Từ cuộc xung đột ở Ukraine, các chuyên gia quân sự nhận định vũ khí của quân đội Mỹ không toàn diện và bộc lộ một số điểm yếu chết người.
Theo một số nhà nghiên cứu quân sự, Mỹ tuy có vũ khí hiện đại, tinh vi, nhưng số lượng chưa đủ nhiều và quy mô quân đội không đủ lớn để “bảo vệ các lợi ích mà Mỹ muốn”. Cuộc chiến Ukraine đang diễn ra cũng hé lộ một phần những điểm yếu liên quan đến vũ khí Mỹ.
Gói viện trợ vũ khí 61 tỷ USD mà Mỹ dành cho Ukraine, được công bố trong tháng 4 là một động lực cho các lực lượng của Ukraine trong cuộc chiến chưa hồi kết với Nga. Tuy nhiên, vũ khí Mỹ được sử dụng trên chiến trường Ukraine trong thời gian vừa qua, theo các nhà phân tích, đã bộc lộ một số điểm yếu, buộc hệ thống sản xuất vũ khí và thiết bị quân sự Mỹ phải đánh giá, nhìn nhận lại sản phẩm của mình.
Xe tăng M1 Abrams do Mỹ chế tạo bị bắn cháy ở chiến trường Ukraine được trưng bày tại Moskva (Nga). (Ảnh: TASS)
Kho vũ khí của Mỹ chưa đủ mạnh
Kể từ khi bắt đầu cuộc xung đột Nga - Ukraine từ năm 2022, Mỹ là đồng minh quan trọng nhất của Ukraine và cho đến nay đã cấp viện 107 tỷ USD cho chính phủ ở Kiev.
Một lĩnh vực mà Mỹ bộc lộ điểm yếu là tác chiến điện tử. Theo Business Insider, các hệ thống gây nhiễu của Nga đã tạo ra những vấn đề lớn với vũ khí chính xác của phương Tây, bao gồm hệ thống rocket dẫn đường GMLRS và đạn pháo thông minh Excalibur.
Các đơn vị tác chiến điện tử của Nga ngày càng thành thạo trong việc gây nhiễu loạn các hệ thống định vị GPS được sử dụng để dẫn đường cho tên lửa và đạn pháo tới mục tiêu, khiến các loại vũ khí do Mỹ chế tạo trở nên vô dụng.
Stacie Pettyjohn, nhà phân tích quân sự tại Trung tâm An ninh Mỹ mới, nói: “Thực tế tác chiến trên chiến trường cho thấy rằng một số loại đạn dược dẫn đường chính xác của Mỹ đã thất bại trong môi trường điện từ có tính cạnh tranh cao”.
Bà Pettyjohn cho biết, các chuyên gia quân sự Mỹ đang phải tìm cách giải quyết bài toán làm sao để lực lượng có thể cơ động, ngụy trang và tiếp vận tiền tuyến an toàn trong khi các bầy đàn UAV/drone của Nga đang theo dõi chặt chẽ mọi biến động trên chiến trường.
Theo một số báo cáo, Lầu Năm Góc đang tìm cách cải thiện khả năng triển khai UAV/drone để hỗ trợ lực lượng mặt đất và tiêu diệt UAV/drone của đối phương, dự kiến có mặt khắp nơi trên chiến trường trong tương lai. Bà Pettyjohn cho biết hiện tại, mỗi đơn vị quân đội Mỹ chỉ có một cơ số nhỏ UAV/drone cũ.
Cuộc chiến Ukraine đã bộc lộ những vấn đề không chỉ về chất lượng vũ khí Mỹ mà còn là khả năng sản xuất với số lượng mà Ukraine cần.
Trong nhiều thập kỷ, Mỹ đã phát động các cuộc chiến nhằm vào các nhóm chiến binh như Taliban ở Afghanistan. Nhưng cuộc chiến ở Ukraine gần giống với các cuộc xung đột như Thế chiến thứ nhất, khi hai bên tham chiến ở các vị trí được phòng thủ tốt nã hàng chục nghìn viên đạn pháo mỗi ngày để làm đối thủ suy yếu. Và quân đội Mỹ vẫn chưa điều chỉnh hệ thống sản xuất vũ khí, khí tài để có thể thích ứng với thực tế tác chiến kiểu này.
Ngược lại, Nga đã đặt nền kinh tế của mình vào tình thế sẵn sàng chiến tranh, tăng ồ ạt số lượng thiết bị quân sự có thể sản xuất và đặt Ukraine vào thế bất lợi nghiêm trọng.
Hệ thống rocket dẫn đường GMLRS của Mỹ mất đi độ chính xác trước các hoạt động tác chiến điện tử của quân đội Nga. (Ảnh: Lockheed Martin)
Bà Pettyjohn nói: “Vấn đề lớn nhất mà cuộc chiến Ukraine bộc lộ với vũ khí của Mỹ là Lầu Năm Góc không mua sắm đủ đạn dược cho một cuộc xung đột quy mô lớn, kéo dài”.
Bà nói thêm rằng dự luật viện trợ Ukraine gần đây của Mỹ, dự chi hàng tỷ USD để sản xuất vũ khí, không giải quyết được vấn đề.
Bà nói: “Gói viện trợ kiểu này không giải quyết được vấn đề cơ bản. Lầu Năm Góc cần có kế hoạch mua bổ sung vũ khí theo từng năm”.
