Trưa 2.7, bé Nguyễn Vân Nhi (12 tuổi, Hà Nội) đã trút hơi thở cuối cùng trong vòng tay người thân và các bác sĩ. Trước khi ra đi em đã làm được một việc ý nghĩa, đó là hiến giác mạc để có thể mang lại ánh sáng cho những người khác, để đôi mắt của em mãi dõi theo những người thân trong gia đình. Vân Nhi đã tiếp nối ngọn lửa của câu chuyện bé Hải An hiến giác mạc, viết nên câu chuyện xúc động về lòng nhân ái, về sự sẻ chia sự sống, ánh sáng cho cuộc đời.
Hải An, Vân Nhi - những “thiên thần” có thật
Trung tâm Điều phối ghép tạng Quốc gia vừa kết hợp với Ngân hàng Mắt Trung ương thực hiện một ca điều phối giác mạc đặc biệt. Người hiến là cháu Nguyễn Vân Nhi (12 tuổi) ở Hà Nội. Đây là trường hợp hiến giác mạc thứ 2 khi người hiến là trẻ em, chưa đủ 18 tuổi.
Cách đây chừng 5 tháng, ngày 22.2.2018, câu chuyện bé Nguyễn Hải An (7 tuổi) - thiên thần nhỏ có trái tim nhân hậu đã hiến giác mạc sau khi qua đời vì căn bệnh ung thư quái ác đã làm lay động trái tim của triệu người. Cũng chính từ sự lan tỏa của câu chuyện bé Hải An, mẹ bé Vân Nhi đã hỏi ý kiến con gái nhỏ của mình khi em chỉ còn rất ít thời gian ở dương thế. Vân Nhi đã gật đầu, mỉm cười đồng ý. Câu chuyện thứ 2 về một cô bé hiến giác mạc khi mới 12 tuổi lại tiếp tục thắp lên ngọn lửa trân quý của sự sống.
“Vân Nhi mắc bệnh hiểm nghèo từ khi em mới 2 tuổi. Suốt 10 năm điều trị, em thường xuyên phải nhập viện. Những ngày cuối đời, Vân Nhi nằm trên giường bệnh, gia đình có trò chuyện cùng em về việc hiến mô/tạng và được em hoàn toàn đồng ý. Trong tột cùng đau đớn vì mất đi cô con gái bé nhỏ, chị Nguyễn Thị Hải Vân mẹ bé Nguyễn Vân Nhi vẫn khao khát để con mình được sống bằng những cách khác. Chị mong trái tim của con vẫn được đập trong một cơ thể khác, mắt con mang lại ánh sáng cho một ai đó đang chờ đợi…” - ông Nguyễn Hoàng Phúc, Phó Giám đốc Trung tâm ghép tạng Quốc gia chia sẻ.
“11h trưa ngày 2.7.2018, Vân Nhi đã trút hơi thở cuối cùng, kết thúc 10 năm vật lộn với bệnh tật. Hôm đó, Trung tâm và Ngân hàng Mắt Trung ương đã đến để tạm biệt em và thực hiện tâm nguyện của em và gia đình. Do Vân Nhi chưa đủ 18 tuổi nên TTĐPGTQG chỉ có thể thực hiện tiếp nhận đôi giác mạc của em. Đôi giác mạc của Vân Nhi đã được lưu giữ lại và nay mai sẽ mang lại nguồn sáng cho 2 bệnh nhân mù lòa”- ông Nguyễn Hoàng Phúc ngậm ngùi nói.
Ông Nguyễn Hữu Hoàng, Giám đốc Ngân hàng Mắt (Bệnh viện Mắt Trung ương), người tận tay lấy giác mạc của Vân Nhi cho biết, lúc ấy, khi các bác sĩ tới bệnh viện, Vân Nhi không thể trò chuyện, nằm trên giường bệnh, nhưng Vân Nhi như đang chìm vào trong giấc ngủ. Cô bé như một “thiên thần” đang say ngủ. Nhìn Vân Nhi trên giường bệnh, chúng tôi nghẹn ngào, cảm xúc khi lấy giác mạc của bé Hải An mấy tháng trước đó lại dội về.
“Khi lấy giác mạc, chúng tôi đã cố gắng làm nhẹ nhàng nhất có thể. Khi phẫu thuật xong, mẹ bé tuy không nói lên lời nhưng qua ánh mắt chúng tôi hiểu dù đau đớn trong lòng nhưng chị cảm thấy đã làm được một việc có ý nghĩa. Hành động đó đã đánh thức cảm xúc của tất cả mọi người xung quanh” - BS Hoàng cho chia sẻ.
