Điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch không sát thực tế; thu hồi những dự án chậm triển khai, gây ô nhiễm; minh bạch trong các dự án cấp bách... là những cam kết mạnh mẽ từ UBND TP HCM
Ngày 6-12, kỳ họp HĐND TP HCM bước sang ngày làm việc thứ 3 với nội dung chính là phần chất vấn của đại biểu (ĐB) với lãnh đạo các sở, ngành và UBND TP tại hội trường. Tại đây, các ĐB đã đặt hàng loạt câu hỏi liên quan đến quy hoạch không sát thực tế cùng các dự án nhà ở chậm cấp giấy chứng nhận, các dự án chống ngập triển khai ì ạch… gây ảnh hưởng lớn đến đời sống của người dân.
Không để quy hoạch hành dân
Mở đầu cho phần chất vấn của mình, ĐB Phạm Hiếu Nghĩa đặt ngay câu hỏi về rất nhiều dự án quy hoạch đất chậm triển khai đang gây lãng phí tài nguyên đất. Trong khi đó, HĐND TP đã có nghị quyết về việc giải quyết các dự án chậm triển khai, vậy đến nay, đã có bao nhiêu dự án chậm triển khai bị thu hồi, bao nhiêu dự án được thay thế?
Những câu hỏi của đại biểu (trên) đã được Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến trả lời thẳng thắn Ảnh: HOÀNG TRIỀU
Trả lời câu hỏi trên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường TP HCM Nguyễn Toàn Thắng thông tin TP đang thực hiện 2 nghị quyết về quản lý đất đai. Đối với Nghị quyết 16, TP xác định có 547 dự án phải thu hồi chủ trương do chậm thực hiện. Đối với Nghị quyết 21, TP đã rà soát trên 2.800 dự án, 180 dự án trình thu hồi chủ trương. Theo ông Thắng, trong quá trình thực hiện các dự án thu hồi đất thì vấn đề giá bồi thường là quan trọng nhất khiến nhiều dự án chậm triển khai. Hiện TP chia 3 nhóm dự án với 4 giải pháp cụ thể nhằm giải quyết vấn đề này.
Bổ sung ý kiến của ông Thắng, Phó Chủ tịch UBND TP HCM Trần Vĩnh Tuyến nhìn nhận công tác quy hoạch vẫn là vấn đề yếu kém của TP. Do đó, TP đã thống nhất sẽ điều chỉnh quy hoạch chung cho phù hợp hơn và đang chờ Thủ tướng chấp thuận chủ trương. "Tuy nhiên, trong khi chờ, TP vẫn tiếp tục thực hiện nhiều giải pháp để hạn chế ảnh hưởng đến đời sống của người dân" - ông Tuyến thông tin.
Đối với các dự án kéo dài không triển khai nhưng không thể hủy bỏ như Rạch Xuyên Tâm, Bình Quới - Thanh Đa, Công viên Safari, đường Vành đai 3..., ông Tuyến cho hay TP sẽ thay đổi cách làm. Cụ thể là tách bồi thường giải phóng mặt bằng riêng và có biện pháp triển khai ngay để bảo đảm thu hồi đất đúng mục tiêu được duyệt và như đã công bố với dân. Còn các dự án đang thanh tra, TP đã có văn bản báo cáo Thanh tra Chính phủ để rà soát lại lần nữa, nếu không vướng thì sẽ tiếp tục cho triển khai. Riêng quy hoạch hẻm, công viên cây xanh, trường học không phù hợp thì TP cũng sẽ tiến hành điều chỉnh để không ảnh hưởng đến cuộc sống và sinh hoạt của người dân. Ngoài ra, với các dự án gây ô nhiễm môi trường không phù hợp trong đô thị, TP cũng đã yêu cầu quận, huyện làm việc với doanh nghiệp để chuyển đổi ngành nghề, nếu không sẽ thu hồi.
