Tôi cam đoan rằng, nếu bây giờ, tổ chức thi xem ai thuộc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chắc chắn trong số 350 phụ nữ tù chính trị từng bị giam tại các phòng OB1, OB2, OB3, OB4 của Khám Chí Hòa từ đầu tháng 9 đến cuối tháng 11/1969, sẽ có rất nhiều người còn thuộc. Người đã đọc thuộc lòng từng câu từng chữ trong Di chúc của Bác Hồ mà chúng tôi, cùng một số cán bộ trong Ban giám thị Trại giam Chí Hòa ngày hôm nay được nghe, chính là chị Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó chủ tịch nước.
Sáng ngày 29/6, Ban Biên tập Báo CAND và Chuyên đề ANTG đã mời chị Trương Mỹ Hoa, cùng các chị Võ Thị Thắng, nguyên Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch; chị Trần Hồng Nhật (hay còn gọi là Út Nhựt), nguyên Giám đốc Trường phụ nữ Lê Thị Riêng, chị Nguyễn Thị Loan (hay còn gọi là Lập Quốc), nguyên Giám đốc Sở Du lịch TP HCM tới thăm lại nhà giam Chí Hòa. Ngay tại phòng họp của Ban giám thị Trại giam Chí Hòa, khi nói về Di chúc của Bác, chị Trương Mỹ Hoa rưng rưng nước mắt kể lại: "Khi nhận được bản Di chúc của Bác được in trên một tờ báo ra công khai tại Sài Gòn ngày đó, do cơ sở bên ngoài đưa vào, chị em chúng tôi đọc và khóc rồi bảo nhau: Thấy chưa, Bác thương chị em mình và các cụ phụ lão, các cháu thiếu nhi nhất... Bác viết rằng: "Tôi có ý định đến ngày đó, tôi sẽ đi thăm hỏi...".
Nghe chị Trương Mỹ Hoa đọc Di chúc của Bác, tất cả chúng tôi lặng đi. Rồi chị Hoa kể: "Ngày ấy, ở trong trại giam, chúng tôi phải học thuộc lòng tất cả từ các chỉ thị, nghị quyết về đấu tranh cách mạng từ bên ngoài chuyển vào, của Chi bộ nhà tù... Phải học thuộc vì đó là nguyên tắc giữ bí mật. Trong những ngày để tang Bác, chúng tôi cũng học thuộc Di chúc của Bác rồi tổ chức sinh hoạt kiểm điểm... Đối chiếu những việc mình đã làm với những điều Bác dạy, và tự phê bình". Khi chị Hoa xòe bàn tay, tôi nhìn và sững sờ. Phía trên cổ tay phải của chị là một vết sẹo khủng khiếp, bóc gần như toàn bộ đến nửa cánh tay, và mấy ngón tay của chị, móng cũng bị chẻ đôi...
Tôi xin phép cầm bàn tay chị và hỏi về vết sẹo này, chị cười nhẹ nhàng: "Hồi chị bị bắt, chúng buộc hai tay chị rồi treo lên và hai đứa thay nhau đánh văng từ góc này sang góc khác. Không dè các móc buộc dây trên tường bị bật tung, chị văng xuống và đập tay vào cạnh thềm xi măng, bị đứt gân tay và bóc toàn bộ lớp da này... Sau này phải đưa vào viện nối gân tay. Còn những chỗ móng tay không liền được này là do bị chúng đóng đinh...". Chỉ nghe chị kể lại mà tôi thấy lạnh hết sống lưng. Khi chị Hoa kể đến đó, chị Võ Thị Thắng nói thêm: "Ngày ấy, chị Hoa được gọi là Tâm "thẹo", vì trên người lắm sẹo quá do bị đòn tra tấn". Lúc này, tôi mới để ý thấy trên gương mặt chị cũng có mấy vết sẹo.
Tôi hỏi nhỏ chị Hoa: "Thưa chị, em biết chị là thương binh hạng ba trên bốn (3/4), nhưng hồi đi khám, đã bao giờ chị đếm được trên mình có bao nhiêu sẹo do bị tra tấn không ạ?". Chị Hoa lắc đầu: "Chị chẳng đếm được, nhưng chắc cũng phải... vài chục".
