Mặc dù không khí thi công dự án tốc Bắc - Nam đoạn qua địa bàn Nghệ An diễn ra rất khẩn trương trên các công trường, tuy nhiên vẫn còn những điểm nghẽn trong giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng đến tiến độ. Trước tình hình đó, trong cuộc họp gần đây nhất, chính quyền địa phương đã tìm các phương án để tháo gỡ nhằm đạt tiến độ đề ra…
- Gỡ những “điểm nghẽn” để phát triển hạ tầng
- Nhiều khó khăn, vướng mắc trong thi công cao tốc Bắc - Nam tại Bình Định
- Thiếu vật liệu, cao tốc Bắc - Nam có nguy cơ chậm tiến độ
Nhiều “điểm nghẽn” mặt bằng
Dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông đoạn qua tỉnh Nghệ An dài 87,84km, bao gồm 2 tiểu dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu và Diễn Châu - Bãi Vọt đi qua thị xã Hoàng Mai và các huyện Quỳnh Lưu, Yên Thành, Diễn Châu, Nghi Lộc, Hưng Nguyên. Riêng tiểu dự án đoạn Nghi Sơn - Diễn Châu dài 50km, tổng mức đầu tư hơn 7.293 tỷ đồng, trên tuyến có 3 nút giao liên thông với quốc lộ 48D, quốc lộ 48B và quốc lộ 7. Dự án được chia làm 4 gói thầu, do Ban QLDA 6 (Bộ GTVT) quản lý; được triển khai thực hiện từ tháng 7/2021, dự kiến hoàn thành và thông xe vào tháng 7/2023.
Tuy nhiên, đến nay trên địa bàn các huyện, thị xã ở Nghệ An vẫn còn nhiều “điểm nghẽn” về tiến độ thi công do nhiều hộ dân vẫn chưa chịu di dời, hạ tầng điện lưới… vẫn còn dang dở, chưa thể giải phóng mặt bằng.
Cụ thể, tại thị xã Hoàng Mai có 4 hộ dân tại xã Quỳnh Vinh đã bàn giao mặt bằng nhưng tái lấn chiếm, cản trở thi công. Hiện tại 2/4 hộ chưa chấp thuận phương án đền bù, 2 hộ còn lại đã nhận tiền đền bù và có kiến nghị thêm.
Cùng với đó, nhiều vị trí hạ tầng, mặt bằng còn vướng mắc như: nhà máy nước Hoàng Mai chưa di dời đường ống nước D800; đường điện trung thế, hạ thế và cấp điện lực tại vị trí mố M1, cầu vượt nút giao tại xã Quỳnh Vinh; mỏ Đồi Chanh của Công ty Trường An chưa thống nhất xong trữ lượng để bồi thường, hỗ trợ.
Còn tại huyện Quỳnh Lưu, vị trí phát sinh đất nông lâm nghiệp do mở mái taluy đường tại các xã Quỳnh Tân, Quỳnh Văn, Quỳnh Hoa và hệ thống đường điện hạ thế 0,4KV và cao thế 220KV đi qua đến nay chưa bàn giao xong mặt bằng. Huyện Diễn Châu hiện còn 4 hộ tại xã Diễn Yên thuộc phạm vi cầu vượt quốc lộ 48 chưa được di dời, bàn giao mặt bằng.
Ông Phan Xuân Vinh, Phó Chủ tịch UBND huyện Diễn Châu cho biết, địa phương đang trình phương án bảo vệ thi công gửi các bên liên quan và lực lượng chức năng. Vị trí đường điện cao thế 220KV và hệ thống đường gom cầu vượt Đô Thành huyện Yên Thành cũng còn vướng mắc. Tương tự, tại huyện Hưng Nguyên, hệ thống đường điện trung thế, hạ thế và cao thế và tuyến cao thế Bản Lả - Vinh cũng chưa được di dời để kịp tiến độ cho nhà thầu thi công.
