Ngày 3/4, tại phiên tòa xét xử bị cáo Trương Mỹ Lan (Chủ tịch Tập đoàn Vạn Thịnh Phát) và đồng phạm, đại diện VKS giữ quyền công tố tại tòa đã tranh luận lại quan điểm của các bị cáo và luật sư.

Đại diện VKS cho biết, lập luận của luật sư và của bị cáo Lan thiếu và không có căn cứ. Luật sư của bị cáo Lan cho rằng, bị cáo Lan không phạm tội "Tham ô tài sản" vì bị cáo không phải là người có chức vụ, quyền hạn tại Ngân hàng SCB.

Những cơ sở khẳng định hành vi phạm tội của bị cáo Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm -0
Bị cáo Trương Mỹ Lan tại phiên tòa.

Theo đại diện VKS, đây là vụ án đồng phạm có tổ chức. Các bị cáo thực hiện chuỗi sai phạm, người sau tiếp cận sai phạm người trước để nối. Luật sư bảo vệ cho bị cáo Lan tiếp cận vụ án theo mô hình tách bị cáo Lan ra khỏi hệ thống Ngân hàng SCB và tiếp cận theo góc chức vụ quyền hạn. Trong khi đó, VKS tiếp cận theo hướng rộng hơn, xem xét toàn bộ cơ cấu bộ máy Ngân hàng SCB, sai phạm từ Đại hội đồng cổ đông tới các cấp dưới.

Đại diện VKS nhấn mạnh, hồ sơ vụ án và kết quả thẩm tra tại tòa thể hiện bị cáo Lan sở hữu, quản lý trên 91% cổ phần Ngân hàng SCB. Việc sở hữu, quản lý như vậy đã vi phạm quy định của Luật Tổ chức tín dụng. Hoạt động của Ngân hàng SCB là hoạt động đặc thù, nên HĐQT và vị trí Tổng giám đốc Ngân hàng SCB phải được Ngân hàng Nhà nước đồng ý phê duyệt.

Luật của các tổ chức tín dụng quy định cá nhân không sở hữu quá 5% cổ phần ngân hàng để tránh thâu tóm ngân hàng, bị cáo Lan nắm giữ hơn 91% cổ phần là đã vi phạm quy định. Từ đó, bị cáo Lan nắm toàn quyền chi phối, bố trí người vào các vị trí quan trọng và làm theo yêu cầu của mình, biến Ngân hàng SCB thành công cụ tài chính để chiếm đoạt tiền của Ngân hàng SCB. Từ những điều trên, đại diện VKS khẳng định, có đủ căn cứ xác định bị cáo Lan phạm tội "Tham ô tài sản".

Đại diện VKS cho rằng, cách lập luận của luật sư bị cáo Lan "vô căn cứ".  Bị cáo Lan không có nhiều tài sản như bị cáo trình bày, cũng không có nguồn lực tài chính dồi dào. Trước khi hợp nhất 3 ngân hàng, bị cáo Lan có rất nhiều khoản nợ như VKS đã nêu. Bị cáo Lan và các bị cáo khác tại Ngân hàng SCB đều trình bày khoản nợ khó thu, tài sản bảo đảm giá trị thấp. Nếu nhiều tài sản thì vì sao không tất toán những khoản nợ trên, mà sử dụng Ngân hàng SCB huy động tiền gửi của dân (?). Tiền bị cáo chiếm đoạt là tiền huy động của dân. Bị cáo chiếm đoạt để mua nhiều bất động sản.

Đại diện VKS còn khẳng định, bị cáo Lan đã chiếm đoạt số tiền đặc biệt lớn. Trong số 1.169 bất động sản kê biên, bị cáo Lan thừa nhận của bị cáo, phải thuê, nhờ người khác đứng tên. Điều này thể hiện rõ sự gian dối của bị cáo. Trong số các tài sản này chỉ có một ít tài sản mua trước năm 2012, phần sau năm 2012 chiếm hơn 94%. Đây là số tài sản nhờ sử dụng tiền chiếm đoạt của Ngân hàng SCB để đầu tư, để mua.

