Trong nhiều ngôi làng ở miền đông Indonesia, hầu hết các bà mẹ đều ra nước ngoài làm việc kiếm tiền nuôi gia đình. - VnExpress Đời sống

Ely Susiawati, 18 tuổi, ở làng Wanasaba, phía đông Lombo, sống cùng bà ngoại từ khi mới lên 11 tuổi. Khi đó, cha mẹ cô vừa mới chia tay. Để có tiền trang trải cuộc sống, mẹ Ely, cô Martia đã quyết định sang Ả-rập xê-út làm người giúp việc.

Ely chia sẻ cô đã rất đau khổ khi mẹ ra đi. Nỗi đau ấy giờ vẫn còn in trong lòng: "Khi nhìn thấy bạn bè đi cùng cha mẹ đến trường, tôi thấy mắt cay cay. Tôi mong mẹ sớm về nhà, chăm sóc anh chị em tôi. Tôi không muốn mẹ phải đi xa".

Ở ngôi làng của Ely, nhiều bà mẹ trẻ chấp nhận ra nước ngoài làm việc để có thể mang đến cho con cái mình cuộc sống tốt hơn. Hầu hết những người đàn ông ở đây làm nông dân hoặc lao động chân tay, họ chỉ kiếm được một phần nhỏ so với những gì phụ nữ làm giúp việc hoặc bảo mẫu ở nước ngoài.

nhung dua tre indonesia trong ngoi lang khong co me

Ely cho biết vẫn liên lạc với mẹ mỗi ngày qua điện thoại. Ảnh: BBC.

Khi các bà mẹ đi nước ngoài, những người chồng, người bà hoặc họ hàng sẽ chăm sóc những đứa trẻ. Mọi người ở đây trông chừng con cái của nhau.

Mẹ của Karimatul Adactus đã rời đi khi cô bé chỉ mới một tuổi, vì thế Karimatul không có một chút ký ức nào về mẹ mình. Mãi đến khi cô bé học gần xong tiểu học, mẹ em mới có cơ hội trở về nhà gặp mặt con. Tuy nhiên, lúc này, Karimatul đã coi dì mình, người phụ nữ đã nuôi nấng cô từ bé, là mẹ.

"Cháu rất bối rối. Cháu nhớ là mẹ đã khóc rất nhiều. Mẹ hỏi dì rằng 'tại sao con gái chị lại không biết nó là con chị?", Karimatul kể lại.

Dì của Karimatul đã trả lời rằng do không bức ảnh nào của mẹ, và tất cả những gì mà Karimatul biết về mẹ ruột chỉ là tên và nơi cô đang sống, vì vậy điều này không có gì lạ.

Bây giờ, khi đã 13 tuổi, Karimatul gọi điện cho mẹ mỗi tối và cả hai thường xuyên nhắn tin cho nhau. Thế nhưng đây vẫn là một mối quan hệ khó khăn. Cô bé chia sẻ rằng: "Ngay cả khi mẹ về nhà bây giờ, cháu vẫn muốn ở với dì".

Dì của Karimatul, cô Baiq Nurjannah, cũng đã nuôi dạy chín đứa trẻ khác, chỉ một trong số đó là con của cô. 8 đứa còn lại là con các anh chị đã ra nước ngoài làm việc. "Tôi không phân biệt đối xử với đứa nào. Chúng giống như là anh em ruột thịt và nếu chúng không khỏe hoặc cần bất cứ điều gì, tôi sẽ luôn ở đấy vì chúng", cô Baiq nói.

nhung dua tre indonesia trong ngoi lang khong co me

Karimatul và người dì mà em coi như mẹ ruột. Ảnh: BBC.

Phụ nữ ở Indonesia bắt đầu xuất khẩu lao động từ những năm 1980. Hiện vẫn không có sự bảo vệ về pháp lý nào nên họ rất dễ bị lạm dụng. Có những câu chuyện về những người trở về quê hương bằng quan tài. Những người khác thì bị chủ nhân đánh đập nặng nề đến nỗi bị thương nặng. Một số thì bị đuổi về mà không có đồng lương nào.

Và đôi khi, những bà mẹ này trở về nhà cũng mang thêm những đứa con, chúng là kết quả của những mối quan hệ gượng ép hoặc đồng thuận. Chúng được gọi là anak oleh oleh - những đứa trẻ lưu niệm. Đó là những đứa con lai và khá nổi bật trong các ngôi làng.

Fatimah là một trong số ấy. Cô đã 18 tuổi và nói rằng, đôi khi cô thích sự chú ý đó. "Mọi người thường nhìn tôi với ánh mắt tò mò. Tôi trông khá khác biệt. Một số người nói rằng trông tôi thật xinh đẹp vì có dòng máu Ả Rập. Và điều đó làm tôi hạnh phúc", cô nói. Thế nhưng hầu hết những đứa con lai thường bị kỳ thị và bị trêu ở trường học.

Fatimah chưa bao giờ nhìn thấy mặt người cha người Ả-rập xê-út của mình nhưng ông luôn gửi tiền cho mẹ cô và cho phép mẹ cô về nhà với cô. Cách đây không lâu, cha của Fatimah đã qua đời. Từ đó cuộc sống của hai mẹ con trở nên khó khăn hơn. Cuối cùng, mẹ của Fatimah lại quyết định quay lại Ả-rập xê-út để làm việc.

