Đêm chênh vênh trên biển, tôi được nghe “sói biển” kể nhiều chuyện kỳ lạ quanh việc khoan thăm dò - khai thác dầu khí. Có những chuyện nhờ xem phim “Thảm họa giàn khoan” (Deepwater Horizon) mà tôi hình dung được. Hóa ra, ở Việt Nam suýt xảy ra một thảm họa như thế…
Những câu chuyện giàn khoan: Tình yêu từ những giếng dầu Mỗi giếng dầu như một nhịp đập trái tim. Ở đó, từng dòng dầu như những dòng máu tiếp sức cho nền kinh tế. Những ... |
Thợ mỏ vào ca.
“Sói biển” và sự cố hy hữu
Với dân khoan - khai thác dầu khí, sự cố vặt hay thảm họa đều là những bài học quý giá trong đời. Tuy nhiên, trả giá bằng tính mạng không bao giờ đủ. Bởi vì một khi đã thành thảm họa có thể ảnh hưởng tới môi trường nhiều năm liền. Tai nạn giàn khoan dầu ở vịnh Mexico năm 2010, mà phim “Thảm họa giàn khoan” tái hiện lại đã khiến 11 công nhân thiệt mạng, 17 công nhân bị thương.
Chưa hết, gần 5 triệu thùng dầu đã tràn khắp vịnh trong gần 100 ngày. Đây là vụ tràn dầu do tai nạn lớn nhất thế giới, thảm họa môi trường khủng khiếp nhất lịch sử nước Mỹ. Thế mà “sói biển” Trần Thanh Long (giám sát khoan ca đêm - một chức danh sỹ quan cao cấp trên giàn khoan, người được công ty đầu tư mỏ Chim Sáo của Anh thuê làm việc) đã chứng kiến một vụ khí phun (còn gọi là blow out), suýt nữa thành thảm họa khủng khiếp ở Việt Nam.
Khẩu lệnh được phát ra từ chuồng chó.
“Sói biển” Trần Thanh Long xuất thân quân ngũ, tốt nghiệp Đại học Mỏ - Địa chất Hà Nội. Năm 1993, Trần Thanh Long lúc đó tiếng Anh còn bập bẹ, kiến thức non nớt, được cử ra Giếng khoan Lan Tây 1X (giàn khoan nửa nổi nửa chìm Actinia). “Ca đầu tiên đi biển, xung quanh tôi đều là Tây. Người Việt chỉ làm công nhân. Thời đó vô cùng sơ khai. Ngành dầu khí Việt Nam mới bắt đầu tiếp cận phương thức tiên tiến của phương Tây”, Long nhớ lại. Long cũng nói, sự cố sáng nay khi các bạn vừa lên giàn khoan trục trặc liên quan tới ống chống giếng khoan. Đang chăm chú nghe, bỗng có tiếng “uỳnh” bên ngoài. Mọi người thót tim, nín thở. Tôi ngó qua ô cửa kính, một cánh tay cần cẩu trờ tới. Lúc đó đã nửa đêm. Có người giải thích: Đang lúc chuyển ống chống khoan lên giàn, chứ không phải sự cố gì đột xuất.
Giọng “sói biển” Long lại đều đều: “Tôi nhớ mãi buổi khoan và giếng bị kích khí. Hồi đó tôi chỉ nghe được từ “blow out”, chưa hình dung nó thế nào. Hôm đó, chuyên gia nước ngoài phải mất 3 ngày để khống chế giếng khoan. Mọi kỹ thuật khống chế giếng khoan, họ đều thi triển bằng hết. Vì nếu khí phun sẽ vô cùng nguy hiểm”. Ở giàn khoan đến ngày thứ 4, Long lon ton theo 2 chuyên gia xem họ điều chỉnh cần chóp mở đóng để xả áp bên dưới giếng khoan. Đến khoảng 4 giờ sáng, quá ngột ngạt, Long bước ra cửa sau chuồng chó để hít thở không khí. Trời lờ mờ sáng, Long nhìn ra khoảng 1 hải lý và thấy khí lên từng đụn như quả núi. “Lúc học trong trường, liên quan khống chế giếng khoan, các thầy dạy khi xả khí có đường lên tháp khoan. Quay trở vào, tôi kể lại cho chuyên gia và nói, các ông chạy đường ống ở dưới đáy biển à?”. Mới nghe thấy vậy, mấy chuyên gia hồn xiêu vách lạc hỏi giật giọng: “Mày nói đùa đấy chứ”. Thế rồi họ chạy ra ngoài và miệng hét “blow out”, tay nhấn còi báo động. Long thấy người ta chạy cũng cong mông chạy theo, tay vẫn cầm theo cuốn sổ tay để ghi. Cả giàn nhanh chóng di tản lên sân bay. Nhiều chuyên gia thậm chí chỉ có mỗi quần sịp trên người. Khi kiểm người để di chuyển chỉ thiếu bác sĩ của giàn. Hoá ra vị này sợ quá đang trốn ngồi khóc trong góc bệnh xá.
