Một làn sóng biểu tình bùng phát từ sinh viên và giới trẻ kéo dài trong tháng 7/2024 vừa qua tại Bangladesh nhằm phản đối quy định tuyển công chức đã gây nên những hậu quả nghiêm trọng với nền kinh tế của đất nước.

Ngày 5/8. Trong một cuộc họp báo khẩn cấp, Tổng tư lệnh quân đội Bangladesh Waker-uz-Zaman tuyên bố Thủ tướng Hasina đã từ chức và một chính phủ lâm thời mới sẽ được thành lập để điều hành đất nước.

Nguyên nhân và diễn biến

Các cuộc biểu tình bắt đầu nổ ra ở Bangladesh từ đầu tháng 7 để yêu cầu chấm dứt hệ thống hạn ngạch viên chức, dần tăng nhiệt trong hai tuần sau đó khi cảnh sát có những hành động trấn áp và trở thành đụng độ chết người. Bạo lực bắt đầu nổ ra ở Dhaka hôm 18/7/2024, khi cảnh sát bắn đạn cao su vào đoàn biểu tình, những người này chống trả bằng gậy gộc, gạch đá và dồn họ vào trụ sở đài truyền hình Bangladesh.

Những cuộc biểu tình phá tan nền kinh tế Bangladesh -2
Người biểu tình đốt tòa nhà Đài truyền hình.

Người biểu tình đã phóng hỏa đốt một tòa nhà của đài truyền hình cùng nhiều xe cộ phía lối vào của Cơ quan Ứng phó thảm họa quốc gia Bangladesh và bao vây những khu vực này. Lực lượng cảnh sát đã phải dùng đến hơi cay và đạn cao su để chống trả. Người biểu tình cũng bao vây một đội cảnh sát vũ trang trong khuôn viên trường đại học khi lực lượng này tiến vào giải tán đám đông sinh viên. Sau đó quân đội Bangladesh đã phải huy động cả trực thăng để giải cứu hơn 60 cảnh sát khỏi các vị trí này.

Từ tối ngày 18/7, mạng Internet tại Bangladesh bị khóa lại hoàn toàn. Tuy nhiên theo xác nhận của những nhà báo hoạt động từ Dhaka, thông qua theo dõi tại các bệnh viện, họ xác định có ít nhất 32 người đã chết trong ngày 18/7 vì những cuộc biểu tình trong thành phố gây ra. Mô tả từ hồ sơ bệnh viện cho thấy vũ khí của cảnh sát là nguyên nhân gây ra ít nhất 2/3 số ca tử vong. Gần 1.000 người đã phải điều trị tại bệnh viện vì vết thương trong các cuộc đụng độ và nhiều người bị thương do đạn cao su.

Sự phẫn nộ bắt đầu khi Bangladesh đưa ra thông báo sẽ khôi phục hệ thống hạn ngạch công chức cho các con cháu của những chiến sĩ giải phóng giành độc lập từ năm 1971. Quyết định này đã gây ra một làn sóng phản đối từ sinh viên, đặc biệt là những người đã đấu tranh để loại bỏ hạn ngạch này vào năm 2018. Ban đầu, chính phủ đã cố gắng giải quyết tình hình bằng cách kêu gọi các sinh viên chờ đợi quyết định của Tòa án Tối cao, nhưng sự can thiệp của các tổ chức chính trị như Đảng Quốc gia Bangladesh (BNP) và Jamaat-e-Islami đã làm tình hình trở nên phức tạp hơn.

Các cuộc biểu tình nhanh chóng leo thang thành bạo lực vào giữa tháng 7, với các vụ tấn công vào cơ sở hạ tầng công cộng như hệ thống tàu điện ngầm, các trạm thu phí, và các tòa nhà chính phủ. Sự phá hoại này đã làm tê liệt nhiều phần của đất nước và dẫn đến tổn thất kinh tế nghiêm trọng. Chính phủ buộc phải áp đặt lệnh giới nghiêm và triển khai quân đội để kiểm soát tình hình. Thủ tướng Sheikh Hasinasau đã phải tuyên bố ngày 20/7 và 21/7 là “ngày nghỉ lễ” do tình hình trong nước, chỉ các cơ quan khẩn cấp được phép hoạt động.

