Dùng băng dính bịt mồm, lấy thước đánh tím chân, phạt ăn ớt, phơi nắng, cho cả lớp tát vào mặt học sinh... là những hình phạt đáng sợ của giáo viên với học sinh khiến dư luận rùng mình.
Cô giáo Hải Phòng phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng
Mới đây, cô giáo Hải Phòng phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng gây bức xúc trong dư luận.
Nữ giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương – chủ nhiệm lớp 3A5 (trường tiểu học An Đồng, An Dương, Hải Phòng) phạt học sinh hay nói chuyện trong lớp bằng hình thức vắt nước giẻ lau bảng để học sinh uống. Hình thức kỷ luật này đã thực hiện với em Phạm Phương Anh - học sinh của lớp 3A5.
Bé Phương Anh thuật lại hành động uống nước giặt giẻ lau bảng. (Ảnh: Minh Khang)
Trước đó, thông tin với PV VTC News, ông Phạm Khắc Thảo (xã An Đồng – ông nội em Phương Anh) cho biết, chiều 3/4, một học sinh trong trường Tiểu học An Đồng kể cho vợ ông nghe về việc em Phương Anh bị cô giáo phạt uống nước giặt giẻ lau bảng.
Lúc đó, Phương Anh mới dám kể lại sự việc đã xảy ra nhiều ngày trước nhưng không dám kể với ông bà.
Bức xúc trước sự việc nêu trên, gia đình ông Thảo đến phản ánh với Hiệu trưởng nhà trường. Tối cùng ngày, nữ giáo viên Nguyễn Thị Minh Hương cùng người thân đến nhà ông Thảo nói chuyện, viết bản kiểm điểm nhận lỗi về sự việc nêu trên và mong muốn gia đình bỏ qua.
Video: Cô giáo Hải Phòng phạt học sinh uống nước giặt giẻ lau bảng
Bé Phương Anh kể: “Lúc ấy là buổi sáng, cô bắt lên bảo là kể từ hôm nay trở đi phải uống nước phấn nên cô bảo bạn Xuân (bạn cùng lớp Phương Anh) đi pha 1 cốc nước phấn cho cháu uống. Lúc đầu cháu không uống. Cô liền đếm 1,2,3 rồi bảo có uống không.
Cháu đưa cốc nước lên và uống. Cô lại cầm tay cháu bảo uống thêm nữa. Tiếp đó cô bảo cháu đợi 3 giây hay 3 phút gì đó thì đi nhổ, vào lớp xúc miệng bằng nước sạch”.
Phương Anh còn cho biết thêm đã uống hết một nửa cốc nước vắt từ giẻ lau bảng. Mặc dù cốc nước đặc nhưng cô bảo vẫn còn loãng nên vắt thêm nước từ giẻ lau bảng vào rồi bắt Phương Anh uống.
Giáo viên dùng thước đánh tím chân nam sinh
Ngày 9/9/2017, trên mạng xã hội lan truyền thông tin cô Vinh, giáo viên lớp 2A trường Tiểu học Nguyễn Tri Phương (Hà Nội) bắt học sinh đứng trước lớp, dùng thước kẻ 20 cm đánh tím chân mặc nam sinh gào khóc vì lí do vào lớp muộn.
Trước đó, tài khoản T.H.N chia sẻ lên mạng xã hội faceook việc cháu mình là Đ.T.M.Đ. (học sinh lớp 2A, Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương, quận Ba Đình, Hà Nội) bị cô giáo chủ nhiệm dùng thước đánh sưng hai chân ở lớp học.
Cũng theo chia sẻ của tài khoản facebook này, gia đình đã đưa cháu Đ. đến Bệnh viện Xanh Pôn kiểm tra vết thương, các bác sĩ chẩn đoán cháu bị chấn thương phần mềm cẳng chân cả 2 bên.
Phụ huynh chia sẻ việc học sinh lớp 2 bị cô giáo đánh ở trường. (Ảnh chụp màn hình)
Sau khi vụ việc được chia sẻ lên mạng xã hội, nhiều phụ huynh có con học tại lớp 2A - Trường tiểu học Nguyễn Tri Phương đã lên tiếng phản ánh về việc con em họ cũng bị cô giáo dùng thước đánh vào tay, chân, lưng hoặc véo tai rất mạnh. Theo đó, các phụ huynh chia sẻ có đến 11 học sinh từng bị cô Vinh dùng thước đánh.
Video: Bạo hành trẻ em hay xảy ra với con công nhân?