"Điều khiến mẹ tôi quyết định rời đi là vì em trai tôi luôn nói rằng 'khi nào chúng ta có thể mua được một chiếc xe máy?'. Và khi thấy mọi người sử dụng điện thoại di động, em trai tôi lại hỏi 'Khi nào thì chúng ta có một chiếc như vậy?'. Nếu mẹ tôi không đi làm việc, chúng tôi sẽ không có đủ tiền để sinh sống", Fatimah vừa lau nước mắt vừa nói.

Khi tiếng cầu nguyện vang lên khắp làng, trẻ em vội vã chạy đến một ngôi nhà cổ rộng rãi, để lại những đôi dép đầy màu sắc trên bậc thang. Những đứa trẻ này, có thể một hoặc cả hai cha mẹ đều làm việc ở nước ngoài, có mặt ở đây để tham gia vào một câu lạc bộ sau giờ học, được một người phụ nữ địa phương và một nhóm người di cư điều hành.

"Lớn lên được chăm sóc bởi người thân rất khác so với có mẹ ở bên cạnh. Đó là một kiểu tình yêu khác, và trẻ em thường có xu hướng rút lui hoặc mất tự tin. Chúng tôi hỗ trợ những đứa trẻ làm bài tập về nhà. Những đứa trẻ này thực sự muốn học và chúng tôi gọi đây là lớp học thông minh", cô Suprihati, chủ nhân ngôi nhà, nói.

nhung dua tre indonesia trong ngoi lang khong co me

Cô Suprihati, người từng làm việc ở nước ngoài, muốn mở lớp học cho các trẻ em có bố mẹ đi làm xa. Ảnh: BBC.

Yuli Afriana Safitri đến lớp học muộn, cô gái này có 5 anh chị em và vừa mới nấu bữa tối cho họ. Bà của cô, người đã chăm sóc cô vừa mới qua đời, vì vậy cô phải thay bà nấu ăn. Mẹ Yuli đã rời đi khi em gái út của cô chưa đầy một tuổi. Một thời gian sau gia đình có nhận được một khoản tiền, nhưng sau đó mọi liên lạc đều bị cắt hẳn.

Không giống như những đứa trẻ khác, Yuli Afriana Safitri dường như không phải chịu đựng nỗi đau của sự chia ly. Cô gái chia sẻ: "Tôi thực sự cảm thấy ghét khi mọi người tỏ ra thương tiếc cho chúng tôi. Tôi thực sự không thích nghe những lời như 'Ôi thật tội nghiệp vì bạn không có mẹ ở bên'. Tôi ở đây và tôi đang chăm sóc những đứa em của mình. Chúng tôi không cảm thấy mình đang bỏ lỡ điều gì cả.

Yuli nói thêm rằng các anh chị em không nhớ mẹ chút nào và không bao giờ khóc vì mẹ, thay vào đó luôn hướng về bố: "Ông ấy thường xuyên nấu ăn và rửa chén. Nếu ông ấy bận hay mệt, chúng tôi sẽ làm việc nhà cùng nhau". Yuli cũng tự hào khoe ở trường cô luôn đứng đầu lớp và muốn gia nhập hải quân Indonesia.

Hơn hai phần ba số lao động ra nước ngoài của Indonesia là phụ nữ và số tiền họ gửi về nhà có thể giúp con cái có một tương lai sáng sủa hơn.

Ely Susiawati đã không gặp mẹ trong 9 năm, nhưng số tiền lương của mẹ đã giúp cô trở thành người đầu tiên trong gia đình được đi học đại học.

"Nếu mẹ tôi không đi xuất khẩu lao động, tôi sẽ không thể đi học. Tôi luôn tự hào về mẹ tôi, bà ấy là một người phụ nữ tuyệt vời. Không có người phụ nữ nào mạnh mẽ hơn mẹ tôi. Chúng tôi không gặp nhau thường xuyên nhưng vẫn liên lạc với nhau hàng ngày. Mẹ tôi biết mọi thứ đang xảy ra trong cuộc sống của tôi", Ely nói.

Martia, mẹ của Ely nói chia sẻ mọi thứ đều khá ổn. Gia đình cô đang làm việc ở Ả-rập xê-út rất tử tế, họ trả cô một mức lương tốt và đúng hạn. Martia nói rằng: "Tôi rất nhớ Ely, nhưng thực tế khiến chúng tôi phải xa cách. Tôi vô cùng tự hào về con bé, con bé đã học tập rất chăm chỉ".

Martia nói rằng cô sẽ về nhà khi Ely học xong đại học.

Mộc Miên (Theo BBC)

nhung dua tre indonesia trong ngoi lang khong co me Bi kịch những đứa trẻ trong bức ảnh "mẹ bán con": Những cuộc đời địa ngục

Bức ảnh "mẹ bán con" một thời gây xôn xao dư luận tiểu bang Chicago, Mỹ. Nhưng đó chưa phải là tất cả bi kịch, ...

nhung dua tre indonesia trong ngoi lang khong co me 3 đứa trẻ đến nhà bố chơi và sự biến mất bí ẩn gần 1 thập kỷ

Tính đến dịp lễ Tạ Ơn năm nay, 3 anh em nhà Skelton đã mất tích được 8 năm. Người duy nhất biết được sự ...