Về vướng mắc cấp giấy tại các dự án chung cư hiện nay, theo ông Trần Vĩnh Tuyến, có 3 trường hợp. Thứ nhất là đối với công trình vi phạm xây dựng. Trường hợp này, TP chỉ đạo nếu vi phạm xây dựng mà không ảnh hưởng đến quy hoạch, kết cấu công trình, an toàn phòng cháy thì sẽ tách ra xử phạt và cấp giấy cho dân. Thứ hai là trường hợp chủ đầu tư thế chấp sổ đỏ cho ngân hàng trong khi đã bán nhà cho dân, TP chỉ đạo cơ quan chức năng hướng dẫn người dân khởi kiện ra tòa. Trong trường hợp ngân hàng cho vay không đúng thì sẽ trả sổ để tiến hành cấp giấy cho dân. Thứ ba, đối với các chung cư có dấu hiệu lừa đảo khách hàng như một căn hộ bán nhiều lần thì TP sẽ chuyển cơ quan điều tra theo quy định.
Minh bạch dự án chống ngập 10.000 tỉ đồng
Trả lời các câu hỏi của ĐB liên quan đến dự án chống ngập do triều với tổng mức đầu tư gần 10.000 tỉ đồng đã ngưng thi công suốt 7 tháng qua, Phó Chủ tịch UBND TP Trần Vĩnh Tuyến cho biết dự án này được thực hiện theo hợp đồng BT (xây dựng - chuyển giao), liên quan giữa 3 bên là Ngân hàng BIDV, UBND TP và Công ty Trung Nam. Dự án đang bị vướng thủ tục giải ngân nên phải ngưng thi công.
Theo hợp đồng, nhà đầu tư Trung Nam chuẩn bị về vốn 1.000 tỉ đồng, BIDV cho vay lại hơn 8.000 tỉ đồng. UBND TP thuê tư vấn giám sát, hạng mục nào thi công đúng quy định thì xác nhận. Hiện khối lượng công việc được giải ngân tương đương 4.200 tỉ đồng.
"Tuy nhiên, có một số hạng mục chưa phù hợp theo quy định, Trung Nam sử dụng thép không đúng như thiết kế đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phê duyệt mà không báo cáo UBND TP. Theo hợp đồng, khi thay đổi phải được TP chấp thuận" - ông Tuyến nói.
Chính vì lẽ trên, Phó Chủ tịch Trần Vĩnh Tuyến nhấn mạnh TP HCM sẽ thuê tư vấn độc lập dưới sự giám sát của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn để đánh giá chất lượng có bảo đảm không. "Nếu bảo đảm an toàn thì TP ghi nhận và tính toán giá trị nhưng quan trọng nhất là bảo đảm an toàn" - ông Tuyến khẳng định và nêu quan điểm dù vấn đề chống ngập là rất bức thiết, người dân rất bức xúc nhưng TP không thể làm sai quy định.
10 đầu việc trọng tâm năm 2019
Phát biểu tại kỳ họp, Chủ tịch UBND TP HCM Nguyễn Thành Phong nhìn nhận trong năm qua, TP đã đạt nhiều kết quả quan trọng và khá toàn diện nhưng cũng đối diện với nhiều khó khăn, thách thức lớn. Theo ông Phong, TP làm việc với nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra, điều tra, kiểm toán, giám sát từ các cơ quan trung ương, trong đó có nhiều vụ việc rất phức tạp, kéo dài từ các nhiệm kỳ trước, vô cùng khó khăn trong quá trình giải quyết.
"Qua các cuộc thanh tra, kiểm tra, điều tra, khởi tố giúp TP nhận thức rõ các hạn chế, khuyết điểm, thẳng thắn nhìn nhận và tập trung giải quyết để làm tốt hơn trong thời gian tới. Tuy nhiên, việc này cũng có phần làm giảm sự năng động của đội ngũ cán bộ, công chức TP, dẫn đến đôi lúc chậm giải quyết hồ sơ hành chính" - chủ tịch UBND TP nói.