Tình hình chỉ trở nên bớt căng thẳng hơn khi Tòa án tối cao Bangladesh ra phán quyết giảm bớt chế độ ưu tiên trong tuyển dụng công chức vào chiều ngày 21/7. Tuy nhiên, tính đến ngày 23/7, ước tính 174 người thiệt mạng, gồm cả cảnh sát, và 10.000 người bị bắt giữ. Ngày 28/7/2024, kết nối Internet mới được phục hồi trở lại.

Tác động kinh tế

Theo đánh giá của các chuyên gia kinh tế, lệnh giới nghiêm và việc đánh sập mạng Internet diện rộng trong 12 ngày (từ 17-28/7/2024) nhằm dập tắt các cuộc biểu tình đã gây ra thiệt hại trực tiếp lên tới 10 tỷ USD.

Những cuộc biểu tình phá tan nền kinh tế Bangladesh -1
Người biểu tình đốt phá ở thủ đô Dhaka.

Các nhà máy và cơ sở sản xuất phải tạm ngừng hoạt động hoặc giảm công suất, đặc biệt trong ngành dệt may, một ngành công nghiệp chủ lực của Bangladesh. Các cuộc biểu tình làm gián đoạn chuỗi cung ứng và hoạt động xuất nhập khẩu, gây tổn thất cho các doanh nghiệp. Nhưng sự bất ổn chính trị và xã hội còn làm giảm niềm tin của nhà đầu tư, ảnh hưởng đến quyết định đầu tư và triển vọng kinh tế lâu dài nhiều hơn.

Ông Zaved Akhtar, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp các nhà đầu tư nước ngoài Bangladesh (FCCI) đánh giá: "Trong khi đất nước đang dần phục hồi với kết nối trực tuyến, các hoạt động đầy đủ vẫn chưa trở lại và chúng ta chỉ đạt tối đa 50% tiềm năng kinh tế". Một số nhà đầu tư đã thông báo sẽ xem xét lại mức đầu tư, thậm chí rút vốn. Đây sẽ là những tổn thất không thể đong đếm được trong dài hạn với nền kinh tế vốn phụ thuộc vào dòng vốn nước ngoài này.

Sự khó khăn này sẽ kéo theo nhiều hệ lụy trong bối cảnh nền kinh tế Bangladesh cũng đang khan hiếm ngoại tệ. Theo Ngân hàng Trung ương Bangladesh, dự trữ ngoại tệ của nước này đã giảm xuống mức thấp nhất trong gần 7 năm. Tính đến cuối tháng 7/2024, dự trữ ngoại tệ của Bangladesh chỉ còn khoảng 17,5 tỷ USD, giảm đáng kể so với mức khoảng 48 tỷ USD vào tháng 8/2021. Nguyên nhân chính của sự sụt giảm này bao gồm thâm hụt cán cân thanh toán do nhập khẩu cao và xuất khẩu giảm, chi phí năng lượng tăng, và đồng nội tệ yếu. Ngoài ra, các khoản thanh toán cho nợ nước ngoài cũng đã làm giảm thêm dự trữ ngoại tệ của nước này.

Những cuộc biểu tình phá tan nền kinh tế Bangladesh -3
Quân đội và cảnh sát Bangladesh phong tỏa các tuyến đường.

Để ứng phó với tình trạng này, Bangladesh đã có các biện pháp như tăng lãi suất, kiểm soát ngoại tệ, và tìm kiếm hỗ trợ tài chính từ các tổ chức quốc tế. Cuộc đàm phán giữa chính phủ của Thủ tướng Sheikh Hasina cùng với các chủ nợ và Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) để có thêm nguồn tài chính sẽ trở nên cấp bách hơn vì ngành may mặc chủ lực của nền kinh tế Bangladesh sẽ mất rất nhiều thời gian mới có thể quay trở lại hoạt động bình thường. Trong khi đó, các chính sách thắt chặt tài khóa được đề xuất trong ngân sách năm 2025 sẽ phải đối mặt với sự phản đối từ các nhóm doanh nghiệp, trong khi áp lực từ việc in tiền để bù đắp thiếu hụt ngân sách có thể dẫn đến lạm phát cao hơn và thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng hơn nữa. Việc đóng cửa các công ty và hạn chế kết nối kỹ thuật số cũng làm trầm trọng thêm tình trạng suy giảm kinh tế.

