Đây là gợi ý của trang CNBC Make It dành cho các bạn trẻ có ý định xin tăng lương.

nhung dieu nen lam truoc khi doi sep tang luong

- Ảnh: Shutterstock

Khảo sát do hãng SoFi thực hiện trên 1.138 người Mỹ cho thấy hơn nửa số người được hỏi muốn được tăng lương, nhưng chỉ 33% trong số họ có kế hoạch yêu cầu được tăng lương một cách rõ ràng. Phó chủ tịch Libby Leffler của SoFi cho rằng bạn khó lòng nhận được thứ bạn nghĩ là mình xứng đáng nếu không thực sự lên tiếng. Dưới đây là 6 điều bạn nên làm trước khi ngồi xuống bàn về chuyện lương bổng với sếp.

Biết mục tiêu của bạn và hiểu người sẽ nghe bạn nói

Trước khi bắt đầu đề xuất tăng lương, hãy nghĩ kỹ về những gì bạn hy vọng đạt được. Cụ thể, mức tăng lương bạn muốn là bao nhiêu? Kết quả tối thiểu từ cuộc trò chuyện mà bạn mong đợi là như thế nào? Đâu là yếu tố quan trọng với bạn trong nghề nghiệp, công việc?

Xem xét và nhìn sự việc từ quan điểm của doanh nghiệp cũng là ý hay để điều chỉnh trước đề xuất lên lương của bạn. Bạn cũng nên cho sếp biết rằng mình là nhân viên chăm chỉ, làm việc tốt chứ không chỉ là người quan tâm đến tiền.

Chuẩn bị, nghiên cứu kỹ

nhung dieu nen lam truoc khi doi sep tang luong

tin liên quan

3 bước đàm phán để được tăng lương Hãy trở thành chuyên gia về mức lương thưởng trung bình với vị trí làm việc của bạn trong công ty hoặc trên thị trường. Tự đánh giá bản thân mình đang ở đâu trên nấc thang lương bổng. Hãy đảm bảo rằng bạn có đủ dữ liệu cho bất cứ đề xuất nào của mình.

Thêm vào đó, đừng chỉ nhìn vào số tiền thực lãnh. Điều quan trọng cần nhớ là bạn đang xem xét toàn bộ gói lương thưởng, gồm quyền lợi, thời gian nghỉ mát, khả năng làm việc linh động... Bạn có thể thương lượng chỉ một vài phần trong gói lương thưởng cá nhân.

Thu thập thêm bằng chứng

“Bạn cần nói rõ và chắc chắn về lý do vì sao mình nên được tăng lương. Chuẩn bị là một phần quan trọng của bước này”, ông Leffler nói. Điều này bao gồm việc đưa ra bằng chứng rõ ràng rằng bạn đã làm việc tuyệt vời, đem đến thành công cho đội ngũ và doanh nghiệp. Hãy lưu giữ hồ sơ thành tích của bạn, photocopy các email hay các ghi chú chúc mừng từ đồng nghiệp, khách hàng và sếp.

Thực tập trước

Hãy chắc chắn rằng bạn có bài giới thiệu tốt về bản thân mình với sếp trước khi bước vào phòng đàm phán lương, đặc biệt là nếu bạn khá lo lắng. Ông Leffler gợi ý xây dựng một ban giám đốc mini cho chính bạn, gồm những người bạn có thể tin tưởng rằng sẽ phản hồi trung thực và cổ vũ cho bạn, để thực tập đàm phán lương.

Chọn đúng thời điểm

Thời điểm đòi tăng lương không phải là 1-2 tuần đầu làm việc. Hãy bảo đảm rằng bạn đã cống hiến được một thời gian, và đề xuất tăng lương của mình là phù hợp. Ngoài ra nếu doanh nghiệp đang trong giai đoạn cắt giảm chi tiêu, ngân sách hay gặp khó về tài chính, đó không phải lúc thích hợp để yêu cầu lên lương. Bạn cần chuẩn bị tinh thần rằng mình sẽ bị từ chối nếu đòi lên lương những lúc này.

Thời điểm thích hợp để yêu cầu lên lương là lúc bạn được đánh giá hiệu suất làm việc, hay sau khi bạn có đóng góp quan trọng cho doanh nghiệp, đội ngũ như hoàn tất dự án lớn.

Hiểu rằng mình có thể bị từ chối

Có khả năng bạn sẽ nhận được câu trả lời là “không” khi vừa yêu cầu được tăng lương. Vì thế, hãy kiểm soát kỳ vọng của riêng mình, lắng nghe lý do từ người quản lý. Đây có thể là những thông tin bổ ích cho tương lai nghề nghiệp của bạn.

Nếu thực sự nhận câu trả lời là “không”, hãy biến nó thành cơ hội để hỏi về kỳ vọng của sếp với bạn trong tương lai, và chuẩn bị kế hoạch để được thăng chức hoặc tăng lương trong chu kỳ nghề nghiệp kế tiếp. Đừng ngại hỏi chỉ vì sợ bị từ chối, vì sự chăm chỉ của bạn xứng đáng được nhận phần thưởng.