Hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền... là những ưu tiên công tác của Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Ngày 2/4/2016, với 452 phiếu tán thành, chiếm 91% trong tổng số đại biểu có mặt, Bộ trưởng Công an Trần Đại Quang được Quốc hội khoá 13 bầu làm Chủ tịch nước.
Ba tháng sau, sáng 25/7/2016, Quốc hội khoá 14 tiến hành công tác nhân sự nhiệm kỳ mới và đã bầu ông Trần Đại Quang tiếp tục giữ chức Chủ tịch nước.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tuyên thệ nhậm chức. Ảnh: Giang Huy
“Cứ gọi giản dị là Chủ tịch nước thôi”
Trong hai lần tuyên thệ nhậm chức với một tay đặt lên cuốn Hiến pháp màu đỏ, tay còn lại giơ cao, phía sau là các chiến sĩ tiêu binh với cờ Tổ quốc, Chủ tịch nước Trần Đại Quang đều nhấn mạnh: “Tuyệt đối trung thành với Tổ quốc, với nhân dân, với Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng, Nhà nước và nhân dân giao phó".
Trong lần trả lời báo chí sau khi tuyên thệ vào tháng 4/2016, được các phóng viên gọi là"nguyên thủ quốc gia", Chủ tịch nước Trần Đại Quang đã đề nghị nhà báo "cứ gọi giản dị là Chủ tịch nước thôi".
Ông cho biết sẽ tập trung vào năm nhóm công việc trọng tâm. Đầu tiên là phối hợp chặt chẽ cùng các cơ quan khác trong thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trên lĩnh vực lập pháp, hành pháp; tích cực tham gia xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật...
"Chỉ đạo xây dựng lực lượng vũ trang nhân dân cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại, đáp ứng yêu cầu bảo vệ vững chắc độc lập, chủ quyền, thống nhất toàn vẹn lãnh thổ, lãnh hải thiêng liêng của Tổ quốc, giữ vững ổn định chính trị, tạo môi trường hòa bình để phát triển đất nước", ông nói.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh sẽ chú trọng cải cách tư pháp, bảo vệ Hiến pháp, pháp luật, quyền con người, quyền công dân...
Nhân dịp năm mới 2017 và đón Tết cổ truyền Đinh Dậu, trong thư chúc Tết, ông kêu gọi "mỗi người Việt Nam chúng ta hãy phát huy cao độ tinh thần yêu nước, truyền thống con Rồng, cháu Tiên, ý chí tự lực, tự cường, đoàn kết, sáng tạo"... để mở ra thời kỳ phát triển mới.
“Chính quyền phải biết lắng nghe dân”
Sau khi xảy ra vụ việc ở xã Đồng Tâm, Hà Nội, ngày 26/4/2017, tiếp xúc cử tri các quận trung tâm TP HCM, Chủ tịch nước Trần Đại Quang nói rằng, tình trạng khiếu kiện, tranh chấp đất đai tương tự như người dân Đồng Tâm xảy ra ở nhiều tỉnh, thành.
"Chúng tôi đã chỉ đạo TP Hà Nội rút kinh nghiệm toàn diện sau vụ Đồng Tâm; từ nguyên nhân, quá trình xử lý và bài học rút ra", ông cho biết.
Theo người đứng đầu Nhà nước, chính quyền phải biết lắng nghe ý kiến của nhân dân, đồng thời giải thích cho mọi người hiểu chủ trương, chính sách, quyết định của mình để có sự đồng thuận.
"Nói tóm lại là giữ nghiêm kỷ cương phép nước nhưng phải mở rộng dân chủ, lắng nghe dân, tìm hiểu ngọn nguồn sự việc. Tạo được sự đồng thuận trong dân thì chắc chắn vụ việc này đã không xảy ra", Chủ tịch nước nói nhưng cũng bày tỏ không đồng tình hành vi gây áp lực bằng cách giữ cán bộ "vì như thế là không hay".
Chủ tịch nước Trần Đại Quang thả chim phóng sinh khi dự Đại lễ Phật Đản tại chùa Quán Sứ (Hà Nội), sáng 21/5 (15/4 âm lịch). Ảnh: Ngọc Thành
“Coi trọng thu hồi tài sản tham nhũng”
Quyết tâm chống tham nhũng được Chủ tịch nước Trần Đại Quang nhấn mạnh ở nhiều cuộc họp cũng như trong các lần tiếp xúc cử tri.
