Trong những ngày cả nước tôn vinh, tri ân đội ngũ làm nghề trồng người cao quý, bên cạnh những “dấu lặng” ngậm ngùi như lương hưu 1,3 triệu đồng/tháng, nhà giáo còn phải đối mặt với rất nhiều khó khăn, áp lực.
Cô và trò trường PTCS Tây Sơn (Kỳ Sơn, Nghệ An). Ảnh: Quang Đại |
Tại tọa đàm “Đổi mới giáo dục – Nhìn từ góc độ người thầy”, ngày 11.11 do báo Đại biểu Nhân dân tổ chức, nhiều ý kiến đã chỉ ra những gian nan, áp lực của nhà giáo trong xã hội hiện đại.
Bà Nguyễn Thị Mai Hoa - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đặt vấn đề: “Người thầy phải tự bồi dưỡng như thế nào để đáp ứng được chương trình đổi mới sắp tới? Đó là một áp lực rất lớn”.
Đây thực sự là một nghịch lý: Trong khi đòi hỏi về kiến thức, kỹ năng, phương pháp đối với nhà giáo ngày càng tăng, với yêu cầu cập nhật và tiên phong, thì nhà giáo lại được đào tạo bởi một khung chương trình trước đây, bị vướng bởi nhiều thứ như chuẩn kiến thức, kỹ năng, phân phối chương trình, điều kiện cơ sở vật chất…
Đòi hỏi về tiêu chuẩn, trình độ, năng lực ngày càng cao, nhưng mức thu nhập, đãi ngộ cho nhà giáo thì không tương xứng, dẫn đến người thầy bị phân tán thời gian bởi công việc làm thêm, không có động lực để phấn đấu.
Các nhà giáo ở cấp học càng thấp, thì áp lực càng lớn. GV (giáo viên) mầm non quần quật cả ngày, với vài chục học sinh ở cái tuổi nhỏ dại, lo từng miếng ăn, giấc ngủ, vệ sinh cá nhân… rồi còn phải lo giáo án, hồ sơ, làm đồ dùng dạy học. Buổi trưa cô ở lại với học sinh, không được ngủ. Chỉ đến khi tối về nhà, không thấy phụ huynh điện thoại, mới thở phào một ngày bình yên.
Chỉ cần học sinh đùa nghịch, té ngã trầy da, chảy máu, là GV phải chịu toàn bộ trách nhiệm.
Mức thu nhập của GV mầm non, rất thấp. Về hưu, nhiều cô chỉ được 1,3 triệu đồng/tháng.
Đến GV tiểu học, áp lực có đỡ hơn những cũng còn vất vả. GV tiểu học có định mức giờ dạy cao, nhiều GV phải dạy cả ngày, mà mức bồi dưỡng bèo bọt.
Những GV dạy vùng sâu, vùng xa, GV cắm bản, xa gia đình, vợ chồng con cái vài tháng mới gặp nhau, cứ mòn mỏi trong chờ đợi, điều kiện sống thiếu thốn, kham khổ; chế độ đãi ngộ cũng không có gì đặc biệt. Có những điểm trường, phải đi bộ nhiều giờ mới tới nơi, thầy trò sống như tách biệt với xã hội nhộn nhịp.
Áp lực với giảng viên đại học cũng rất lớn và ngày càng tăng.
Xã hội lại đòi hỏi có phần khắt khe với GV, với mặc định là đội ngũ này phải tận tâm, nhiệt tình, sống mẫu mực...
Nếu không có áp lực, cạnh tranh thì đội ngũ GV cũng sẽ trở nên trì trệ, lạc hậu. Nhưng nếu cứ để mặc cho nhà giáo xoay xở với quá nhiều áp lực trong khi các điều kiện về cơ chế đãi ngộ chưa tương xứng, sẽ làm suy giảm động lực phát triển đội ngũ.
Ngày 20.11, có nên tặng thầy cô phong bì? Ngày Nhà giáo Việt Nam, nhiều phụ huynh bây giờ tôn vinh thầy cô bằng tiền, bằng giá trị vật chất để mong đổi lấy ... |
Ai tặng quà cho các cô giáo mầm non lương hưu 1,3 triệu tháng? Tháng 11 hàng năm được coi là tháng tri ân nhà giáo, những người đã vất vả, hi sinh để giáo dục thế hệ trẻ ... |
http://laodong.vn/ban-doc/nhung-ap-luc-bua-vay-nha-giao-trong-xa-hoi-hien-dai-576206.ldo