Sau đó, một quyết định quan trọng được đưa ra, chỉ giữ lại 15 người quan trọng nhất ở các vị trí, còn lại di tản sang 2 tàu dịch vụ dầu khí đang hoạt động gần đó. Khoảng 16 giờ chiều cùng ngày, toàn bộ khí nổ cách 1 dặm và gây lở đất, sập giếng khoan trong phạm vi 2 hải lý. Lúc đó, cột nước biển dâng vài chục mét. May mắn thay, những người trên giàn khoan Acitinia ở giếng khoan Lan Tây 1X hồi đó sống sót và quan trọng hơn cả, dù giếng khoan bị khí phun nhưng chưa gây thảm họa tràn dầu. Sau nhiều ngày xử lý, giếng khoan này đã được bít lại, cắm biển cảnh báo để tàu thuyền qua lại tránh. Những sự cố kiểu này được xem là hy hữu với những chuyên gia khoan thăm dò dầu khí.
Sau bao nhiêu năm lăn lộn với nghề, “sói biển” Long giờ làm tự do và luôn trong tầm ngắm của giới “săn đầu người” của ngành khoan dầu khí. Người đàn ông quê Hà Tĩnh này có gương mặt rắn rỏi, kỷ luật hơn cả Tây. Hôm trên giàn khoan PVD VI, chính Trần Thanh Long đã buộc 2 chuyên gia nước ngoài phải ngồi học lại an toàn bay vì đến muộn và lơ đễnh.
Một ngày “đốt” 13 tỷ đồng
Giàn khoan đồ sộ và có sức chứa cả trăm người với đủ loại máy móc thiết bị. Thế nhưng lúc cần thiết có thể hạ xuống kéo đi trên biển. Thông thường, khi khoan xong các giếng của một mỏ nào đấy, giàn lại được kéo đi mỏ khác hoặc sang nước khác cho thuê; chỉ để lại giàn khai thác. Thời gian gần đây, giá dầu giảm, nhiều giàn khoan phải nằm bờ “đắp chiếu”. Hiện, ven biển Vũng Tàu có một số giàn khoan cả của Việt Nam và nước ngoài “ngồi chơi xơi nước”.
“Sói biển” Long sau những ngày ra biển thích trồng phong lan và nuôi chó.
Hôm bão số 12, mấy chuyên gia nước ngoài trên Giàn khoan PVD VI phát sốt đòi đóng giếng, dừng hoạt động của giàn để di tản. Chính các chuyên gia an toàn người Việt đã phân tích và động viên họ ở lại. Bởi vì, đánh giá về thời tiết không chỉ dùng kênh dự báo của Việt Nam, các “sỹ quan” Việt còn tham khảo các kênh dự báo của Hải quân Nhật Bản, Mỹ, Hong Kong… Nhờ có những phân tích xác đáng nên các chuyên gia nước ngoài yên tâm ở lại.
Việc này nói đơn giản vậy, nhưng giả sử phải dừng giàn khoan chạy bão, thiệt hại sẽ vô cùng lớn. Hoạt động của giàn chi phí 250.000 USD/ngày. Thậm chí, có ngày chi phí lên tới 650.000 USD (khoảng 13 tỷ đồng). Nếu cơn bão số 12 vào buộc dừng sản xuất, mọi chi phí phải trả, cộng với việc đóng hơn 20 giếng khai thác của Mỏ Chim Sáo và Dừa, tương đương 2 triệu USD. Chính vì thế, chỉ cần một giàn nằm không doanh nghiệp cũng lãnh đủ. Thời gian trên mỗi giàn khoan thực sự là tiền bạc. Tôi đã tháo găng tay sờ thử vào những ống dẫn dầu từ giếng lên để cảm nhận những dòng dầu nóng bỏng rẫy. Nói về việc chạy bão, nhiều công nhân dầu khí cũng từng bị một phen hú vía. Lần đó tại Giàn khoan PVD I (khi khoan mỏ Tê Giác Trắng) năm 2011. Dự báo bão khi đó cho rằng không to, chỉ áp thấp nhiệt đới. Thế rồi, gió mạnh dần lên cấp 8, cấp 9 mà hướng thẳng qua giàn khoan. Trong bờ gọi ra nói không phải di tản, thực tế ngoài giàn lại khác. Anh em công nhân đã phải viện tới tổ chức công đoàn để gây áp lực được vào bờ tránh bão. Di tản xong, sức gió đo được cao tới mức có thể cấm máy bay tiếp cận. Bão tan, công nhân quay lại làm việc thấy container bị thổi bay tơi tả, xuồng cứu sinh chằng buộc kỹ thế cũng bị nát bét. Hàng nghìn con chim hải âu vào trú ẩn trên giàn bị gió quật nằm la liệt trên sàn và dưới mặt biển.