Trước khi xảy ra các cuộc biểu tình, Bangladesh đã dự kiến mức tăng trưởng GDP cho cả năm 2024 ở mức 6-7%. Tuy nhiên, sau các sự kiện này, các nhà kinh tế và tổ chức tài chính đã điều chỉnh dự báo xuống còn khoảng 4-5%. Sự suy giảm này phản ánh tác động tiêu cực của các cuộc biểu tình lên nền kinh tế, cũng như những thách thức khác như suy giảm dự trữ ngoại tệ và lạm phát. Có thể nói, một làn sóng biểu tình bùng phát trong vài tuần như một “cú đấm mạnh” vào nền kinh tế Bangladesh mới bắt đầu phát triển tốt trong vài năm gần đây.

Tình hình đen tối

Chính phủ Bangladesh, dưới sự lãnh đạo của Thủ tướng Sheikh Hasina, đã thực hiện nhiều biện pháp nhằm dập tắt bạo lực và khôi phục trật tự. Hôm 17/7, bà Hasina đã lên truyền hình kêu gọi người biểu tình hãy “bình tĩnh”, “quay về nhà”. Tuy nhiên, sự can thiệp của các tổ chức chính trị đối lập đã làm phức tạp thêm tình hình.

Những cuộc biểu tình phá tan nền kinh tế Bangladesh -4
Thủ tướng Sheikh Hasina đã cầm quyền 4 nhiệm kỳ liên tiếp nhưng vẫn phải đối mặt với làn sóng đối lập lớn và bà đã phải từ chức.

Năm 2018, bà Hasina đã từng bãi bỏ chế độ hạn ngạch trong thi tuyển công chức và nhận được sự ủng hộ lớn của giới trẻ. Những cải cách của chính phủ sau đó đã giúp Bangladesh có một giai đoạn tăng trưởng kinh tế ấn tượng giúp bà Hasina đắc cử nhiệm kỳ thứ 4 sau cuộc bầu cử hồi tháng 1 năm nay. Tuy nhiên, sự phản đối của phe đối lập đã dẫn đến việc một tòa án ở Bangladesh đưa ra phán quyết buộc chính phủ phải đảo ngược lại quyết định phá bỏ hạn ngạch vào đầu tháng 6/2024. Điều này cho thấy, những tranh chấp chính trị vẫn sẽ còn tiềm ẩn nhiều vấn đề luôn trực chờ gây bất ổn trong xã hội Bangladesh.

Sự kết hợp của các yếu tố chính trị và kinh tế đã khiến nhiều chuyên gia lo ngại về tương lai của Bangladesh. Một số người cảnh báo rằng nếu không có những biện pháp cải cách sâu rộng, đất nước có thể sẽ phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng toàn diện. Tiến sĩ Kenneth Rogoff, một nhà kinh tế học tại Đại học Harvard, đã cảnh báo rằng: “Tình hình có thể cải thiện sau các cú sốc lớn, nhưng cũng có thể trở nên tồi tệ hơn nếu không được quản lý tốt”.

Những cuộc biểu tình phá tan nền kinh tế Bangladesh -0
Người biểu tình chủ yếu là thanh niên với tỷ lệ thất nghiệp cao.

Những cuộc biểu tình tại Bangladesh đã cho thấy những thách thức lớn mà đất nước phải đối mặt trong quá trình chuyển đổi từ một nền kinh tế phát triển nhanh chóng sang một nền kinh tế bền vững và công bằng. Các cuộc biểu tình đã bộc lộ những vấn đề sâu sắc trong hệ thống chính trị và kinh tế của quốc gia này, đồng thời đặt ra những câu hỏi lớn về tương lai của đất nước. Trong bối cảnh này, chính phủ và các bên liên quan cần phải tìm ra những giải pháp toàn diện để giải quyết những vấn đề cốt lõi, đồng thời đảm bảo sự ổn định và phát triển kinh tế trong tương lai.

Ngày 5/8, Thủ tướng Bangladesh Sheikh Hasina đã từ chức sau nhiều tuần biểu tình bùng phát tại quốc gia Nam Á này và lên máy bay quân sự rời khỏi đất nước.

Tiểu Phong / CAND