Nguyên Phó CT nước Trương Mỹ Hoa và bà Võ Thị Thắng thắp hương tưởng niệm Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi |
Quả thật, ngày xưa, khi đọc tác phẩm “Sống như anh” của nhà báo Trần Đình Vân viết về người anh hùng Nguyễn Văn Trỗi, có kể về tấm gương của chị X và chị Y. Các chị bị bắt và bị kẻ địch tra tấn bằng đủ các ngón đòn dã man nhất, trong đó có đóng đinh vào mười đầu ngón tay... học sinh chúng tôi rất cảm phục. Và không ngờ hôm nay lại được gặp chị X, chị Y...
Chị X trong tác phẩm “Sống như anh” là chị Nguyễn Thị Châu, người đã có mối tình tuyệt đẹp với anh Lê Hồng Tư, một người bị chính quyền Diệm kết án tử hình.
Còn chị Y, chính là chị Trương Mỹ Hoa nhưng khi bị bắt thì khai tên là Nguyễn Thị Tâm. Hôm trước, chúng tôi có tới thăm anh Lê Hồng Tư và chị Châu, cũng được nghe chị kể lại những năm tháng khốc liệt ở nhà giam của Tổng nha Cảnh sát, Trại P42, Trại Thủ Đức.
Tôi có hỏi chị Châu về cảm giác khi bị chúng đóng đinh vào kẽ móng tay, chị bảo: "Lúc đó nửa mê, nửa tỉnh và cứ nghe như văng vẳng tiếng Bác Hồ "Con ơi, ráng chịu con nhé!".
Trong số hàng ngàn nữ tù chính trị bị địch bắt suốt từ năm 1955 đến 1975, có lẽ chị Trương Mỹ Hoa là người bị giam cầm lâu nhất (mặc dù chỉ bị kết án có 18 tháng tù). Chị bị bắt ngày 15/4/1964, khi mới 19 tuổi trong lúc cùng một chị khác đang mang tài liệu đi vận động học sinh, sinh viên chống lại âm mưu bắt đi lính của chính quyền Nguyễn Khánh. Mặc dù người cùng đi với chị ném được tập tài liệu và chạy thoát, nhưng chúng bắt được chị Hoa và đưa về trại giam ở Nha Cảnh sát đô thành. Suốt 3 tháng trời, chúng tra tấn chị bằng đủ mọi ngón đòn dã man nhất. Nhưng chị kiên quyết không khai, không chịu chào cờ, không thực hiện các nội quy nhà giam... Sau gần 5 tháng tra khảo mà không thu được gì, bọn chúng đưa chị ra tòa xét xử với tội danh "gây rối trật tự công cộng" và kết án chị 18 tháng tù rồi đưa vào Trại Thủ Đức.
Nhằm khuất phục chị, bọn cai ngục giam chị riêng và không cho người nhà vào thăm, không cho tiếp tế. Trong suốt thời gian ở các trại giam: Tổng nha Cảnh sát, Trại Thủ Đức, Khám Chí Hòa và rồi bị đày ra Côn Đảo, chị Trương Mỹ Hoa luôn bị coi vào loại "cứng đầu, cứng cổ" nhất. Khi ở trại Thủ Đức, chúng từng đưa chị vào biệt giam... 3 năm liền. Có lần tên quản đốc Dương Ngọc Minh gặp chị và thao thao bất tuyệt đọc bài thơ của Trần Dần... và nói xấu miền Bắc. Rồi hắn thuyết phục rằng, chỉ cần chị tham gia chào cờ 3 buổi sáng, và hô "đả đảo Hồ Chí Minh" một lần thôi, thì chúng sẽ tha ngay lập tức. Thậm chí chúng còn hứa sẽ "bảo đảm bí mật cho chị", nhưng đáp lại, chị kiên quyết từ chối và nói thẳng: "Các ông muốn giết thì giết, muốn thủ tiêu thì thủ tiêu, còn tôi, tôi chỉ chào cờ của chúng tôi". Sau mỗi lần như vậy, chị lại bị chúng tra tấn và hành hạ bằng cách nhốt biệt giam hoặc phòng kỷ luật. Chính vì không khuất phục nổi, nên địch đã giam chị suốt từ năm 1964 đến tháng 3/1975 và hai lần bị đày ra Côn Đảo. Ngay khi được ra tù, cơ sở đón đưa chị luôn ra chiến khu. Lúc này, chiến dịch Tây Nguyên đang làm cả Sài Gòn chấn động. Chị xin với tổ chức là cho chị được kiểm điểm ngay, trước khi trở về hoạt động. Thấy chị vừa ra tù và cũng quá biết ý chí kiên cường bất khuất của chị trong những năm tháng bị giam cầm, nên cơ quan tổ chức của Trung ương Cục muốn chị cứ nghỉ ngơi cho lại sức rồi tiếp tục công tác. Nhưng chị dứt khoát xin được kiểm điểm. Chị muốn mọi chuyện phải được minh bạch, rõ ràng. Rủi mấy hôm nữa, chị có hy sinh thì cũng sẽ không bị Đảng nghi ngờ.
