Chỉ vài giờ sau khi tay súng 18 tuổi xông vào trường Tiểu học Robb ở Uvalde (bang Texas) bắn chết 19 trẻ em và 2 giáo viên, hôm 24-5, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã đặt câu hỏi trước các nhà lập pháp: “Khi nào chúng ta sẽ đứng lên chống lại vận động hành lang cho súng đạn?”. Câu hỏi khó trả lời vì nước Mỹ luôn chia rẽ về luật kiểm soát súng đạn, một phần bởi thế lực của những nhà vận động hành lang.
- Sai lầm không thể bào chữa của cảnh sát Mỹ trong vụ xả súng ở Texas
- Chồng cô giáo chết trong vụ xả súng Texas qua đời vì hội chứng trái tim tan vỡ
- Xả súng tại trường học Mỹ: Bé gái cố gọi cảnh sát cứu bạn trước khi bị bắn chết
- Nghi phạm vụ xả súng Texas tiết lộ kế hoạch trước khi tấn công
Nỗi đau và tức giận
“Tôi phát ngán với những gì phải trải qua ngày hôm nay” - Mary Ann Jacob, người đang làm thủ thư tại một trường học ở Newtown đã viết trên Twitter khi tay súng tấn công trường tiểu học hôm 24-5. “Tôi nhớ như in về vụ xả súng ở Sandy Hook gần 10 năm trước. Tôi rất tiếc, nhưng những cái chết đó đã không thay đổi được thế giới của chúng ta” - cô Mary viết vài giờ sau vụ xả súng chấn động nước Mỹ tuần qua.
Năm 2012, một tay súng cũng đã xả súng vào trường Tiểu học Sandy Hook ở Newtown (bang Connecticut) khiến 26 nạn nhân, trong đó có 20 trẻ em thiệt mạng. Khi đó, Tổng thống Barack Obama đã chua xót nói: “Nước Mỹ tê liệt không phải vì sợ hãi, mà bởi hành lang súng đạn và một đảng chính trị không sẵn sàng hành động để giúp ngăn chặn những thảm kịch này”. Bà Nelba Marquez-Greene - mẹ của cô bé Ana Grace Marquez-Greene (6 tuổi) chết trong vụ thảm sát này - đã viết trên Facebook: “Các giáo viên, các nhà giáo dục, những người có lương tri: Thật đáng tiếc. Một lần nữa, chúng ta lại thất bại”.
Trong một bài phát biểu trên tờ USA Today, bà Nicole Hockley (mẹ của nạn nhân Dylan Hockley) hiện là Giám đốc điều hành của Sandy Hook Promise (một nhóm vận động kiểm soát súng được thành lập sau vụ tấn công năm 2012) đã viết: “Bất cứ khi nào có một thảm kịch như thế này là tôi lại tổn thương trở lại. Tôi hồi tưởng lại vụ con trai tôi bị giết cùng bạn bè của nó và các thầy cô giáo. Nỗi đau buồn, sự tức giận khiến tôi tan nát cõi lòng”. Bà chia sẻ: “Vào những ngày như hôm nay, tôi vô cùng kinh hoàng và tức giận vì nước Mỹ đã không ngăn được những cuộc tấn công chết người nhằm vào con em chúng tôi. Điều duy nhất khiến tôi tiếp tục là vì tôi biết đất nước chúng ta có thể hành động khi tất cả có can đảm và quyết tâm”.
Thực vậy, việc kiểm soát súng đạn ở Mỹ là điều rất khó thành công, bởi có những thế lực rất mạnh vẫn đang vận động hành lang cho việc sở hữu và sử dụng súng.
Hành lang vận động súng ở Mỹ
Vận động hành lang súng ở Mỹ là một thuật ngữ rộng chỉ những nỗ lực nhằm tác động đến chính sách của tiểu bang và liên bang về súng đạn, thường là thông qua việc ủng hộ các ứng cử viên đã cam kết phản đối các biện pháp kiểm soát súng. Hoạt động này bao gồm đóng góp trực tiếp cho các nhà lập pháp, hỗ trợ độc lập các quan chức được bầu và các chiến dịch tác động dư luận về các vấn đề liên quan đến vũ khí. Việc vận động hành lang như vậy thường được hiệu chỉnh cẩn thận để không vi phạm luật tài chính bầu cử của Mỹ.
Một số cuộc điều tra đã chỉ ra rằng, các nhóm vận động hành lang chống kiểm soát súng - nổi bật nhất là Hiệp hội Súng trường quốc gia (NRA) - có quan hệ chặt chẽ với ngành công nghiệp súng trị giá hàng tỷ đôla ở Mỹ. NRA và các nhóm tương tự thường tự coi mình là những người bảo vệ quyền công dân, chỉ ra Tu chính án thứ hai của Hiến pháp Mỹ xác nhận “quyền của người dân được giữ và mang vũ khí”. Trong khi đó, các nhóm ủng hộ kiểm soát súng cáo buộc các nhà vận động hành lang của NRA chỉ có động cơ “bán nhiều súng hơn và tăng lợi nhuận cho các nhà điều hành vận động hành lang súng”. Từ lâu, người ta đã thấy “quyền lực” của vận động hành lang bởi rất hiếm khi các biện pháp kiểm soát súng liên bang được thông qua, bất chấp hàng loạt vụ xả súng kinh hoàng.
