15 phút sau khi nhận điện thoại “mai mở hàng lại”, Lò Việt Hoàng (27 tuổi, đầu bếp quán ăn) bắt taxi từ Điện Biên về Hà Nội lúc nửa đêm 22/4.
"Chủ báo gấp quá, tôi chỉ có ít phút vơ vội vài bộ quần áo rồi gọi taxi vì xe khách chưa hoạt động", anh chia sẻ. Tiền taxi hết 6 triệu đồng được chủ chi trả. Hoàng đứng bếp chính một quán lẩu phố Nghĩa Tân, khu vực ăn uống từng đông đúc nhất quận Cầu Giấy.
Rạng sáng 23/4, Hoàng đun một nồi nước quế xông cửa hàng cho át bớt mùi ẩm mốc, quét sàn, mang cốc chén đi rửa. Anh cho biết sẽ dành cả ngày hôm nay để lau dọn, nhập nguyên liệu mới, nếu mọi việc thuận lợi, tối nay quán mở hàng.
Cách đây gần một tháng, ngày 28/3, Hà Nội thực thi Chỉ thị 15 của Chính phủ, dừng hoạt động các cơ sở kinh doanh, dịch vụ không thiết yếu, tránh tụ tập đông người để phòng chống dịch Covid. Chỉ thị 16 yêu cầu "cách ly toàn xã hội" nối tiếp từ 31/3, Hoàng và bốn nhân viên khác phải nghỉ việc không lương, về quê. "Một tháng khốn khó, chi tiêu tằn tiện, ngày nào cũng ngóng được đi làm", anh kể.
Anh Lò Việt Hoàng đun nồi quế để xông cửa hàng trên phố Nghĩa Tân. Ảnh: Gia Chính. |
Hà Nội nới lỏng giãn cách xã hội từ 0h ngày 23/4, sau 7 ngày cả nước không ghi nhận thêm ca nhiễm mới nào. Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung thông báo, cửa hàng ăn uống nếu mở phải giữ khoảng cách, nên có tấm chắn cho người ngồi. Phương tiện vận tải, Grab được phép hoạt động nhưng chỉ với công suất 20-30%; khuyến khích không ngồi hết hàng ghế.
Các trung tâm thương mại, siêu thị cũng phải giữ khoảng cách, thường xuyên đo thân nhiệt và phân luồng một chiều cho người mua sắm. Mọi người dân tham gia giao thông phải giữ khoảng cách. Công an các chốt nhắc nhở dân giữ khoảng cách khi dừng đèn đỏ.
Sau 0h ngày 23/4, ngã tư Tạ Hiện - Lương Ngọc Quyến, khu phố đêm nhộn nhịp nhất Hà Nội trước đây, và quanh Hồ Gươm vẫn vắng vẻ như trong thời gian cách ly xã hội. Đây là nơi tập trung nhiều quán bar, nhà hàng và các hoạt động kinh doanh vỉa hè như trà đá, trà chanh..., tuy nhiên các dịch vụ này chưa được phép hoạt động.
Tuyến đường quanh Hồ Gươm sáng 23/4. Ảnh: Ngọc Thành. |
Phố ẩm thực Tống Duy Tân, một số quán ăn bắt đầu mở cửa. Quán phở của chị Linh đầu ngõ Cấm Chỉ kê 4 chiếc bàn cách xa nhau và khách ngồi kín chỗ. Nhiều người ngang qua định ghé quán nhưng được thông báo hết chỗ, chỉ bán mang về.
"Tôi đọc tin tức được nới lỏng nên chạy đi mua thực phẩm ngay trong tối. Không biết khi nào khách mới đông lại như trước nhưng mở như này là vui lắm rồi", chị Linh nói.