Trên cơ sở phân tích những khó khăn, thách thức, Chủ tịch UBND TP HCM đưa ra 10 công việc trọng tâm, cụ thể trong năm 2019. Trong đó, đáng kể nhất là nâng cao hiệu quả, tạo chuyển biến thật sự rõ nét trong công tác cải cách hành chính; tiếp tục triển khai quyết liệt, hiệu quả Nghị quyết số 54 của Quốc hội, tạo động lực để thúc đẩy TP phát triển nhanh, bền vững; tiếp tục thực hiện 7 chương trình đột phá; triển khai hiệu quả, đúng quy trình, quy định về công tác cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt để tạo nguồn lực đầu tư phát triển TP.
Đặc biệt, theo ông Nguyễn Thành Phong, TP HCM tập trung đẩy nhanh việc triển khai các dự án trong khu đô thị mới Thủ Thiêm như xây dựng các cây cầu, cơ sở hạ tầng kỹ thuật để tạo hiệu ứng tác động mạnh mẽ đến quá trình phát triển TP; khẩn trương triển khai đề án phát triển hệ thống logistics của TP, đề án xây dựng TP trở thành trung tâm mua sắm - thương mại của khu vực và cả nước; tập trung giải quyết, tạo đột phá trong giải quyết khiếu nại, tố cáo, trọng tâm là giải quyết căn bản 10 vụ việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài; khẩn trương triển khai chương trình hợp tác với Bộ Thông tin và Truyền thông để vừa đẩy nhanh việc thực hiện đề án xây dựng TP HCM trở thành Đô thị thông minh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn năm 2025...
Chấn chỉnh tác phong, thái độ cán bộ, công chức Sau hơn 3 ngày diễn ra, từ 4 đến 6-12, kỳ họp thứ 7 HĐND TP Hà Nội khóa XV đã bế mạc với nhiều nghị quyết được thông qua. Ông Nguyễn Đức Chung, Chủ tịch UBND TP Hà Nội, cho biết tại kỳ họp này, UBND TP đã nhận được 341 ý kiến, kiến nghị của cử tri, hơn 30 câu hỏi chất vấn của các vị đại biểu HĐND TP. Các ý kiến đều là những yêu cầu từ thực tiễn mong muốn đóng góp cho công tác chỉ đạo, điều hành của UBND TP. "Phải thẳng thắn nhìn nhận TP Hà Nội còn một số tồn tại như việc phân công, phân cấp chưa triệt để, hiệu quả chưa cao; còn một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức chưa thực hiện nghiêm túc 2 bộ quy tắc ứng xử... Một số cán bộ cấp phòng, cấp phường còn để người dân phàn nàn kêu ca" - ông Chung nhấn mạnh. Từ đó, Chủ tịch Nguyễn Đức Chung khẳng định thời gian tới, Hà Nội tiếp tục kiên định với mục tiêu lấy người dân, doanh nghiệp làm trung tâm phục vụ; chấn chỉnh tác phong, thái độ cán bộ, công chức, không để người dân phàn nàn. |
Chủ tịch UBND TP HCM báo cáo HĐND về Thủ Thiêm Ông Nguyễn Thành Phong sẽ nói về kết quả 3 lần tiếp xúc người dân Thủ Thiêm, tiến độ giải quyết theo kết luận của ... |
Trung tâm điều hành đô thị thông minh sẽ vận hành tại UBND TP HCM Thành phố đề ra 4 giải pháp trọng tâm để xây dựng đô thị thông minh, trong đó trung tâm điều hành ở trụ sở ... |
Vì sao ông Nguyễn Hữu Tín cùng 2 thuộc cấp bị bắt? Ông Nguyễn Hữu Tín, nguyên Phó Chủ tịch UBND TP HCM, cùng 2 thuộc cấp Đào Anh Kiệt và Trương Văn Út bị khởi tố, ... |
NHÓM PHÓNG VIÊN