Ngày 26/4/2017, tại cuộc tiếp xúc cử tri huyện Cần Giờ, TP HCM, người đứng đầu nhà nước nói rằng Đảng xác định tham nhũng là một trong những nguy cơ đe dọa tồn vong của chế độ. Cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng cam go, quyết liệt nên "đòi hỏi tất cả mọi người cùng tham gia".
Tháng 10/2017, nói với cử tri TP HCM, ông Quang cho hay điểm yếu trong phòng, chống tham nhũng thời gian qua là thu hồi tài sản tham nhũng.
"Có những vụ tài sản tham nhũng rất lớn nhưng chủ yếu mới trừng trị, xử lý chứ chưa thu hồi được tài sản. Tôi cho là thành công của chúng ta mới được một nửa", ông nói và khẳng định không có vùng cấm trong xử lý vi phạm.
“Tinh thần đoàn kết đưa dân tộc ta vượt lên mọi thử thách”
Quốc khánh 2/9/2016, Chủ tịch nước Trần Đại Quang có bài viết đề cao sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam trước yêu cầu mới.
Ông nhấn mạnh, qua hàng nghìn năm dựng nước, tinh thần đoàn kết, trọng nhân nghĩa, khoan dung, đùm bọc yêu thương nhau đã thấm sâu vào tư tưởng, tình cảm, tâm hồn mỗi người con đất Việt, trở thành lẽ sống, chất kết dính gắn bó các thành viên trong đại gia đình các dân tộc Việt Nam. Tinh thần đoàn kết đưa dân tộc ta vượt lên mọi khó khăn, thử thách.
Ông đề nghị từng cán bộ, đảng viên phải giải quyết hài hòa quan hệ lợi ích giữa các thành viên trong xã hội.
Những cá nhân coi thường và làm tổn hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của người dân sẽ được xử lý nghiêm minh.
Sáng 15/9, một tuần trước khi qua đời, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì phiên họp thứ 6 Ban chỉ đạo Cải cách tư pháp Trung ương. Trong đó, ông đánh giá cao kết quả nghiên cứu, đề xuất của Toà án nhân dân Tối cao về Đề án “Đổi mới, tăng cường công tác hòa giải, đối thoại trong quá trình giải quyết các vụ án dân sự, hành chính”.
Tiếp đón Tổng thống Obama
Trên lĩnh vực đối ngoại, Chủ tịch nước Trần Đại Quang để lại nhiều dấu ấn ở các sự kiện quan trọng của đất nước và quốc tế.
Ngày 23/5/2016, ông tiếp đón và hội đàm với Tổng thống Obama nhân dịp Tổng thống Mỹ sang thăm Việt Nam.
Tại cuộc họp báo sau đó, Chủ tịch nước Trần Đại Quang bày tỏ: "Chúng tôi tin rằng quan hệ Việt - Mỹ phát triển thịnh vượng không chỉ mang lại lợi ích cho từng nước mà còn có lợi cho hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở châu Á - Thái Bình Dương, thế giới và quan hệ ASEAN - Mỹ".
“Sức sống nền kinh tế APEC như cây tre Việt Nam”
Tháng 11/2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì đón và chiêu đãi lãnh đạo các nền kinh tế lớn trên thế giới trong tuần lễ Cấp cao APEC diễn ra tại Đà Nẵng.
Phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp, ông chia sẻ kỳ vọng APEC có thể vươn cao và đi xa hơn nữa, đem lại sự phồn vinh lớn hơn cho người dân trong khu vực, khẳng định thế kỷ 21 là Thế kỷ châu Á - Thái Bình Dương.
Tại tiệc chiêu đãi lãnh đạo các nền kinh tế APEC, Chủ tịch nước nhắc đến câu ca dao Việt Nam “Anh em bốn bể là nhà” để nhấn mạnh châu Á – Thái Bình thương đã hợp tác trở thành cái nôi của những câu chuyện thần kỳ về kinh tế.
"Sức sống mãnh liệt và sự tự cường của nền kinh tế khu vực giống như cây tre Việt Nam luôn dẻo dai, vững vàng trước mọi phong ba bão táp", Chủ tịch nước nhấn mạnh.
Họp báo bế mạc APEC 2017, Chủ tịch nước Trần Đại Quang khẳng định sự kiện thành công tốt đẹp và đây là thành tích đối ngoại nổi bật của Việt Nam. Thành công này đánh dấu một mốc son mới trong tiến trình hội nhập quốc tế và triển khai đối ngoại đa phương, góp phần củng cố xu hướng hòa bình, hợp tác, phát triển và nâng cao uy tín, vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Tiếp đón Tổng thống Donald Trump và Tổng bí thư, Chủ tịch Tập Cận Bình
Những ngày sau đó, tại Hà Nội, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp đón nguyên thủ hai cường quốc thế giới.