Mong nhìn thấy ánh mắt của con
Trong căn nhà nhỏ nằm trên phố Ngọc Khánh (Ba Đình, Hà Nội), chị Nguyễn Thị Hải Vân (mẹ bé Nhi) và Nguyễn Việt Nga (chị gái bé Nhi) đang tất bật cùng người thân lo hậu sự cho bé. Mỗi lần nhắc tới con gái nhỏ của mình, đôi mắt chị Vân thoáng chốc ánh lên niềm vui nhưng nước mắt lại chực trào khi hiện thực, Vân Nhi đã không còn bên chị.
“Vân Nhi được phát hiện mắc bệnh u nhú dây thanh quản (Papylome) từ khi mới 2 tuổi và đã được điều trị tại nhiều bệnh viện. Hơn 10 năm qua, chúng tôi đã đồng hành cùng con trên chặng đường đấu tranh chống lại căn bệnh quái ác này. Thấp thỏm có, lo lắng có, nước mắt thì chảy rất nhiều… Nhưng bù lại, lúc nào chúng tôi cũng thấy được sự lạc quan của con. Tiếng nói của Nhi không tròn, chỉ có bố mẹ, ông bà, chị gái và hai cô bạn cùng lớp chơi rất thân là có thể hiểu Nhi nói gì một cách nhanh nhất và không cần phiên dịch” - chị Vân nghẹn ngào.
Hơn một nửa thời gian sống, Vân Nhi phải nằm viện, trải qua không biết bao nhiêu lần phẫu thuật, cô bé vẫn lạc quan, kiên trì đi học. “Mặc dù mắc bệnh từ nhỏ và quanh năm suốt tháng đi viện, có lúc phải xin nghỉ 21 ngày không thì cũng 7 đến 10 ngày để đi điều trị bệnh nhưng Vân Nhi rất ngoan ngoãn, chăm chỉ học tập, năm nào con cũng đạt danh hiệu học sinh tiên tiến, thầy cô, bạn bè ai cũng yêu quý con”- mẹ bé Vân Nhi chia sẻ. Mặc dù từ lâu đã chuẩn bị sẵn tinh thần cho ngày phải xa Nhi vĩnh viễn nhưng chị Vân không bao giờ nghĩ mọi chuyện xảy đến nhanh như thế.
Lúc 2 tuổi, Vân Nhi bị ho, khó thở. Chị nghĩ con bị viêm họng thông thường nên đưa đi khí dung, uống thuốc. Bệnh không hết, bé sau đó được chẩn đoán bị bệnh u nhú dây thanh quản (Papylome). Theo bác sĩ, bệnh này thế giới chưa chữa được. Vân Nhi được mở thanh quản, đặt ống thở, cuộc sống của Vân Nhi gắn liền với những lần ra vào viện liên tục. Trong năm đầu tiên phát hiện bệnh, tháng nào Vân Nhi cũng phải vào viện. Lớn hơn một chút, 4-5 tuổi thì cách 2-3 tháng vào viện, 12 tuổi lại cách 3-4 tháng đi mổ một lần.
“Con gần như phải mổ liên tục, cứ u nhú mọc lên là phải cắt nếu không sẽ chèn vào đường thở. Bé chịu đựng kinh khủng khiếp”, chị Vân xúc động kể lại. Trong quãng thời gian đó, chị dường như trải qua đủ mọi cung bậc cảm xúc thấp thỏm, lo âu, cả hy vọng, đã bao nhiêu lần nước mắt chị cứ thế rơi vì thương con. Dù vậy, điều khiến chị an ủi đó là con là một cô bé giàu nghị lực, luôn lạc quan, đôi mắt sáng luôn ánh lên nét hiền hậu, đáng yêu.
Vân Nhi vừa kết thúc năm học lớp 6 và đang trong kỳ nghỉ hè, gia đình cho em đi viện. Nhưng Nhi bị sốt, không thở được, gia đình đưa em đi cấp cứu. Và rồi, “chuyến đi xa” của Vân Nhi - điều không ai mong muốn đã xảy đến.
“Câu chuyện của bé Hải An 7 tuổi hiến giác mạc thực sự làm tôi xúc động và biết bao số phận bị bệnh tật nặng đang hằng ngày chờ đợi được ghép mô tạng để kéo dài sự sống. Khi con nằm trên giường bệnh, chúng tôi cũng chia sẻ với con chuyện hiến mô, tạng, con gật đầu đồng ý.
