Biến đổi khí hậu, đại dịch COVID-19 và an ninh khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là những chủ đề chính trong Hội nghị Ngoại trưởng các nước thành viên nhóm Đối thoại An ninh Bộ tứ (QUAD, gồm Australia, Ấn Độ, Nhật Bản và Mỹ) lần thứ tư đang diễn ra tại thành phố Melbourne (Australia) ngày 11/2.
Các ngoại trưởng tham dự cuộc họp đều khẳng định yếu tố then chốt trong khuôn khổ các cuộc thảo luận của QUAD sẽ tập trung vào mục tiêu tạo một môi trường tự do, không ép buộc, trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.
Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nhấn mạnh: “Điều đó bao gồm việc ủng hộ quyền của tất cả các quốc gia trong việc lựa chọn con đường của riêng họ, không bị ép buộc và có quyền được tôn trọng chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ, dù đó là ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, ở châu Âu hoặc bất kỳ nơi nào khác trên thế giới”.
Bên cạnh đó, nhà ngoại giao Mỹ cho rằng, “chúng ta có chung quan ngại rằng trong những năm gần đây, Trung Quốc đã và đang hành động quyết đoán hơn ở trong nước và trong khu vực”. Các ngoại trưởng 4 nước thành viên nhóm Bộ tứ cũng cam kết hợp tác trong lĩnh vực cứu trợ nhân đạo, chống khủng bố, an ninh mạng và hàng hải và đối phó các thách thức đối với chuỗi cung ứng toàn cầu.
Trước đó, phát biểu trước Quốc hội Australia, Ngoại trưởng nước này Marise Payne khẳng định, hợp tác của nhóm Bộ tứ trong ứng phó với đại dịch COVID-19 là “vấn đề quan trọng nhất”, trong khi các vấn đề an ninh mạng và an ninh hàng hải, cơ sở vật chất, hành động khí hậu và các hoạt động khắc phục thiên tai cũng sẽ là trọng tâm thảo luận của nhóm.
Trong khi đó, phát biểu trước khi tới Melbourne, Ngoại trưởng Mỹ khẳng định sự hợp tác của QUAD sẽ tạo một cơ chế vững chắc để phân phối vaccine phòng COVID-19 trên toàn thế giới, bên cạnh đó là khả năng răn đe mọi hành động “hiếu thắng và ép buộc” của bất kỳ bên nào trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Trong khuôn khổ hội nghị lần này tại Australia, các ngoại trưởng sẽ thảo luận để thúc đẩy đạt được các mục tiêu kể trên nhưng sẽ không đưa ra các cam kết mới. Nhiều khả năng, các cam kết mới sẽ chỉ được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh của nhóm diễn ra tại Nhật Bản vào tháng 5 tới, với sự tham dự của các nhà lãnh đạo bốn nước.
Trong một diễn biến liên quan, cùng ngày, Ngoại trưởng Antony Blinken đã có các cuộc gặp riêng rẽ bên lề với những người đồng cấp Nhật Bản Yoshimasa Hayashi và Ấn Độ Subrahmanyam Jaishankar. Thông báo của Bộ Ngoại giao Nhật Bản cho biết, tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí duy trì liên lạc chặt chẽ, cũng nỗ lực thúc đẩy mối quan hệ Tokyo - Washington phát triển hơn nữa, đồng thời khẳng định sự cần thiết của việc tăng cường khả năng ứng phó của liên minh Nhật - Mỹ trong bối cảnh môi trường an ninh khu vực ngày càng nghiêm trọng hiện nay.
Về tình hình quốc tế và khu vực gần đây, hai bên bày tỏ quan ngại sâu sắc về những nỗ lực đơn phương làm thay đổi hiện trạng và đe dọa kinh tế ở vùng biển Hoa Đông và Biển Đông, các hoạt động phóng tên lửa của Triều Tiên gần đây và tình hình căng thẳng tại khu vực biên giới Ukraine. Hai bên cũng cam kết sẽ hợp tác chặt chẽ hướng tới hiện thực hóa một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, cũng như làm sâu sắc hơn mối quan hệ hợp tác với các đối tác như Australia, Ấn Độ, ASEAN và châu Âu.
Về hợp tác kinh tế, hai Ngoại trưởng đã trao đổi quan điểm về các chủ trương chính sách xây dựng đất nước của Thủ tướng Kishida Fumio và Tổng thống Joe Biden, cũng như nhấn mạnh vai trò của cơ chế Ủy ban tham vấn chính sách kinh tế Nhật-Mỹ (phiên bản đối thoại 2+2 giữa Bộ trưởng ngoại giao và kinh tế hai nước) để mở rộng và làm sâu sắc hơn hợp tác kinh tế song phương. Ngoại trưởng Yoshimasa Hayashi bày tỏ mong muốn Mỹ quay lại Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).Ngoài ra, hai bên cũng trao đổi các nội dung liên quan đến chuyến thăm của Tổng thống Biden tới Nhật Bản và dự hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ dự kiến sẽ diễn ra trong nửa đầu năm nay.
Còn tại cuộc hội đàm với người đồng cấp Ấn Độ, hai bên đã đề cao mối quan hệ hiện này giữa hai nước.Ngoại trưởng Subrahmanyam Jaishankar nêu rõ trong thế kỷ này, việc mối quan hệ Ấn Độ-Mỹ đang thay đổi thực sự là một bước phát triển mang tính định hình.Vì vậy, cuộc gặp này là nhằm đánh giá về mối quan hệ song phương cũng như nghiên cứu cách thức hai bên có thể tiếp tục phát triển mối quan hệ trong quỹ đạo tích cực hiện nay.
Đề cập đến nhóm Bộ tứ, nhà ngoại giao Ấn Độ cho rằng nhóm đã đạt nhiều tiến triển, chủ yếu là nhờ tất cả các bên đã dành nhiều thời gian, công sức và sự chú ý, biến khuôn khổ này thành những kế hoạch hành động cụ thể và đang được triển khai. Ngoại trưởng Ấn Độ nhấn mạnh đóng góp phần lớn trong nỗ lực này là việc New Delhi và Washington có mối quan hệ song phương bền chặt.
Khổng Hà
Bộ tứ QUAD góp mặt trong cuộc tập trận đa phương do Mỹ dẫn đầu |
Nhóm ‘Bộ tứ’ muốn đảm bảo nguồn cung chất bán dẫn, tránh phụ thuộc Trung Quốc |