Rất khó để định lượng tầm ảnh hưởng của các nhóm tạo nên vận động hành lang súng, vốn cung cấp tài chính cho cả bộ máy chính trị và hàng triệu đô la hỗ trợ trực tiếp cho các ứng cử viên trên khắp nước Mỹ. Theo OpenSecrets (tổ chức phi lợi nhuận chuyên theo dõi chi tiêu trong chính trị Mỹ), từ năm 1998 đến năm 2020, các nhóm ủng hộ súng đã trả 171,9 triệu USD để vận động hành lang ảnh hưởng trực tiếp đến luật pháp. Kể từ năm 1998, chỉ riêng NRA đã trả 63,8 triệu USD trong danh mục đó. Đó là chưa kể khoản tiền khổng lồ 155 triệu USD trong khoảng thời gian từ năm 2010 đến 2020 cho cái gọi là “chi tiêu bên ngoài”.
Đơn cử, vào năm 2016, NRA được cho là đã chi 50 triệu USD “chi tiêu bên ngoài” để hỗ trợ ứng cử viên Tổng thống Donald Trump và 6 ứng cử viên Đảng Cộng hòa tranh ghế Thượng viện. Số tiền này đảm bảo rằng cứ 20 quảng cáo truyền hình được phát sóng vào tháng 10-2016 tại bang Pennsylvania thì có 1 quảng cáo được tài trợ bởi NRA. Ở Bắc Carolina, cứ 9 quảng cáo thì có 1 quảng cáo được NRA tài trợ trong tháng đó. Ở Ohio, cứ 8 quảng cáo thì có 1 quảng cáo thúc đẩy lợi ích ủng hộ súng của nhóm. “Chi tiêu tổng thể của NRA đã tăng thêm 100 triệu USD trong năm 2016 mà không có chính trị gia nào được hưởng lợi nhiều hơn ông Trump” - báo cáo của OpenSecrets cho biết. Bản thân ông Trump nhiều lần hứa ủng hộ quyền sử dụng súng, vào năm 2017 ông nói với NRA: “Tôi sẽ không bao giờ làm bạn thất vọng”.
Sự yếu thế của vận động kiểm soát súng
Vụ tấn công trường học năm 2012 đã gây ra làn sóng chấn động trên toàn nước Mỹ và thúc đẩy các biện pháp kiểm soát súng liên bang. Nhưng chỉ 4 tháng sau, đạo luật mở rộng kiểm tra lý lịch với người mua vũ khí đã thất bại tại Thượng viện do đảng Cộng hòa kiểm soát. Ở cấp tiểu bang, một số nỗ lực đã thành công, như bang Connecticut mở rộng lệnh cấm vũ khí tấn công, thiết lập kiểm tra lý lịch. Vào tháng 2-2022, các gia đình của nạn nhân vụ Sandy Hook cũng đã đạt được thỏa thuận trị giá 73 triệu USD với Remington Arms - nhà sản xuất súng được sử dụng trong vụ tấn công. Đây là lần đầu tiên một nhà sản xuất súng của Mỹ phải chịu trách nhiệm về một vụ xả súng hàng loạt.
Tuy vậy, sau 1 thập kỷ kể từ cuộc tấn công năm 2012 cũng như hàng trăm vụ xả súng hàng loạt khác, nước Mỹ không thông qua được cải cách nhằm kiểm soát súng mang tính chất liên bang. Thượng nghị sĩ Chris Murphy (bang Connecticut) nói với New York Times vào giữa tháng 5-2022: “Tất cả là do quyền lực và cơ bắp chính trị. Nhưng chúng tôi - những người ủng hộ phong trào kiểm soát súng - đang trong quá trình xây dựng sức mạnh của riêng mình”. Mặc dù còn hạn chế, nhưng theo thống kê, tổng chi tiêu hàng năm cho việc vận động hành lang nhằm kiểm soát súng đã tăng từ 250.000USD năm 2012 lên 2,2 triệu USD vào năm 2013. Năm 2021, các nhóm ủng hộ kiểm soát súng đã chi 2,9 triệu USD cho vận động hành lang.
Sau thảm kịch hôm 25-5, Thượng nghị sĩ Chris Murphy đã đưa ra lời khẩn cầu đầy đau xót trên Thượng viện. “Điều này không phải là không tránh được. Điều này chỉ xảy ra ở nước Mỹ và không ở nơi nào khác. Không có nơi nào mà những đứa trẻ đến trường lại nghĩ rằng chúng có thể bị giết. Tôi ở đây để cầu xin, theo đúng nghĩa đen là quỳ gối cầu xin đồng nghiệp: Các vị hãy tìm một con đường phía trước. Hãy cùng nhau phối hợp để tìm cách thông qua những điều luật giúp việc này ít xảy ra hơn”.
“Đã đến lúc biến nỗi đau này thành hành động vì các bậc cha mẹ, vì các công dân của đất nước này. Chúng ta phải nói rõ với các quan chức được bầu rằng, đã đến lúc phải hành động. Nhân danh Chúa, người ta cần súng đạn để làm gì ngoại trừ dùng để giết người? Chúng ta còn chờ đến khi nào mới chống lại vận động hành lang súng đạn? Chúng ta có thể làm được nhiều hơn thế. Chúng ta cần phải ra sức hơn nữa”.
Tổng thống Mỹ Joe Biden (phát biểu hôm 24-5 sau vụ xả súng ở trường Tiểu học Robb)