Tôi có một cuộc hẹn quan trọng ở Đà Nẵng.

Đến sát ngày làm việc, hai bên của cuộc hẹn đó, vẫn chưa thể “chốt” được nội dung gì: những cuộc trao đổi bằng email và điện thoại rơi vào bế tắc. Thậm chí không còn cả lý do để phải gặp nhau. Tuần trước, không còn cách nào khác, tôi đánh liều bay vào Đà Nẵng và xin gặp trực tiếp “đồng chí” cán bộ mà mình đã trao đổi qua mail.

Khác với giọng văn già dặn, người ra tiếp là một thanh niên trẻ, cởi mở và lịch thiệp. Sau khi trình bày và giải thích rõ những khúc mắc của hai bên, chúng tôi thống nhất được công việc trong vòng vài phút, mà rất nhiều công văn, giấy tờ, e-mail trao đổi trong hơn một tháng trước không giải quyết được.

Xong việc, những cán bộ mà hôm trước còn từ chối gặp tôi, dắt tôi lên tầng trên cùng của cơ quan. Họ tự hào giới thiệu quang cảnh của thành phố chuẩn bị đón APEC. Như những người bạn đã quen biết từ lâu.

Người thanh niên ấy, giao tiếp qua email y hệt như một hình mẫu “cán bộ” trong định kiến của người dân. Anh đòi hỏi giấy tờ, hỏi thủ tục, cái này được, cái kia chưa được. Hình mẫu ấy, gần như biến mất chỉ sau một cái bắt tay.

Đó chỉ là một câu chuyện vụn vặt của cá nhân. Nhưng xét đến cùng, cho dù ở tầm vóc hay tính chất nào, cho dù danh vị và tài sản là gì, thì tôi tin luôn có điểm chung giữa những cuộc gặp người với người.

Đó không đơn thuần là cảm nhận cá nhân, mà là kết quả của rất nhiều nghiên cứu khoa học. Từ Đông sang Tây, các nhà khoa học đã đưa ra nhiều luận cứ thuyết phục trên cả cơ sở thần kinh học và sinh hóa rồi đi đến một kết luận: gặp trực tiếp khiến người ta tin tưởng và thân thiện với nhau hơn.

Trong một thí nghiệm được gọi là “kinh tế học ma cà rồng”, giáo sư Paul Zak ở trường chính trị và kinh tế Claremont lấy máu của các đối tượng nghiên cứu sau các giao dịch kinh tế. Ông phát hiện ra rằng lượng oxytocin, loại hormone tạo ra sự gắn bó và niềm tin ở người, cao hơn khi người ta tham gia các giao dịch trực tiếp.

Trong một thí nghiệm đơn giản khác, ở đại học Zurich, nhà kinh tế học Yosuke Morishima yêu cầu các tình nguyện viên cho tiền các đối tượng khác nhau. Kết quả không bất ngờ: họ cho những người gặp trực tiếp nhiều tiền hơn cho những người chưa gặp, chỉ giao tiếp từ xa.

Vấn đề của một mối quan hệ, không chỉ là chia sẻ thông tin, vốn có thể đáp ứng đầy đủ bằng hạ tầng viễn thông ngày nay. Nó còn là trao đổi cảm xúc.

Một cuộc gặp trực tiếp còn là điều kiện để giải quyết “tình thế lưỡng nan của hai người tù” trong lý thuyết trò chơi. Theo đó, mức độ hợp tác giữa hai bên sẽ phụ thuộc chủ yếu vào việc chúng ta suy luận người kia đang nghĩ gì. Khả năng đọc hiểu đối tác sẽ quyết định mức độ thành công của một mối quan hệ.

Đà Nẵng hôm qua chính thức trở thành quần tụ của những nhân vật hàng đầu thế giới, từ các nguyên thủ quyền lực như Tổng thống Mỹ Donald Trump, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hay Tổng thống Nga Vladimir Putin, cho đến các doanh nhân giàu có từ Exxon Mobil hay Alibaba.

Tại sao lại phải bỏ ra hàng chục triệu đô-la cho những trao đổi, gặp gỡ, hay giao thiệp bên lề, trong khi tất cả các vấn đề họ trao đổi đều có thể được cấp dưới thảo luận kỹ đến từng chi tiết, và có thể “chốt” lại bằng những cú điện thoại?

Những cuộc gặp ngoại giao có phải là hình thức?

Đó là bởi những thể chế như quốc gia và doanh nghiệp, dù có hùng vĩ đến đâu, cũng đều được dẫn dắt bởi các cá nhân. Và cá nhân, dù là nguyên thủ hay người thường, đều là những con người có trái tim, với các quyết định phụ thuộc rất nhiều vào cảm tính và suy đoán của riêng mình. Không phải ngẫu nhiên mà Mỹ và Trung Quốc bình thường hoá quan hệ sau “Ngoại giao bóng bàn”, hay Việt Nam chúng ta gần gũi hơn với ASEAN nhờ chơi golf.

Hôm nay, những nhà lãnh đạo toàn cầu bằng xương bằng thịt, chứ không phải qua màn hình máy tính có độ phân giải cao, đang phát biểu tại Đà Nẵng. Đằng sau những diễn ngôn về thịnh vượng, hợp tác toàn cầu, thúc đẩy thương mại, là những dấu ấn cá nhân đậm nét. Và tôi tin chắc rằng, những cuộc gặp bên lề hội nghị của những nhà lãnh đạo thế giới sẽ còn mang lại nhiều giá trị hơn, dù không có truyền thông.

Trên tầng cao nhất của trung tâm hành chính, vị cán bộ tôi mới quen chỉ cho tôi toàn bộ thành phố từ trên cao. Ở đây sẽ thấy toàn bộ lịch sử bi tráng của vùng Quảng – Đà: cửa sông Hàn nơi người Pháp xâm lược năm 1858, rồi bãi biển Xuân Thiều nơi quân Mỹ lần đầu đổ bộ năm 1965. Nói như phát biểu của Tổng thống Trump tại CEO Summit, “ít người có thể tưởng tượng rằng cách đây vài chục năm, hàng chục nước có thể tề tựu ở Đà Nẵng để bàn về câu chuỵện phát triển thịnh vượng.”

Ở Đà Nẵng, những cái bắt tay hôm nay có thể tham gia định hình thế giới.

APEC 2017: Tổng thống Mỹ - Nga bắt tay vui vẻ

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin đứng cạnh nhau trong buổi chụp hình chung tại lễ đón chính thức các ...

Hai giấc mơ của lãnh đạo Trung - Mỹ

Lãnh đạo của 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới đã đưa ra những quan điểm hoàn toàn khác biệt về hướng đi của ...

https://vnexpress.net/tin-tuc/goc-nhin/nhung-cuoc-gap-da-nang-3668618.html

/ Nguyễn Khắc Giang/vnexpress.net