Tại huyện Hưng Nguyên, dự án cũng còn vướng 2 hộ dân ở xã Hưng Đạo. Đối với 2 trường hợp này, Hội đồng Giải phóng mặt bằng (GPMB) đã lập hồ sơ, các hộ dân nhận tiền tài sản, còn tiền đất đề nghị được cấp tái định cư. Huyện đã làm việc và trả lời cho các hộ dân, đồng thời, tiếp tục tuyên truyền, vận động. Nếu hộ dân không nhận tiền bàn giao mặt bằng, hoàn thiện hồ sơ tổ chức cưỡng chế thu hồi đất.
Vướng mắc khác liên quan đến chân mái ta-luy 3m tại xã Hưng Tây chưa giải phóng được một phần mảnh ruộng của hộ dân, do thay đổi thiết kế, chủ đầu tư bàn giao mốc GPMB chậm. Đến nay, đang chờ kết quả trích đo để lập hồ sơ bồi thường GPMB, dự kiến đến ngày 15/4/2023 lập hồ sơ GPMB. Bên chủ đầu tư cho biết đã tổ chức trích đo vị trí này cách đây 1 năm mà hiện nay chưa có kết quả trích đo là quá chậm.
Về việc bổ sung đường gom 1A tại xã Hưng Thông hiện nay, huyện cho biết đang tiến hành bổ sung trích lục, trích đo, đến ngày 20/4/2023 lập hồ sơ GPMB chi trả tiền cho các hộ dân. Ngoài ra, một vướng mắc nan giải nữa là đường điện cao thế 3 vị trí ngay trên tuyến chưa di dời kịp khiến cho việc thi công chậm, Ban đường điện 220 KV và 110 KV phấn đấu hoàn thành trước ngày 30/4/2023.
Có thể thấy, ngoài những hộ dân bị ảnh hưởng bởi dự án đến nay chưa bàn giao mặt bằng thì nhiều điểm liên quan đến hệ thống đường điện cao thế, trung thế bị ảnh hưởng đang là những “rào cản” nếu không sớm được phối hợp di dời theo kế hoạch đặt ra. Đại diện Ban QLDA 6 cũng chia sẻ, việc không có mặt bằng, người dân cản trở thi công chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến tiến độ của các vị trí nói trên.
Quyết liệt tháo gỡ các “điểm nghẽn”
Trước tình hình nói trên, tại cuộc họp gần đây nhất UBND tỉnh Nghệ An đã triệu tập lãnh đạo các sở, ban, ngành, liên quan để tìm phương án tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc với tinh thần “Tiếp tục tập trung huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc quyết liệt để hoàn thành công tác bồi thường, GPMB, bàn giao cho Ban QLDA6, nhà đầu tư thi công dự án cáo tốc Bắc - Nam đoạn qua tỉnh Nghệ An đảm bảo tiến độ yêu cầu”.
Đối với vướng mắc về GPMB đoạn qua thị xã Hoàng Mai, đại diện lãnh đạo UBND tỉnh Nghệ An yêu cầu các cấp, ngành phải khẩn trương vào cuộc, tập trung mọi nguồn lực cùng tháo gỡ, và chậm nhất đến hết ngày 15/4/2023 phải hoàn thành. Các huyện Quỳnh Lưu, Diễn Châu, Yên Thành, Hưng Nguyên cũng yêu cầu phải hoàn thành công tác GPMB chậm nhất trong tháng 4 này.
Bên cạnh đó, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nghệ An Lê Hồng Vinh cũng yêu cầu các sở, ngành liên quan căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao của ngành để ưu tiên giải quyết các khó khăn vướng mắc của địa phương đã kiến nghị. Qua đó phải hướng dẫn hoặc tham mưu phương án báo cáo UBND tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời theo đúng tiến độ đặt ra.
Tỉnh Nghệ An cũng đề nghị Ban QLDA6 - Bộ GTVT cấp nguồn kinh phí kịp thời cho Hội đồng bồi thường GPMB các huyện Diễn Châu, Nghi Lộc và Hưng Nguyên để chi trả cho các phương án đã được phê duyệt.