Cô giáo mầm non bị tố dùng điện thoại đánh đầu trẻ
Ngày 17/4/2017, chị Trần Thị Mai (30 tuổi), mẹ của bé T.L.N. (4 tuổi) ở Hà Tĩnh viết lên Facebook cá nhân tố cáo cô giáo chủ nhiệm lớp con trai mình có hành động dùng điện thoại đánh lên đầu cháu N. gây sưng vù, dẫn đến nôn sau khi ăn.
Chị Mai có đưa lên Facebook cuộc nói chuyện giữa cô giáo với nội dung: “Lần sau, cháu không nghe lời thì có biện pháp khác chứ đừng lấy điện thoại đánh lên đầu cháu”. Sau đó, cô Thảo trả lời: “Lúc sáng em lỡ tay phạt cháu, mong chị thông cảm”.
Trường mầm non Hoa Sen.
Qua tìm hiểu, cô giáo bị tố đó tên là Nguyễn Thị Thảo, giáo viên trường mầm non Hoa Sen (xã Thạch Trung, TP. Hà Tĩnh).
Mẹ cháu N. cũng cho rằng: Vào ngày 1/4, cô Thảo đã đánh cháu N. và cho các bạn cùng lớp giữ N. lại để nhiều bạn khác dùng tay vả vào miệng.
Theo tường trình của chị Nguyễn Thị Thảo, sự việc đánh cháu N. xảy ra vào ngày 28/3/2017. Trong giờ hoạt động ngoài trời, cháu N. đã nhiều lần tuột quần các bạn nam và sờ vào vùng kín của các bạn nên chị Thảo đã dùng phách nhạc đánh vào tay N. để phạt.
Lý giải về đoạn tin nhắn chị Thảo thừa nhận dùng điện thoại đánh vào đầu trẻ, chị Thảo cho hay: “Lúc đó, đang bận nấu cơm nên tôi không đọc kĩ tin nhắn của mẹ N., đã vội vàng trả lời lại. Chứ tôi chỉ dùng phách nhạc đánh vào tay chứ không dùng điện thoại đánh đầu”.
Cô Thảo giải thích, sở dĩ hành động như vậy là chỉ muốn bé L.N. sợ, lần sau không có hành vi thiếu đúng mực với bạn. "Tôi biết việc đánh trẻ là sai", cô Thảo nói.
Trước đó, cô Thảo đã lấy thước đánh bé Gia Bách (3 tuổi) bị bầm tím chân. Sau đó, mẹ Gia Bách đã làm đơn xin chuyển trường cho con.
Nói chuyện riêng, học sinh bị phạt ăn... ớt
Đầu năm 2014, ở GD-ĐT tỉnh Bình Phước nhận được báo cáo của Phòng GD-ĐT huyện Bù Gia Mập về xử lý vi phạm đối với các giáo viên trường tiểu học Hoàng Diệu.
Theo đó Phòng GD-ĐT huyện Bù Gia Mập đã đề nghị ban giám hiệu trường tiểu học Hoàng Diệu xử lý kỷ luật nghiêm đối với các giáo viên: Lê Thị Ánh Tuyết, Nguyễn Tiến Giáp và Nguyễn Thị Hương vì phạt học sinh ăn ớt.
Trường học nơi xảy ra sự việc.
Trước đó, trong hai ngày 18 và 19/2/2014, ba giáo viên trên đã phạt hàng chục học sinh các lớp 4B1, 4B2 và 5B1 ăn ớt vì không học bài và nói chuyện riêng trong lớp.
Nhiều em bị bắt ăn ớt dẫn đến cay nóng, đỏ miệng, đỏ môi, phải uống nước liên tục để giải cay đã về thuật lại cho phụ huynh.
Sau đó, nhiều phụ huynh làm đơn kiến nghị nhà trường, cơ quan chức năng và gửi báo chí bày tỏ bức xúc, đồng thời yêu cầu xử lý các giáo viên về cách giáo dục học sinh chưa đúng phương pháp, phản giáo dục. Ba thầy cô giáo phạt học sinh ăn ớt đã đến nhà phụ huynh xin lỗi.
Giáo viên cho cả lớp tát vào mặt học sinh
Dư luận được một phen sôi sục vì hình phạt của cô giáo Đ.D.T trường Tiểu học Ninh Sở (Thường Tín – Hà Nội) với em Đỗ Tuấn Linh học sinh lớp 4A.
Trước đó (ngày 26/12/2016) vì cho rằng em Linh chửi bậy, không cần xác minh lại, cô T đã cho cả lớp 4A gồm 43 bạn lần lượt tát và cào vào mặt em Linh khiến mặt em bị sưng đỏ, tinh thần hoảng loạn không dám đến trường.
Học sinh bị tát vào mặt. (Ảnh chụp màn hình)
Ngay sau khi được phụ huynh phản ánh, Hiệu trưởng trường Tiểu học Ninh Sở đã đề nghị cô T. viết bản tường trình vụ việc và cho cô T. nghỉ dạy để báo cáo lên Phòng GD-ĐT.