Thấy chị cứ một mực đòi được kiểm điểm, cuối cùng cấp trên cũng đành phải chấp thuận và cho mời một số nữ đồng chí từng bị giam với chị tới dự. Buổi kiểm điểm diễn ra nhanh chóng vì không một ai mảy may gợn chút nghi ngờ về lòng trung thành của chị.
Chị Trần Hồng Nhật cũng bị địch bắt giam nhưng vì không có đủ chứng cứ nên không xét xử. Cũng chỉ vì không chịu chào cờ ngụy quyền mà chúng giam chị suốt 7 năm. Thật ra, có một lần chúng đã chuẩn bị thả chị, nhưng vì có kẻ phản bội tố cáo, khi chị chuyển một bản nghị quyết, nên chị bị chúng giam thêm. Còn chị Loan, lúc bị bắt, chị mới 16 tuổi. Và mặc dù chẳng kết án được chị, nhưng cũng chỉ vì chị không chịu chào cờ, không tuân theo 14 điều nội quy của trại, nên cũng bị chúng hành hạ và giam chung với các nữ tù chính trị rồi sau cũng bị đày ra Côn Đảo và nhốt chung trong chuồng cọp cùng chị Trương Mỹ Hoa, chị Võ Thị Thắng và sau này, chính chị Hoa và chị Thắng đã tổ chức kết nạp Đảng cho chị Loan ngay trong chuồng cọp.
Kể lại những câu chuyện về đấu tranh trong các nhà tù của Mỹ - ngụy, chị Hoa nói: "Trong những ngày ở các trại giam, chị em chúng tôi chia sẻ cho nhau không chỉ từ miếng cơm, hớp nước, mà còn chia sẻ cả một chỗ nằm, một khe hở để thở. Chỉ có một thứ chúng tôi tranh giành nhau, đó là tranh giành xông ra trước để đỡ đòn cho đồng đội. Các chị, các má thì bảo: "Tụi tao già rồi, rủi có chết cũng không sao, tụi bay trẻ, phải sống để còn chiến đấu". Nhưng số chị em trẻ thì lại bảo: "Tụi con còn khỏe, chúng đánh có bị thương, cũng dễ lành, cứ để tụi con đỡ đòn cho".
Cho đến bây giờ, năm tháng trôi qua có thể làm phai mờ nhiều ký ức nhưng với những người như chị Hoa, chị Thắng, chị Nhật, chị Loan thì họ vẫn nhớ như in những tháng ngày khốc liệt ở trong các trại tù của chế độ Mỹ - Ngụy.
Sau khi đưa 342 nữ tù về Chí Hòa, từ cuối tháng 8/1969, bọn chúng đã lọc ra gần 300 người được coi là bất trị nhất và đưa đi Côn Đảo. Vào gần cuối tháng 11, khi cơ sở báo cho các chị tin này thì lãnh đạo các phòng giam đã tổ chức họp bàn kế hoạch đấu tranh chống việc đày đi Côn Đảo. Chị em đã xác định phải chiến đấu đến cùng và nếu địch dùng sức mạnh để đàn áp thì "đi bằng lưng" - nghĩa là không đi mà chúng phải khênh hoặc lôi.
Đêm 29/11, bọn địch xông vào bắt đưa các chị đi Côn Đảo, cuộc chống trả của các chị diễn ra cực kỳ quyết liệt. Thấy không xong, bọn địch liền điều cảnh sát dã chiến đến dùng hơi cay tấn công và chúng chỉ có thể khênh mọi người lên ôtô khi các chị đã bị kiệt sức. Ra Côn Đảo, chúng nhốt các chị vào khu chuồng cọp và cứ mỗi chuồng rộng 1,25m, dài 2,5m, chúng nhốt 5 người. Ngay ngoài Côn Đảo, chúng đã đàn áp các chị cực kỳ dã man. Có khi chúng không cho các chị tắm, rửa suốt 53 ngày liền. Chị em đến kỳ "thấy tháng" phải xé quần áo để làm vệ sinh. Mỗi người một ngày chúng chỉ cho một lon nước (khoảng 750ml) để làm tất cả mọi việc.