Về hành vi nhận 5,2 triệu USD của bị cáo Đỗ Thị Nhàn (Trưởng đoàn thanh tra), đại diện VKS, nêu quan điểm: "Nếu không muốn nhận thì đơn giản, có nhiều cách. Ở đây, sau khi nhận tiền, bị cáo Nhàn còn chia nhỏ số tiền trên ra gửi nhà người quen, người thân. Lần thứ 4, sau khi ban hành kết quả thanh tra, bị cáo Nhàn đã nhận đủ 5,2 triệu USD. Số tiền phù hợp với kết quả thu giữ của Cơ quan điều tra và phù hợp với lời khai của bị cáo".

Về việc thực hiện đúng chức trách nhiệm vụ được giao, đại diện VKS cho rằng chỉ đúng một lần. Sự thật đúng là bị cáo Nhàn báo cáo kết quả thanh tra. Tuy nhiên, sau đó Ngân hàng SCB có 4 kiến nghị tiếp tục chấp nhận dư nợ xấu của các khoản vay đó, tiếp tục cho Ngân hàng SCB hạch toán lãi dự thu để tiếp tục tái cơ cấu thì bị cáo Nhàn lại chấp nhận đề xuất không đúng này của Ngân hàng SCB. Từ đây, VKS đánh giá thái độ quanh co của bị cáo Nhàn, đề nghị HĐXX xem xét tình tiết thái độ không thành khẩn của bị cáo Nhàn.

Tại phiên tòa, đại diện VKS cũng đã đề nghị HĐXX xem xét giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với một số bị cáo khác đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, khắc phục hậu quả. Cụ thể, mức án mà đại diện VKS đề nghị giảm cho các bị cáo từ 1 đến 3 năm tù giam.

Đối với bị cáo Trương Huệ Vân (SN 1988, nguyên Tổng giám đốc Công ty Cổ phần đầu tư Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Tổng giám đốc Công ty tập đoàn quản lý Bất động sản Windsor), VKS đề nghị HĐXX xem xét hoàn cảnh chỉ mới tham gia hoạt động tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát. Sau khi sự việc diễn ra, bị cáo Vân nhận thức được hành vi của mình. Trước đó, quá trình luận tội, bị cáo Vân bị đại diện VKS đề nghị mức án từ 19 đến 20 năm tù. Nay VKS đề nghị mức án từ 17 đến 18 năm tù giam, giảm 2 năm từ giam so với mức đề nghị ban đầu.

Về chồng bị cáo Lan, bị cáo Chu Lập Cơ (SN 1956, Chủ tịch HĐQT Công ty CP Đầu tư Times Square) được VKS đề nghị, giảm mức hình phạt xuống từ mức án từ 10 đến 11 năm tù giam. Trước đó, bị cáo Cơ bị VKS đề nghị mức án từ 11 đến 12 năm tù giam. Được xem là thành khẩn khai báo, dám làm dám nhận, cảm ơn đại diện VKS đã lắng nghe và thấu hiểu, bị cáo Trần Thị Mỹ Dung (SN 1985, nguyên Phó Tổng giám đốc Ngân hàng SCB), mức hình phạt trong luận tội là từ 19 đến 20 năm tù giam, nay được VKS đề nghị, giảm nhẹ mức án xuống còn từ 18 đến 19 năm tù giam.

Nhiều bị cáo nguyên là lãnh đạo, cán bộ thanh tra, thuộc Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước cũng được đề nghị giảm trách nhiệm hình sự. Bị cáo Nguyễn Văn Hưng (SN 1958, cựu Phó Chánh thanh tra phụ trách Cơ quan Thanh tra giám sát Ngân hàng Nhà nước) người ra quyết định thanh tra, bị đại diện VKS đề nghị mức án từ 14 đến 15 năm tù giam, nay được VKS đề nghị mức hình phạt giảm xuống còn từ 11 đến 12 năm tù giam.

Đối với bị cáo Nguyễn Cao Trí (SN 1970, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Công ty Capella) đã khắc phục được phần lớn hậu quả, hiện đang tiếp tục và vận động gia đình nỗ lực khắc phục phần thiệt hại còn lại. Do vậy, bị cáo Trí được VKS đề nghị mức hình phạt giảm từ 10 đến 11 năm tù giam xuống còn 9 đến 10 năm tù giam. Tổng cộng có 22 bị cáo được đại diện VKS đề nghị HĐXX giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

https://cand.com.vn/Ban-tin-113/nhung-co-so-khang-dinh-hanh-vi-pham-toi-cua-bi-cao-truong-my-lan-cung-dong-pham-i727243/

Đức Mừng - Văn Hào / CAND