Nhiều công dân Mỹ tranh thủ những ngày cuối cùng trước tháng 9 để đặt tour du lịch tới Tiều Tiên.
Du lịch Triều Tiên bình thản trước căng thẳng hạt nhân |
Triều Tiên mở cửa hút khách Nga, hứa hẹn \'an toàn hơn London\' |
Bộ Ngoại giao Mỹ thực hiện lệnh cấm công dân đi du lịch Triều Tiên từ 1/9. Lệnh cấm này được ban bố trong bối cảnh căng thẳng gia tăng giữa hai quốc gia.
Những người Mỹ cuối cùng rời Triều Tiên
Nicholas, đến từ Tulsa, bang Oklahoma, là một trong những khách du lịch Mỹ cuối cùng rời Triều Tiên trên chuyến bay của Air Koryo trước khi lệnh cấm du lịch của Mỹ có hiệu lực,Reuters đưa tin ngày 31/8.
Nicholas (đẩy hành lý) trả lời phỏng vấn tại sân bay Bắc Kinh. Ảnh: Thomas Peter.
"Tôi rất ngạc nhiên trước những người bản địa thân thiện", Nicholas phát biểu tại sân bay Bắc Kinh.
"Chuyến đi dễ chịu, họ đưa chúng tôi đi ngắm cảnh đẹp, dùng bữa trong nhà hàng, nhưng tỷ giá hối đoái không có lợi cho đồng won địa phương", người đàn ông 35 tuổi cho hay. Tour du lịch 5 ngày của Nicholas tốn 1.850 euro. Anh cùng đoàn khách đã thăm thủ đô Bình Nhưỡng và thành phố Kaesong, nằm gần biên giới với Hàn Quốc.
Cũng có mặt trên chuyến bay với Nicholas, Jamie Banfill là người dẫn tour tới Triều Tiên, nhưng lần này cô đến với tư cách du khách.
Jamie quyết định thực hiện chuyến đi để nói lời tạm biệt sau một thập kỷ thường xuyên lui tới Triều Tiên. Cô nhận định lệnh cấm du lịch của Mỹ là "chính sách thiển cận".
"Mọi chuyện diễn ra rất phức tạp trên bán đảo Triều Tiên và họ (chính phủ Mỹ) đã đơn giản hóa nó," Jamie nói.
Hồi tháng 7, Mỹ ban bố lệnh cấm công dân có hộ chiếu Mỹ tới Triều Tiên, bắt đầu từ ngày 1/9. Các nhà báo và nhân viên cứu trợ nhân đạo được phép đăng ký miễn trừ, như chính sách hạn chế công dân nước này đến Iraq và Libya trước đây.
Hiện chưa rõ có bao nhiêu công dân Mỹ đã tìm kiếm, cơ hội hoặc được miễn trừ lệnh cấm, và có bao nhiêu người vẫn ở Triều Tiên. Một viên chức của Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng không thể đưa ra con số công dân nước này còn ở Triều Tiên.
Người Mỹ vội vã đặt tour du lịch cuối cùng tới Triều Tiên trước 1/9. Video: CNN.
Áp lực gia tăng
Triều Tiên đang chịu sức ép quốc tế ngày càng lớn sau hàng loạt vụ thử hạt nhân và các vụ phóng tên lửa đạn đạo, trong đó có một tên lửa bay qua miền bắc Nhật Bản hôm 29/8.
Lệnh cấm công dân đến Triều Tiên được ban bố sau cái chết của sinh viên đại học người Mỹ, Otto Warmbier, người bị bỏ tù khi tham gia tour du lịch năm ngoái. Anh bị kết án 15 năm lao động khổ sai vì trộm một bảng hiệu tuyên truyền tại Triều Tiên. Warmbier bị bắt giữ khi rời sân bay ở Bình Nhưỡng.
Warmbier được đưa trở lại Mỹ trong tình trạng hôn mê vào hồi tháng 6 và qua đời sáu ngày sau đó. Những kết luận xung quanh cái chết của Warmbier chưa rõ ràng, gồm cả lý do anh rơi vào tình trạng hôn mê.
Warmbier trong phiên tòa tại Triều Tiên. Ảnh: Reuters.
Nicholas nói: "Tôi cứ nghĩ mình sẽ bị kiểm tra an ninh chặt chẽ khi tới Triều Tiên, nhưng mọi thứ không diễn ra như dự đoán".
Bộ Ngoại giao Mỹ tuyên bố công dân sẽ không được phép nhập cảnh, lưu trú hoặc quá cảnh tại Triều Tiên. Lệnh cấm được áp dụng trong một năm, nếu Bộ trưởng Ngoại giao Mỹ không có chính sách nới lỏng hoặc thu hồi.
Các phương tiện truyền thông của Triều Tiên mô tả lệnh cấm là một nỗ lực "dơ bẩn" của Mỹ để hạn chế công dân hai nước tiếp xúc với nhau.
Triều Tiên hiện giữ hai học giả người Mỹ gốc Hàn và một nhà truyền giáo Mỹ, cùng ba người Hàn Quốc làm công tác truyền giáo. Sắp tới, Triều Tiên sẽ thả một mục sư người Canada bị bắt từ năm 2015.
Joe Wilson, quan chức Mỹ, cho biết trong số 4.000 đến 5.000 du khách phương Tây đến Triều Tiên mỗi năm, có khoảng vài trăm là người Mỹ.
http://dulich.vnexpress.net/tin-tuc/quoc-te/nhung-khach-my-cuoi-cung-roi-trieu-tien-truoc-lenh-cam-du-lich-3635577.html