Ngày 19/5, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7) sẽ chính thức khai mạc tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản.
Đảm nhận vai trò Chủ tịch G7 2023, Thủ tướng Kishida Fumio cho biết, nước này sẽ tận dụng sự kiện như một cơ hội để tái khẳng định tình đoàn kết vững chắc của nhóm, đồng thời đưa ra được thông điệp mà các nhà lãnh đạo của G7 nên gửi đến thế giới.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc tổ chức hội nghị tại Hiroshima - nơi xảy ra vụ đánh bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới, còn mang tính biểu tượng rõ nét, trong bối cảnh tình hình quốc tế diễn biến vô cùng phức tạp và khó lường.
Hội nghị Thượng đỉnh G7 2023 sẽ chính thức diễn ra từ 19-22/5, tại thành phố Hiroshima, Nhật Bản. Trước thềm hội nghị, Thủ tướng Kishida Fumio đã truyền đi một thông điệp, khẳng định quyết tâm của G7 trong việc bác bỏ mọi nỗ lực đơn phương nhằm thay đổi hiện trạng bằng vũ lực hoặc đe dọa hoặc sử dụng vũ khí hạt nhân và duy trì trật tự quốc tế dựa trên pháp quyền.
Theo Thủ tướng Nhật Bản, cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với hàng loạt những thách thức như an ninh năng lượng, an ninh lương thực, an ninh kinh tế; các vấn đề khu vực bao gồm Ukraine, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương; vấn đề giải trừ và không phổ biến vũ khí hạt nhân cũng như các vấn đề toàn cầu như biến đổi khí hậu hay vấn đề y tế.
Do đó, ông Kishida Fumio nhấn mạnh: “Tôi sẽ dẫn dắt các cuộc thảo luận với tư cách Chủ tịch, thể hiện mạnh mẽ quyết tâm của nhóm nhằm mang lại một thế giới hoà bình. Tôi sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho các cuộc thảo luận thẳng thắn, để các bên làm rõ và đưa ra nhiều ý tưởng và kế hoạch cho tương lai”.
Dự kiến, giới chức Nhật Bản sẽ đưa các vấn đề về xung đột Ukraine, sự ảnh hưởng ngày càng lan rộng của Trung Quốc và vấn đề hạt nhân của CHDCND Triều lên hàng đầu chương trình nghị sự, trong đó vấn đề xung đột Ukraine trở thành tâm điểm chính.
Được biết, trước khi Thượng đỉnh G7 khai mạc vài ngày, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky hôm 16/5 đã hoàn tất chuyến công du tới một số thành viên G7 tại châu Âu. Chuyến công du này có thể coi là một công đôi việc bởi ông Zelensky đã nhận về nhiều cam kết viện trợ khí tài chuẩn bị cho đợt phản công của Kiev, cũng như sự bảo đảm về việc ủng hộ kết nạp Ukraine vào Liên minh châu Âu (EU). Matthew P. Goodman, Phó Chủ tịch cấp cao về kinh tế tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược Quốc tế cho rằng, chính Ukraine đã thúc đẩy mục tiêu chung của G7 lần này.
Hôm 13/5, các bộ trưởng tài chính G7 và giám đốc các ngân hàng trung ương đã nhóm họp, cam kết tiếp tục thực thi các biện pháp trừng phạt kinh tế chặt chẽ nhằm vào Nga vì tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine. Không những vậy, phía Nhật Bản được cho là sẽ xoáy mạnh vào những nguy cơ của việc phổ biến vũ khí hạt nhân trong các cuộc thảo luận tại Hiroshima – nơi xảy ra vụ đánh bom nguyên tử đầu tiên trên thế giới.
Thời gian gần đây, Nhật Bản hay Hàn Quốc đã nhiều lần lên án và chỉ trích việc CHDCND Triều Tiên củng cố chương trình phát triển hạt nhân và thử một loạt tên lửa chiến lược mới. Lầu Năm Góc trước đó cũng bày tỏ lo ngại khi cho rằng một số nước có khả năng mở rộng kho vũ khí hạt nhân. Dù chưa tiết lộ, nhưng giới chức Nhật Bản được cho là đang cân nhắc thêm các vấn đề như nền kinh tế và tài chính toàn cầu sau đại dịch COVID-19 hay thiết lập quy tắc chung trong việc sử dụng trí tuệ nhân tạo.