Trên phố Đinh Liệt (Hoàn Kiếm), anh Nguyễn Chính Thanh (34 tuổi, chủ cửa hàng bánh mỳ, trà chanh) cùng nhân viên kê lại bàn ghế, chuẩn bị mở bán. Anh Thanh mới kinh doanh cửa hàng này đầu năm nay, giá thuê mặt bằng 40 triệu đồng một tháng, 3 nhân viên phục vụ. Trái với kỳ vọng, lượng khách sụt giảm dần sau hai tháng. Đến cuối tháng 3, quán đóng cửa trong khi anh vẫn phải trả tiền thuê mặt bằng, lương cho nhân viên.
"Tôi mong chờ từng ngày hết cách ly xã hội, nếu kéo dài thêm một vài tuần thì chắc phải đóng hẳn cửa hàng", anh Thanh nói. Trước mắt, anh chỉ bán đồ mang đi, nhân viên bán hàng phải đeo khẩu trang, nhắc khách không đứng gần nhau.
Anh Nguyễn Chính Thanh chuẩn bị mở lại cửa hàng trên phố Đinh Liệt, rạng sáng 23/4. Ảnh: Tất Định. |
Khoảng 5h sáng, ở một số công viên và sân chung cư, nhiều người đeo khẩu trang đi tập thể dục trước khi một cơn mưa lớn đổ xuống. Trên các tuyến đường trung tâm, phương tiện giao thông đông đúc hơn những ngày qua, lác đác xe buýt chạy, giờ cao điểm chưa có hiện tượng tắc đường như trước cách ly xã hội.
Anh Trần Văn Kiên (25 tuổi, quê Đan Phượng), nhân viên một đơn vị công nghệ thông tin trên đường Dương Đình Nghệ nhận thông báo từ công ty "sáng nay đi làm tập trung trở lại, trừ những người quê ở Thường Tín, Mê Linh hay Hà Giang".
"Lĩnh vực công nghệ như chúng tôi thì làm việc từ xa không ảnh hưởng nhiều lắm đến hiệu suất. Tuy nhiên việc thảo luận nhóm mất nhiều thời gian hơn so với họp trực tiếp. Sáng nay tôi đi làm thấy đường phố vẫn khá thông thoáng", anh Kiên chia sẻ.
Đại diện Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) cho biết, các tuyến xe buýt chạy trở lại vào sáng nay sau gần một tháng nằm bãi. Trong ngày đầu, các xe vận hành ở mức 20-30% công suất phục vụ. Một xe không chở quá 20 người và không vượt quá 50% số ghế. Tuy nhiên, Hà Nội khuyến cáo người dân chưa nên sử dụng phương tiện công cộng nếu chưa thực sự cần thiết, do bối cảnh dịch Covid-19 vẫn phức tạp.
Các tuyến phố như Nguyễn Thái Học, Hàng Mã, Đồng Xuân, Hàng Đường... một số cửa hàng bắt đầu mở bán. "Mong dịch bệnh không bùng phát và thành phố sớm có hướng dẫn cụ thể để chúng tôi yên tâm buôn bán", một chủ cửa hàng thời trang nói.
Hà Nội được xếp vào nhóm tỉnh, thành "nguy cơ" về dịch Covid-19, tuy nhiên thôn Hạ Lôi (xã Mê Linh) và thôn Đông Cứu (Thường Tín) vẫn nằm trong nhóm "nguy cơ cao" vì có các ca bệnh và chưa hết thời hạn cách ly. Chủ tịch thành phố yêu cầu hai huyện Mê Linh và Thường Tín vẫn cách ly xã hội, còn những địa phương khác trên địa bàn thành phố từ 0h ngày 23/4 được nới lỏng. |
Võ Hải - Tất Định - Gia Chính - Bá Đô
Từ hôm nay hàng ăn, trung tâm thương mại Hà Nội mở cửa trở lại Từ ngày 23/4, hàng ăn, trung tâm thương mại được mở cửa trở lại nhưng phải có biện pháp phòng, chống Covid-19, riêng trà đá, ... |
Hà Nội dừng cách ly xã hội từ 0h ngày 23/4 Trừ huyện Mê Linh và Thường Tín, các quận huyện khác của Hà Nội dừng cách ly xã hội, nhiều hoạt động kinh tế xã ... |