Nói lại chuyện cũ, chị Nhật bảo, ngày ấy chúng tôi đã biết cách tổ chức "xông hơi, mát xa" trong tù. Thấy chúng tôi ngơ ngác không hiểu, chị giải thích: "Cách xông hơi là một người ngồi quay lưng ra sát cánh cửa sắt, ánh nắng mặt trời rọi vào cánh cửa làm nóng và người tù gí lưng vào cánh cửa để cho mồ hôi ra, rồi sau đó hai người sẽ giúp kỳ cọ... Số nước được cấp thì 4 lon dành để uống, còn 1 lon dùng cho vệ sinh và như vậy cứ 5 ngày sẽ có 1 người được sử dụng 1 lon nước để lau người". Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, bọn cai ngục ở Côn Đảo có một âm mưu rất thâm độc là chúng làm hồ sơ chuyển số tù chính trị này sang tù thường phạm nhằm tránh việc phải trao trả theo Hiệp định. Muốn làm được việc đó, chúng phải tổ chức lăn tay, chụp ảnh và thay đổi toàn bộ hồ sơ, bản án đối với các nữ tù chính trị. Để chống lại âm mưu này, chị em đã nghĩ ra cách không cho chúng lăn tay đó là nhúng tay mình vào nước cho mềm da rồi mài xuống nền xi măng cho mất vân tay. Khi chúng lôi chị em ra chụp ảnh thì mọi người tự làm "biến dạng" mặt mình bằng cách nhắm mắt, làm méo miệng... Tất nhiên, sau mỗi một lần như vậy thì các chị phải hứng chịu một trận đòn thù mà lần sau dã man hơn lần trước.
Nguyên Phó CT nước Trương Mỹ Hoa và bà Võ Thị Thắng cùng các bạn tù ở Chí Hòa năm xưa hát bài hát ca ngợi Anh hùng Nguyễn Văn Trỗi |
Nghe các chị kể lại, chúng tôi không thể nào hình dung ra nổi tại sao những người con gái đang tuổi thanh xuân mà lại có sức chịu đựng, sự hy sinh lớn đến như vậy. Và tự nhiên trong lòng tôi thấy chạnh buồn khi nghĩ đến hiện nay đã có không ít nơi, không ít người có thái độ dửng dưng vô cảm khi phải giải quyết các vấn đề liên quan đến chế độ chính sách cho những người đã từng tham gia kháng chiến và bị địch bắt tù đày. Đó là chưa kể thời gian gần đây, một số người đã cố tình xuyên tạc lịch sử, bôi nhọ quá khứ, thậm chí có những lời dè bỉu về những hy sinh của các thế hệ đi trước trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước.
Trong những năm qua, Đảng, Nhà nước và nhân dân cũng đã có nhiều chính sách, chế độ nhằm "đền ơn, đáp nghĩa" những người đã có công trong suốt hai cuộc kháng chiến trường kỳ của dân tộc. Nhưng do sự kém hiểu biết về lịch sử, sự mơ hồ về chính trị cho nên không phải lúc nào những người có trách nhiệm đã thực hiện tốt các chính sách của Đảng và Nhà nước đối với những người có công.
Thậm chí, người ta còn coi việc xây một căn nhà, trợ cấp khó khăn hoặc giải quyết chế độ chính sách cho người có công như một sự ban ơn... điều này đã làm không ít người tủi thân, tủi phận. Ngay chúng tôi những người làm công tác tuyên truyền bây giờ được nghe các chị kể lại, được tận mắt thấy được những dấu vết qua các trận tra tấn trên người các chị cũng thấy rằng, mình đã có lỗi vì chưa viết được hay, được trung thực về những con người bình dị mà vĩ đại.
(Xem tiếp kỳ sau)
Những câu chuyện ở “lò bát quái” Chí Hòa (Kỳ 4): Lời kể của những cựu nữ tù chính trị Tôi cam đoan rằng, nếu bây giờ, tổ chức thi xem ai thuộc Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, thì chắc chắn trong ... |
Những câu chuyện ở “lò bát quái” Chí Hòa (Kỳ 2): Sự thật về một viên cai ngục Để trả thù, Lâm cố tình gây án rồi vào Chí Hòa và hối lộ cai ngục nhằm được giam chung với những “tử thù” ... |
Những câu chuyện ở “lò bát quái” Chí Hòa (Kỳ 1) Tại miền Nam, từ trước năm 1975, khám Chí Hòa, cùng với hệ thống nhà tù ở Côn Đảo, Phú Quốc, Phú Lợi, Đề lao ... |