Ngày 12/11, ông hội đàm với Tổng thống Mỹ Donald Trump. Lãnh đạo nhà nước Việt Nam cho biết hai bên đã đạt nhiều thỏa thuận về kinh tế và thương mại.
Việt - Mỹ thống nhất chủ trương giải quyết mâu thuẫn tranh chấp ở Biển Đông thông qua đàm phán hòa bình, bằng các biện pháp ngoại giao và pháp lý, trên cơ sở tôn trọng luật pháp quốc tế.
Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Ảnh: Giang Huy
Ngày hôm sau, Chủ tịch nước Trần Đại Quang tiếp và hội đàm với Tổng bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Tại hội đàm, ông đề nghị hai bên tuân thủ các thỏa thuận và nhận thức chung giữa hai nước, tích cực thúc đẩy đàm phán trên biển có tiến triển thực chất. Hai bên cần kiềm chế, không có hành động làm phức tạp tình hình, mở rộng tranh chấp, gìn giữ hòa bình, ổn định trên biển.
Việt Nam hoan nghênh những tiến triển tích cực giữa ASEAN và Trung Quốc trong đàm phán và thông qua khung Bộ Quy tắc ứng xử tại Biển Đông (COC)...
Công du Ấn Độ, Nhật Bản
Tháng 3/2018, Chủ tịch nước Trần Đại Quang sang thăm Ấn Độ và được chào mừng trọng thể bằng nghi thức bắn 21 phát đại bác
Chỉ tịch nước Trần Đại Quang và Tổng thống Ram Nath Kovind nhất trí thúc đẩy hợp tác giữa hai quốc gia trên nhiều lĩnh vực khác nhau, từ chính trị, quốc phòng - an ninh, kinh tế - thương mại, khoa học - công nghệ cho đến giáo dục, cũng như khai thác tiềm năng, cơ hội hợp tác về năng lượng, kết cấu hạ tầng, công nghệ thông tin, nông nghiệp...
Cuối tháng 5/2018, ông công du Nhật Bản với lễ đón có nghi thức cấp cao nhất do Nhà vua Akihito và Hoàng hậu chủ trì.
Trong chuyến thăm, chủ tịch nước Trần Đại Quang và Thủ tướng Shinzo Abe nhất trí tăng cường hợp tác thực chất về an ninh quốc phòng, triển khai Tuyên bố tầm nhìn chung hợp tác quốc phòng hai nước, thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như an ninh mạng, trang thiết bị quốc phòng, quân y...
Một trong những hoạt động đối ngoại cuối cùng của Chủ tịch nước Trần Đại Quang là cuộc hội đàm với Tổng thống Indonesia Joko Widodo vào ngày 11/9 vừa qua tại Hà Nội.
Vào chiều 21/9 (giờ New York), Đại hội đồng Liên hợp quốc đã dành một phút mặc niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang.
Tuyên bố của người phát ngôn Liên hợp quốc Stephane Dujaric có đoạn viết "là một người bạn của Liên hợp quốc và là người đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy sự phát triển của Việt Nam, Chủ tịch Trần Đại Quang sẽ luôn được tưởng nhớ ở cả trong và ngoài nước".
Ông quê ở Ninh Bình, là giáo sư, tiến sĩ Luật học; Ủy viên Ban chấp hành Trung ương Đảng khóa X; Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII, đại biểu Quốc hội khoá XIII, XIV; được bầu làm Chủ tịch nước tháng 4/2016. Sau thời gian mắc bệnh hiểm nghèo, Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần ở tuổi 62 vào sáng 21/9 tại Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. |
Các nước chia buồn Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần (Chính trị Việt Nam) - Đại sứ quán nhiều nước đã gửi lời chia buồn tới nhân dân Việt Nam về việc Chủ tịch nước ... |
Tổng thống Trump: Chủ tịch nước Trần Đại Quang là người bạn tuyệt vời của Mỹ - Tôi rất buồn khi biết tin Chủ tịch nước Trần Đại Quang từ trần. Ông là một người bạn tuyệt vời của Hoa Kỳ, ... |
Đại hội đồng LHQ dành một phút mặc niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang Chiều 21-9 (giờ New York), Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc đã dành một phút mặc niệm Chủ tịch nước Trần Đại Quang. |