Công dân của một số nước đã bắt đầu sơ tán khỏi Sudan trong bối cảnh cuộc giao tranh đẫm máu nhấn chìm quốc gia châu Phi rộng lớn này bước sang tuần thứ hai.

AA6MLZLPMZP6BN6UWXHZOWPHNA-1682211434779
Khói bốc lên tại một khu vực của thủ đô Khartoum ngày 22/4. Ảnh Reuters.

Tình hình giao tranh ác liệt tại thủ đô Khartoum đã khiến một số lượng lớn công dân nước ngoài mắc kẹt. Sân bay tại đây đã nhiều lần trở thành mục tiêu tấn công và nhiều cư dân không thể rời khỏi nhà hoặc ra khỏi thành phố để đến những khu vực an toàn hơn, theo Reuters. 

Liên Hợp Quốc và nhiều nước trên thế giới đã kêu gọi các nhà lãnh đạo quân sự đối địch tại Sudan tôn trọng các lệnh ngừng bắn đã tuyên bố, đồng thời mở lối đi an toàn cho dân thường và cung cấp viện trợ cần thiết.

Khi sân bay đóng cửa và không phận trở nên thiếu an toàn, hàng nghìn người nước ngoài - bao gồm nhân viên đại sứ quán, nhân viên cứu trợ và sinh viên ở Khartoum và nhiều nơi khác tại Sudan - không thể sơ tán.

Quân đội Sudan ngày 22/4 cho biết sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc sơ tán các công dân và nhà ngoại giao Mỹ, Anh, Trung Quốc và Pháp khỏi Sudan, trong khi Arab Saudi và Jordan đã sơ tán công dân qua Cảng Sudan trên Biển Đỏ.

Đến cuối ngày 22/4, Arab Saudi cho biết đã sơ tán 157 công dân nước này cũng như người thuộc các quốc tịch khác trong khi Kuwait thông báo một số công dân của họ đã đến Jeddah. Jordan cũng cho biết đã bắt đầu sơ tán 300 công dân.

Trong khi đó, với trọng tâm là việc sơ tán các nhà ngoại giao, Lầu Năm Góc cho biết Mỹ đang điều động thêm binh lính và thiết bị đến một căn cứ hải quân ở quốc gia Djibouti nhỏ bé thuộc Vịnh Aden để chuẩn bị cho nỗ lực này.

Các vụ nổ và tiếng súng vẫn vang lên khắp Khartoum trong ngày 22/4. Hai nỗ lực ngừng bắn vào đầu tuần này cũng nhanh chóng sụp đổ. Tình trạng hỗn loạn có lẽ đã giáng một đòn chí mạng vào hy vọng chuyển đổi sang một nền dân chủ do dân sự lãnh đạo tại Sudan và làm dấy lên lo ngại rằng sự hỗn loạn có thể lôi kéo các nước láng giềng, bao gồm Chad, Ai Cập và Libya.

Pierre Honnorat, người đứng đầu Chương trình Lương thực Thế giới của Liên Hợp Quốc (WFP) tại Chad, cho biết 10.000 đến 20.000 người Sudan đã vượt biên vào nước này kể từ khi giao tranh nổ ra và tổ chức này đang chuẩn bị “chào đón ít nhất 100.000 người” những người tị nạn, theo Al Jazeera. 

Honnorat nói thêm rằng chính phủ Chad cần hỗ trợ để tiếp nhận dòng người tị nạn. “Sẽ vô cùng khó khăn nếu chúng tôi không nhận được sự hỗ trợ. Chúng tôi đã tiếp nhận 400.000 người tị nạn Sudan ở 14 trại dọc theo biên giới nhưng hoàn toàn không có tài trợ cho những người này”.

Theo Tổ chức Y tế Thế giới, các cuộc đụng độ đã giết chết hơn 400 người cho đến nay. Các cuộc bắn phá, đấu súng và bắn tỉa ở các khu vực đông dân cư đã làm hư hại nhiều cơ sở hạ tầng dân sự, bao gồm nhiều bệnh viện.

 

Tiến Anh / CAND