Vua Bỉ Albert II thoái vị vì lý do sức khỏe trong khi Nữ hoàng Hà Lan Beatrix rời ngôi vì muốn nhường vị trí cho một thế hệ mới.
Giáo hoàng Benedict XVI. Ảnh: Reuters. |
Ngày 11/2/2013, Giáo hoàng Benedict XVI, 85 tuổi, gây bất ngờ khi tuyên bố ông sẽ từ chức vì sức khỏe yếu, đánh dấu lần đầu tiên một Giáo hoàng thoái vị vì lý do sức khỏe trong vòng 700 năm.
Trong bài phát biểu tại Vatican, Giáo hoàng đã nói với các hồng y rằng do tuổi cao nên sức khỏe của không còn đáp ứng được vị trí quan trọng.
Giáo hoàng Benedict mắc chứng viêm khớp và từng bị đột quy khi còn giữ chức hồng y. Ông thoái vị vào ngày 28/2, gây tiếc nuối cho 1,2 tỷ người Công giáo La Mã trên toàn thế giới.
Tháng 7/2013, Vua Bỉ Albert II thông báo sẽ rời ngôi cũng vì lý do sức khỏe. "Tôi đã ở vào độ tuổi mà những người tiền nhiệm chưa bao giờ đạt được. Tuổi tác và sức khỏe không cho phép tôi tiếp tục công việc như tôi mong muốn", nhà vua 79 tuổi nói.
Thời điểm thoái vị, Vua Albert II đã giữ ngai vàng 20 năm. Đây là lần đầu tiên một nhà vua tự nguyện thoái vị trong lịch sử Bỉ, quốc gia giành độc lập từ Hà Lan vào năm 1831.
Nhà vua đóng vai trò quan trọng trong việc thúc đẩy đoàn kết dân tộc tại Bỉ, quốc gia bị chia cắt mạnh mẽ giữa cộng đồng người Wallonia nói tiếng Pháp và người Flander nói tiếng Hà Lan.
Nữ hoàng Beatrix. Ảnh: Royal Correspondent. |
Nữ hoàng Beatrix của Hà Lan cũng thoái vị vào năm 2013 nhưng bà không rời ngai vì sức khỏe yếu mà muốn truyền lại quyền lực cho con trai Willem Alexander.
"Tôi không thoái vị vì công việc quá nặng nề mà là vì niềm tin rằng trách nhiệm đối với quốc gia cần được đặt trong tay một thế hệ mới", Nữ hoàng 74 tuổi tuyên bố trước cả nước.
Hàng nghìn người Hà Lan mặc những trang phục sặc sỡ, đội tóc giả và đeo kính màu da cam đã tràn xuống các đường phố ở thủ đô Amsterdam để ăn mừng sự kiện lần đầu tiên trong hơn 120 năm nước này có một nhà vua thay vì nữ hoàng.
Tháng 6/2014, Vua Juan Carlos của Tây Ban Nha nhường ngôi lại cho con trai, kết thúc triều đại kéo dài 39 năm. Ông được ngợi ca vì dẫn dắt đất nước hướng tới dân chủ sau cái chết của nhà độc tài Francisco Franco vào năm 1975 song cũng đối mặt không ít bê bối. Năm 2012, ông từng gây phẫn nộ cho công chúng khi báo chí trong nước đăng tải hình ảnh nhà vua trong tay cầm súng trường đứng trước một con voi chết.
Vua Carlos phải chống gậy sau các cuộc phẫu thuật hông nhưng giống Nữ hoàng Beatrix, ông cho rằng đã đến lúc mình lùi về "để nhường chỗ cho một thế hệ trẻ hơn" bước lên phía trước.
Quốc vương Qatar Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani. Ảnh: Reuters. |
Cũng vào năm 2013, Quốc vương Qatar Sheikh Hamad bin Khalifa al-Thani thoái vị sau 18 năm, một điều hiếm thấy ở thế giới Arab.
Quốc vương al-Thani, khi đó 61 tuổi, gặp một số vấn đề về thận nhưng các quan chức khẳng định động cơ khiến ông rút lui không liên quan tới sức khỏe mà bởi mong muốn đưa một lãnh đạo mới, trẻ tuổi hơn lên ngôi. Con trai ông, Sheikh Tamim, 33 tuổi, kế vị.
Mới đây nhất, Nhật hoàng Akihito, 85 tuổi, thông báo sẽ thoái vị vào ngày 30/4, kết thúc triều đại Heisei (đạt được hòa bình) kéo dài 30 năm. Khi Thái tử Naruhito lên ngôi vào ngày 1/5, Triều đại mới sẽ mang niên hiệu là Reiwa (Lệnh Hòa), mang ý nghĩa "may mắn, hòa bình".
Nhật hoàng Akihito là người đã phá vỡ nhiều truyền thống của Hoàng gia Nhật Bản, từ việc ông quyết định kết hôn không theo sự sắp đặt với Hoàng hậu Michiko Shoda, một phụ nữ xuất thân từ thường dân, đến việc ông can thiệp vào chuyện chính trị, lên tiếng phản đối chủ nghĩa dân tộc, bày tỏ "hối hận sâu sắc" với hành động của Nhật Bản trong Thế chiến II.
Quyết định thoái vị của Nhật hoàng Akihito không gây bất ngờ bởi ông đã bày tỏ mong muốn này từ năm 2016. Nó khiến quốc hội và chính phủ Nhật phải đưa ra ngoại lệ với luật hiện hành là hoàng đế phải phục vụ tới chết, cho phép Nhật hoàng rời ngai để Thái tử Naruhito kế ngôi.
Vũ Hoàng (Theo AFP)
Nhật hoàng và Hoàng hậu kỷ niệm đám cưới kim cương trước khi thoái vị Sau 60 năm kết hôn, Nhật hoàng Akihito và Hoàng hậu Michiko đã mang đến những nét hiện đại cho hoàng gia. |