Cách đây vài năm, một giàn khoan khi kéo ra phía Bắc gặp bão (dùng tàu kéo) cũng gây nỗi ám ảnh. Bão to quá, giàn đang di chuyển thì bị đứt dây kéo. Giàn trôi tự do, sóng đẩy hướng vào bãi đá ngầm. Hồi đó, có chuyên gia nước ngoài đã nhét vội cuốn hộ chiếu vào túi quần để phòng khi chết người ta còn nhận dạng. Cũng may, điều xấu nhất đã không xảy ra.
Không hiểu căn cứ vào đâu hay do quá sợ hãi những rủi ro mà hầu như có một thông lệ bất thành văn của hầu hết các giàn khoan: Không muốn có mặt của phụ nữ. Cho dù, sau mỗi ca làm việc nặng nhọc, hình ảnh người vợ, người mẹ luôn trong tâm trí của những người đàn ông trên giàn. Có công nhân (giấu tên) thổ lộ: Đi biển giờ thu nhập thấp, lại biền biệt nên bị bồ đá cũng dễ hiểu. Đây cũng là điều tế nhị khiến cho tôi không dám hỏi nhiều về “hậu phương” của những người trên giàn. Bác sỹ Dân còn nói vui: “Người ta bị bạn gái đá, tui đi biển nhiều thì bị bạn bè bỏ. Một tháng ngoài biển không giọt bia, rượu nên vào bờ, tui không biết nhậu nữa. Ai chơi với tui”.
Có hôm, bỗng nhiên mọi thiết bị liên lạc điện tử trên giàn khoan bị vô hiệu. Những chuyên gia trên giàn khoan còn ngơ ngác, chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra thì sau đó mấy phút có một tín hiệu gửi tới xin lỗi đã làm phiền. Hóa ra có một chiến hạm trên hải trình quốc tế đi qua đã phá sóng để đảm bảo bí mật. Những bữa ăn trên giàn khoan lành mạnh số 1. Có hẳn một đội nấu ăn với đầu bếp riêng, phục vụ. Tất cả đều phải đeo khẩu trang. Các món ăn kiểu Việt và Tây được phục vụ 4 lần/ngày (sáng, trưa, chiều và 23 giờ đêm). Ngoài ra có phòng cà phê, bánh ngọt đặt gần phía công trường để công nhân nghỉ giải lao 15 phút. Lạ lùng nhất, quy định giờ ăn một khoảng nhất định, nếu ai đang làm không xuống kịp có thể dặn nhà bếp để phần. Số đồ ăn thừa còn lại dứt khoát bị vứt bỏ bằng cách nghiền nhỏ, rải xuống biển cho cá ăn. |
(Còn nữa)
Những câu chuyện giàn khoan: Tình yêu từ những giếng dầu Mỗi giếng dầu như một nhịp đập trái tim. Ở đó, từng dòng dầu như những dòng máu tiếp sức cho nền kinh tế. Những ... |
Ngắm hoàng hôn trên giàn khoan Dầu khí Người ta thường nói biển đẹp nhất vào lúc hoàng hôn. Được ngắm hoàng hôn trên giàn khoan Dầu khí lại càng đẹp hơn... |
Mỏ dầu khí lớn nhất Việt Nam sừng sững giữa biển khơi Mỏ Bạch Hổ không chỉ đóng vai trò vô cùng quan trọng cho nền kinh tế mà còn trong lĩnh vực an ninh - quốc ... |
http://www.pvn.vn/Pages/Nguoi-dau-khi/Nhung-cau-chuyen-gian-khoan-Ky-2-Tiet-lo-nhung-su-co/ae34a04b-39cf-4534-acca-0939b3095a2e