Hai chữ “mưu sinh” được nhiều kẻ sử dụng như kim bài miễn tử để chở những bó thép nhọn, những tấm tôn sắc lẹm có thể lấy mạng người trên phố.
- Ảnh: Xe ba bánh chở bó thép hơn 10m xuyên thủng đầu xe buýt trên phố Hà Nội
- Xử lý nghiêm vụ xe ba gác chở thép đâm "thủng đầu" xe buýt
Hai ngày trước, cư dân mạng kinh hoàng chia sẻ bức ảnh khiến bất cứ ai cũng rùng mình: Bó thép dài hơn 10 m không được che chắn trên chiếc xe ba bánh tự chế đâm thủng kính chắn gió và một phần đầu của xe buýt trên đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, Hà Nội. Rất may là không có thương vong.
Nhiều vụ tai nạn tương tự xảy ra trước đó lại chẳng có kết cục may mắn như vậy. Bao năm qua, không thể kể hết bao nhiêu lần xe ba gác, xe tự chế, xe máy cũ nát kềnh càng chở theo những tấm tôn sắc lẹm, những bó thép khổng lồ lao vào người đi đường dẫn đến hậu quả kinh hoàng.
Bó thép trên xe ba bánh đâm thủng kính xe buýt trên phố Hà Nội ngày 8/5.
Tháng 5/2020, một cháu bé 8 tuổi ở Phú Thọ đang đi xe đạp thì bị tấm tôn trên xe vận chuyển cứa vào vùng cổ, chảy nhiều máu. Các bác sĩ Bệnh viện đa khoa Hùng Vương, tỉnh Phú Thọ cho biết nếu vết thương chệch 1mm nữa thì động mạch cảnh sẽ bị đứt, nguy cơ tử vong rất cao.
Ngày đầu tháng 10 năm đó, một xe ba gác chở tôn cuốn và sắt thép va chạm với xe máy trên đường Trần Văn Chẩm (huyện Củ Chi, TP.HCM) khiến bé gái 13 tuổi trên xe máy chết tại chỗ, người cùng đi bị thương nặng.
Tháng 9/2016, một tai nạn thương tâm gây rúng động dư luận xảy ra trên phố Tân Mai, quận Hoàng Mai (Hà Nội). Cậu bé 9 tuổi đang đi xe đạp trên đường thì va vào tấm tôn trên một xe xích lô đang đỗ, bị tấm tôn cứa cổ. Cháu bé chết tại bệnh viện.
Ấy thế mà khi cư dân mạng giận dữ đòi tịch thu xe, phạt nặng những người sử dụng xích lô, xe ba gác, xe ba bánh, xe máy cũ nát chở hàng cồng kềnh, nguy hiểm, hoặc khi CSGT ra quân xử lý, luôn có những ý kiến bênh vực, nhân danh lòng trắc ẩn để bảo vệ họ, với lý do họ nghèo và phải vất vả mưu sinh.
Bản thân cảnh sát giao thông và các lực lượng chức năng làm nhiệm vụ trên đường dường như cũng “khoan dung” hơn với đối tượng này. Bằng chứng là báo chí đã chụp được không biết bao nhiêu tấm ảnh, quay bao nhiêu clip cho thấy các loại xe thô sơ, xe “thây ma” chở tấm tôn, chở thanh sắt nghễu nghện đi trên phố, ngang nhiên mà chẳng bị xét hỏi.
Có vẻ như hai chữ “mưu sinh” bị nhiều người sử dụng như kim bài miễn tử để hết lần này đến lần khác vi phạm luật, biến chiếc xe của mình thành chiếc máy chém di động đoạt mạng người trên phố.
Nhưng sao có thể viện vào mưu sinh để làm cái việc có nguy cơ hủy hoại sinh mệnh người khác? Đạo lý nào, luật pháp nào có thể bênh vực hành động ấy? Sống trên đời ai cũng phải mưu sinh, nhưng dù giàu hay nghèo cũng đều phải tuân thủ luật pháp, tôn trọng sức khỏe và mạng sống của người khác. Giàu hay nghèo cũng đều phải chịu trách nhiệm về những hành động của mình.
https://vtc.vn/nhung-ke-nguy-bien-muu-sinh-san-sang-lay-mang-nguoi-tren-pho-ar675718.html