Theo chuyên gia y tế, sơ cấp cứu nạn nhân TNGT cần thực hiện đúng kỹ thuật để tránh những hệ lụy đáng tiếc dẫn đến chấn thương tăng nặng, thậm chí gây tử vong.
- Sơ cứu nạn nhân bị sét đánh thế nào?
- Chàng trai bị ong đốt thoát chết nhờ được sơ cứu kịp thời
- Sơ cứu co giật, chuyên gia lý giải tại sao không nên đưa ngón tay vào miệng trẻ
- Bác sĩ "mách nước" cách sơ cứu khi bị rắn độc cắn
Tổ chức Y tế thế giới (WHO) khuyến cáo yếu tố quan trọng nhất là cấp cứu cho người bị thương càng sớm càng tốt. Hầu hết tử vong xảy ra trong những giờ đầu tiên sau tai nạn do hệ thống hô hấp bị ảnh hưởng, đường thở bị tắc hoặc do bị mất nhiều máu, trong khi tất cả những vấn đề này đều có thể xử trí được nhờ sơ, cấp cứu.
Nếu được sơ cấp cứu kịp thời, nạn nhân TNGT có thể giảm đáng kể tỷ lệ tử vong cũng như những biến chứng, chấn thương. Tuy nhiên, sơ cấp cứu cần đúng kỹ thuật để tránh những hệ lụy đáng tiếc có thể khiến chấn thương tăng nặng, thậm chí gây tử vong cho nạn nhân.
Một nạn nhân TNGT đang được sơ cấp cứu.
Các chuyên gia y tế lưu ý trong số 95% các ca TNGT ở Việt Nam, người dân thường đỡ nạn nhân ngồi dậy hoặc thậm chí đưa nạn nhân vào lề đường và nghĩ như vậy là giúp đỡ nạn nhân. Nhưng thực tế hành động này tiềm ẩn rất nhiều nguy hiểm cho người bị nạn.
Trong hầu hết trường hợp, việc đầu tiên khi cần sơ cứu là cần phải kiểm soát được đường hô hấp cho bệnh nhân, làm đường thở được lưu thông. Nếu đường thở bị tắc nghẽn do đất, cát, răng giả, đờm dãi... thì phải dùng tay móc ra. Tránh tập trung quá đông người vì sẽ làm cho bệnh nhân càng khó thở hơn.
Với người bị thương nhẹ: có biểu hiện tỉnh táo, không chảy máu, không có vết thương hở và tự đứng dậy được thì cần phải nằm nghỉ ngơi, sau đó đến cơ sở y tế kiểm tra.
Nếu bệnh nhân bị chảy máu, phải cầm máu tại chỗ bằng cách dùng tay hay khăn hoặc một cục bông ấn chặt vào vết thương. Động tác này rất đơn giản nhưng cầm máu hiệu quả.
Nạn nhân tổn thương mạnh ở xương như gãy xương, tay, chân, cổ, lưng... thì phải cố định chỗ gãy. Gãy chi trên thì nên lấy khăn làm máng treo tay, nếu là chi dưới thì phải nẹp rồi mới đưa đi bệnh viện. Trong quá trình di chuyển tránh gây chuyển động mạnh.
Với người bị thương nặng, nếu trong tình trạng hôn mê thì nên tiến hành sơ cứu theo lần lượt 3 bước: khai thông đường thở, phải làm bệnh nhân thở được bằng nhiều biện pháp như hà hơi, hồi sức, hô hấp nhân tạo; kiểm tra nhịp tim, xoa bóp tim và lồng ngực nếu cần thiết rồi chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất.
Khi sơ cứu nạn nhân bị TNGT lưu ý không bế xốc hay bế gập nạn nhân lại mà cần hai đến ba người nâng nạn nhân lên ván cứng, đưa đến chỗ an toàn, gọi xe cứu thương hoặc chuyển ngay đến bệnh viện gần nhất.
Cần lưu ý không được lấy, bỏ bất cứ một dị vật nào ở da đầu và xương sọ. Nếu bị vật nhọn đâm vào cơ thể, nhất là ngực, bụng, tuyệt đối không được rút ra, vì các vật đó có tác dụng bịt mạch máu.
Không dùng tay nâng đầu lên cao làm gập cổ người bị nạn, có thể gây tổn thương cột sống cổ. Đồng thời, không di chuyển người bị nạn khỏi hiện trường khi chưa cố định các chi bị gãy hoặc đưa nạn nhân lên ván cứng. Không di chuyển người bị nạn bằng xe đạp hoặc xe gắn máy vì có nhiều trường hợp bị gãy cột sống cổ, tử vong trước khi vào viện vì liệt hô hấp.
Tùy từng điều kiện, hoàn cảnh, nếu không thể gọi cấp cứu 115, cần chở nạn nhân bằng ô tô hoặc các phương tiện bảo đảm khác như công nông, xe lam... tới bệnh viện hoặc các trung tâm y tế gần nhất.