉnh Hưng Yên, Bắc Ninh và TP Hà Nội; hoàn thiện các thủ tục (nếu có) đối với các mỏ vật liệu xây dựng nêu trên đảm bảo nguồn cung cấp cho các dự án.

https://cand.com.vn/Giao-thong/nhieu-vuong-mac-trong-trien-khai-du-an-vanh-dai-4-vung-thu-do-i747516/

Phạm Huyền / cand.com.vn