Ngày 31/12/2016, thông tin từ ông Nguyễn Văn Dũng – Trưởng phòng GD-ĐT huyện Thường Tín, cô T sẽ phải nhận hình thức cảnh cáo và đình chỉ việc đứng lớp ít nhất một học kỳ.
Bịt miệng học sinh bằng băng dính
Sự việc diễn ra vào tháng 11/2016, tại trường tiểu học Hoàng Liệt (Hoàng Mai, Hà Nội).
Cụ thể, ngày 23/11, phụ huynh T.H.H có con học lớp đã lên tiếng phản ánh việc cô giáo Phùng Hồng Anh (sinh năm 1992) giáo viên trường này dùng băng dính dán vào miệng rất nhiều học sinh vì tội... nói chuyện riêng trong lớp.
Ngay sau khi trường nhận được phản ánh, cô Phùng Hồng Anh đã thừa nhận sự việc này, số lượng học sinh bị cô dán băng dính vào miệng là 56 em. Cô giáo này còn cho rằng chỉ dán để “dọa các em thôi”.
Ngay sau đó, cô giáo này đã chủ động xin nghỉ việc nên trường Tiểu học Hoàng Liệt cũng chấm dứt hợp đồng thử việc với giáo viên này.
“Phơi” học sinh dưới trời nắng gắt
Đó là hình phạt của một thầy giáo thể dục tại Hải Phòng đã khiến dư luận hết sức bất bình vào tháng 9/2016.
Cụ thể, ngày 20/9, trong tiết thể dục, vì học sinh không thực hiện tốt một động tác thể dục mới nên thầy Nguyễn Danh Hiếu – giáo viên thể dục trường THPT Lê Hồng Phong (Quận Hồng Bàng – TP Hải Phòng) đã cho học sinh tổ 1 và tổ 2 của lớp 10C7 chạy 10 vòng quanh sân trường.
Không dừng lại đó, đến tiếp học tiếp theo, thầy giáo này tiếp tục cho cả lớp 10C7 ngồi giữa cái nắng chang chang, chiếu thẳng vào mặt khiến học sinh buộc phải lấy tay che mặt.
Học sinh trường THPT Lê Hồng Phong bị "đày giời".
Chứng kiến cách dạy “đặc biệt” của giáo viên thể dục này, đại diện ban giám hiệu trường THPT Lê Hồng Phong là cô hiệu trưởng Nguyễn Thị Lệ đã ra tận sân trường góp ý với giáo viên nên cho học sinh tập thể dục ở chỗ râm mát để đảm bảo sức khỏe cho học sinh.
Tuy nhiên, lần thứ 2 ra nhắc nhở nhưng giáo viên Nguyễn Danh Hiếu vẫn không nghe và tiếp tục cho học sinh ngồi trời nắng vì cho rằng hiệu trưởng can thiệp quá sâu vào giờ dạy của giáo viên.
Cho tới khi hai vị phó hiệu trưởng cùng ra và yêu cầu giáo viên cho học sinh học trong chỗ râm mát thì thầy Hiếu mới đồng ý. Sau khi bị đứng nắng, 4 em học sinh của lớp 10C7 đã viết đơn xin nghỉ học sau giờ thể dục ấy.
Sau đó, đại diện phụ huynh của lớp 10C7 đã viết đơn gửi ban giám hiệu nhà trường đề nghị đổi giáo viên thể dục cho học sinh lớp này.
Video: Nghi vấn phạt học sinh chạy 10 vòng sân, phụ huynh yêu cầu thay giáo viên
Súc miệng học sinh bằng nước giẻ lau bảng: Sao có thể nghĩ ra cách phạt man rợ như vậy! Thật sự không thể tin nổi có một loại hình phạt khủng khiếp như vậy xảy ra trong nhà trường của thời đại văn minh ... |
Quên bài tập về nhà, nam sinh Indonesia bị phạt liếm bồn cầu Hình phạt liếm bồn cầu vì quên bài tập về nhà khiến nam sinh tiểu học Indonesia nôn mửa. |
Cô giáo có quyền phạt, nhưng cần tôn trọng quyền trẻ em Nghiêm khắc trong giáo dục, thậm chí dùng hình phạt để học sinh nhận ra cái sai là điều cần thiết. Nhưng giáo viên cũng ... |
Thầy giáo Trung Quốc bắt học sinh ngửi chân vì coi đây là trò đùa Một giáo viên ở Trung Quốc khiến dư luận bức xúc khi bắt học sinh ngửi chân mình. Ông cho biết mình chỉ đùa, đây ... |