Khi các gói viện trợ quân sự từ Mỹ thời gian gần đây bị trục trặc, Ukraine đã bị Nga tấn công với tỷ số 10-1 trên nhiều phần của chiến tuyến. Trong suốt cuộc chiến, các đồng minh phương Tây của Ukraine đã phải vật lộn để tìm cách cung cấp đủ đạn dược cho Kiev.
Một vấn đề với các hệ thống phòng không của Mỹ là phải dùng các tên lửa có giá hàng triệu USD để bắn hạ những UAV/drone chỉ có giá vài ngàn USD.
Bà Pettyjohn nói: “Bắn tên lửa đắt tiền vào UAV và các tên lửa rẻ tiền không phải là chiến lược bền vững hoặc chiến lược giúp Mỹ chiếm ưu thế trong những cuộc chiến đòi hỏi sự bền bỉ này”. Bà cũng cho rằng một trong những bài học cốt lõi đối với quân đội Mỹ là số lượng cũng quan trọng như chất lượng.
“Mỹ lẽ ra phải biết rằng số lượng cũng quan trọng không kém độ chính xác. Quân đội Mỹ cần nhiều đạn pháo, tên lửa và drone hơn mức hiện có và một hệ thống cơ sở công nghiệp có thể mở rộng quy mô sản xuất các hệ thống quan trọng này”, chuyên gia Pettyjohn nói.
Quân đội Mỹ thiếu vũ khí hiện đại
Theo một số nhà nghiên cứu quân sự, Mỹ tuy có vũ khí hiện đại, tinh vi, nhưng số lượng chưa đủ nhiều và quy mô quân đội không đủ lớn để “bảo vệ các lợi ích mà Mỹ muốn”.
Dakota L. Wood, từng phục vụ hai thập kỷ trong Thủy quân lục chiến Mỹ, nghiên cứu viên cấp cao của Tổ chức nghiên cứu Heritage Foundation (Washington D.C) cho rằng hiện tại, quân đội Mỹ có quy mô chưa bằng một nửa quy mô cần có. Hơn nữa, hầu hết các vũ khí, khí tài (máy bay, tàu chiến, xe tăng…) đều có tuổi đời từ 30 đến 40 năm, binh lính chỉ được đào tạo một phần nhỏ những gì họ cần có để có thể trở nên thiện chiến.
Mỹ phải sở hữu sức mạnh quân sự tương xứng với thực tế của thế giới hiện tại chứ không phải trong thời Chiến tranh Lạnh.
“Tuy nhiên, các nhà lãnh đạo cấp cao ở Lầu Năm Góc, người phát ngôn của Nhà Trắng và thậm chí cả các thành viên quốc hội vẫn tiếp tục nói rằng chúng ta có quân đội tốt nhất trên thế giới”, ông Wood nhận định.
Theo vị chuyên gia, trước khi Liên Xô sụp đổ vào đầu những năm 1990, Mỹ vẫn duy trì lực lượng có thể cạnh tranh với Liên Xô ở nhiều khu vực cùng lúc, chủ yếu ở châu Âu (trên bộ và trên không) và khắp các vùng biển nơi sức mạnh hải quân là rất cần thiết. Khi đó, Washington chỉ phải tập trung vào Liên Xô. Bất kể hành động quân sự diễn ra ở đâu, các tín hiệu đều vọng tới Moskva.
Ngày nay, Mỹ phải tính đếm nhiều đối thủ hơn, từ Moskva, Bắc Kinh, Tehran đến Bình Nhưỡng và một loạt các cường quốc quân sự nhỏ hơn, bên cạnh các nhóm vũ trang thách thức lợi ích của Mỹ. Họ có những mục tiêu khác nhau và sở hữu những nền văn hóa, giá trị và mạng lưới khác nhau.
Mỹ hành động ở Trung Đông để ngăn chặn Iran, không có nghĩa là Trung Quốc thay đổi các hoạt động đối với Đài Loan hay yêu sách lãnh thổ ở Biển Đông hoặc Nga dừng nỗ lực chia rẽ NATO. Các đối thủ đặt ra những mối đe dọa khác nhau cho Mỹ theo những cách khác nhau.
Ông Wood cho rằng để cạnh tranh trên trường toàn cầu với vô số đối thủ hợp tác chống lại Mỹ, ít nhất là về mặt cơ hội, Mỹ phải sở hữu sức mạnh quân sự tương xứng với thực tế của thế giới hiện tại, không phải là sức mạnh được tưởng tượng trong nhiều năm tới hoặc những ánh hào quang trong quá khứ.
Cuối những năm 1980, hải quân Mỹ sở hữu gần 600 tàu quân sự và vận hành khoảng 100 chiếc trên biển mỗi ngày. Ngày nay, họ có 292 chiếc nhưng vẫn duy trì số lượng được triển khai như cũ, do đó cả tàu và thủy thủ đoàn phải làm việc nhiều gấp đôi.
Năm 1989, lục quân Mỹ có 770.000 binh sĩ thường trực. Ngày nay, họ còn 452.000, giảm 33.000 chỉ riêng năm 2023. Đến cuối năm nay sẽ tiếp tục giảm xuống còn 445.000. Kể từ năm 2011, lục quân Mỹ giảm 121.000 quân (22%). Đây là quân số thấp nhất kể từ những năm 1930. Hầu hết vũ khí chính của quân Mỹ được mua sắm trong những năm 1980.
https://vtcnews.vn/nhung-diem-yeu-cua-doi-quan-manh-nhat-hanh-tinh-ar872172.html