Nhóm G7 bao gồm các nền kinh tế phát triển Mỹ, Nhật Bản, Anh, Pháp, Đức, Canada, Italia và Liên minh châu Âu (EU). Giới chuyên gia cho rằng, nhóm này hiện cũng giành sự quan tâm đặc biệt tới khu vực Nam bán cầu - gồm hầu hết các nước đang phát triển ở châu Phi, châu Á, châu Mỹ Latin và minh chứng là việc mở rộng khách mời gồm Ấn Độ, Australia, Brazil, Hàn Quốc, Việt Nam, Indonesia và quần đảo Cook ở Nam Thái Bình Dương.
Các nhà phân tích nhận định, bằng cách mở rộng khách mời ngoài nhóm, G7 hy vọng có thể tăng cường quan hệ chính trị và kinh tế, đồng thời củng cố vị thế trong bối cảnh Trung Quốc ngày càng gia tăng sức ảnh hưởng ở nhiều khu vực.
Sung-Yoon Lee, một chuyên gia về Đông Á tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher thuộc Đại học Tufts, nói rằng Thượng đỉnh G7 2023 được cho là truyền đi một thông điệp tới cứng rắn tới Trung Quốc, Nga và CHDCND Triều Tiên về “sự đoàn kết giữa các nền dân chủ trong khu vực và quyết tâm của họ để đứng lên đối phó với những thách thức ngày càng gia tăng”.
Được biết, từ khoảng một tuần trước khi sự kiện này khai mạc, Nhật Bản đã bố trí lực lượng cảnh sát lớn nhất từ trước đến nay nhằm đảm bảo tình hình an ninh. Mới đây, ông Yasuhiro Tsuyuki - Tổng Ủy viên Cơ quan Cảnh sát Quốc gia Nhật Bản, đã đích thân thực hiện chuyến đi thứ hai tới Hiroshima để giám sát công tác chuẩn bị an ninh cho hội nghị. “Chúng tôi sẽ thực hiện mọi biện pháp có thể bằng khả năng của tất cả cảnh sát trên toàn quốc”, ông Tsuyuki nhấn mạnh.
Theo giới chuyên gia, Hội nghị Thượng đỉnh năm nay được thắt chặt an ninh không chỉ bởi được tổ chức tại một thành phố lớn lần đầu tiên sau 30 năm, mà còn vì vụ ám sát cựu Thủ tướng Shinzo Abe khi ông đang vận động tranh cử ở thành phố Nara vào tháng 7/2022 và một vụ ném bom khói hồi tháng 4 nhằm vào Thủ tướng Fumio Kishida. Ngoài ra, Tổng thống Ukraine Zelensky còn tham gia trực tuyến hội nghị, nên cảnh sát Nhật Bản cũng thực hiện các biện pháp chống lại các cuộc tấn công mạng, nhằm đảm bảo sự thông suốt trong suốt thời gian diễn ra sự kiện.
Trong một diễn biến có liên quan, Thủ tướng Australia Anthony Albanese ngày 17/5 cho biết, Hội nghị Thượng đỉnh của các nhà lãnh đạo nhóm QUAD (Bộ Tứ) gồm Mỹ, Australia, Nhật Bản và Ấn Độ dự kiến được tổ chức tại Sydney vào tuần sau, đã bị rời lịch. Quyết định trên được đưa ra sau khi Tổng thống Joe Biden hủy bỏ chuyến thăm chính thức đến quốc gia châu Đại Dương để giải quyết các cuộc đàm phán liên quan đến việc nâng trần nợ công tại Mỹ. Tuy vậy, các nhà lãnh đạo nhóm QUAD sẽ họp bên lề Hội nghị Thượng đỉnh G7.
https://cand.com.vn/the-gioi-24h/nhung-ky-vong-tai-thuong-dinh-g7-hiroshima-i693861/