Lúc đầu ngoài giác mạc, chúng tôi định hiến cả tim, thận… của con cho y học nhưng vì con chưa đủ 18 tuổi nên gia đình chỉ có thể hiến giác mạc” - chị Vân tâm sự.
Cũng theo chị Vân, từ lúc quyết định hiến giác mạc của Nhi tới lúc các bác sĩ thực hiện việc lấy giác mạc, thời gian rất ngắn và quyết định đưa ra rất nhanh. “Khi tôi hỏi về ước mơ của con, con vẫn nói con muốn được làm bác sĩ để trước tiên cứu chính mình sau đó sẽ cứu những người bị bệnh khác.
Nhi vẫn xin bác sĩ những xilanh sạch về nhà rồi tập tiêm trên thú bông hay trên tay bố mẹ, ông bà, chị gái. Bà ngoại hay mua những tờ báo phụ nữ về, Nhi thường đọc những nội dung liên quan tới sức khỏe hay vấn đề về y tế. Những ngày cuối đời, Vân Nhi vẫn nghẹn ngào nói “Con yêu mẹ!”.
Khi con ra đi con vẫn xinh lắm, gương mặt không bị biến dạng, làn da vẫn căng. Tôi nhìn con nhưng con chỉ như đang ngủ”, người mẹ ấy kể về cô con gái nhỏ mà mặc cho nước mắt lăn dài trên gương mặt. Và mong ước của gia đình, nếu người nhận giác mạc của Nhi là người trẻ, gia đình muốn nhận người đó làm con nuôi để hằng ngày được nhìn thấy đôi mắt của Nhi vẫn bên cạnh họ.
Ngày 6.7, PGS-BS Nguyễn Xuân Hiệp - Giám đốc Bệnh viện Mắt Trung ương - cho biết, sau khi hội chẩn các bác sĩ đã chọn được 2 bệnh nhi đủ điều kiện để nhận giác mạc của bé Nguyễn Vân Nhi, 12 tuổi hiến tặng sau khi qua đời vào ngày 2.7 vừa qua. Giác mạc của bé Vân Nhi có tế bào nội mô tốt, trong. Sau khi ghép mắt bệnh nhi đã có phản ứng tích cực. Hai bệnh nhi được chọn ghép giác mạc có các chỉ số tương thích cao nhất với giác mạc của bé Vân Nhi, trong 1.000 hồ sơ chờ ghép giác mạc tại Bệnh viện Mắt Trung ương. Trong đó, một bệnh nhi mới 6 tuổi và một bệnh nhi 13 tuổi. Một giác mạc của bé Vân Nhi đã được ghép cho bệnh nhân 6 tuổi ở Hà Nội. Bệnh nhân bị loét giác mạc đã thành sẹo từ 3 năm nay, rất may được điều trị giữ lại con mắt. Sau khi ghép, mắt của bệnh nhi có phản ứng tốt. Bệnh nhi may mắn thứ hai là một bé trai 13 tuổi ở Sơn La bị loạn dưỡng giác mạc di truyền. Tâm nguyện của Vân Nhi cùng gia đình đã được thực hiện. Hai người được ghép giác mạc của Vân Nhi có phản ứng tốt. Gia đình nhận giác mạc của bé Vân Nhi cảm động trước hành động của người hiến giác mạc. Và mong muốn, tìm đến gia đình người đã hiến giác mạc, thắp nén nhang tri ân người đã khuất và cảm ơn gia đình họ, bởi nhờ có họ mà các bé có cơ hội tìm được ánh sáng. |
Xót xa cả gia đình bị nhiễm HIV nhưng không biết nguồn lây từ đâu Sinh con không lâu, người vợ mất vì bị nhiễm HIV, người chồng đưa con đi xét nghiệm, kết quả như "sét đánh bên tai" ... |
Chuyện cổ tích về cô bé “chim cánh cụt” Trong lễ bế giảng năm học 2016 - 2017 Trường THPT Chuyên Long An (tỉnh Long An), có một hình ảnh làm nhiều người xúc ... |
Những mảnh đời trôi nổi của người Việt trên Biển Hồ Những người gốc Việt trên Biển Hồ phải tìm cách ứng phó với với thiên tai, dòng nước mà cả với tình trạng bấp bênh ... |