Temasek của Singapore và SASAC của Trung Quốc là hai "hình mẫu" Siêu Ủy ban của Việt Nam đã học hỏi kinh nghiệm trước khi hoạt động.
Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (Siêu Uỷ ban) vừa chính thức ra mắt chiều hôm qua (30/9) tại Hà Nội. Là đơn vị đại diện phần vốn Nhà nước tại 19 tập đoàn, tổng công ty, quy mô quản lý của Siêu Ủy ban đạt tới một triệu tỷ đồng theo giá trị sổ sách vốn chủ sở hữu Nhà nước và gần 2,3 triệu tỷ đồng tổng tài sản.
Theo chia sẻ của ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch cơ quan này, họ đã có những buổi làm việc cùng Temasek Holdings của Singapore và Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của Trung Quốc (SASAC) để học hỏi kinh nghiệm quản lý vốn.
Thực tế, Temasek và SASAC cũng là những "hình mẫu" về quản lý vốn quốc gia lớn nhất hiện nay và đều có những thành công nhất định. Mỗi mô hình có đường hướng khác nhau, là một gợi ý riêng cho Siêu Ủy ban của Việt Nam khi đi vào hoạt động.
Văn phòng của Temasek Holdings ở Singapore. Ảnh: Reuters. |
Temasek Holdings thành lập năm 1974 với cổ đông duy nhất đến nay là Bộ Tài chính Singapore, với mục đích ban đầu là nắm giữ vốn tại các doanh nghiệp thuộc nhà nước, nhưng sau đó thành một công ty đầu tư toàn cầu. Tổng danh mục đầu tư của Temasek đến ngày 31/3/2018 đạt 308 tỷ đôla Singapore (khoảng 235 tỷ USD).
Với lợi tức bình quân hàng năm trong hơn 40 năm hoạt động đạt 15%, Temasek được đánh giá là một trong những công ty đầu tư thành công hiện nay, thậm chí vượt qua cả những quỹ đầu tư lớn trên thế giới. Kết quả này được xem là "kỳ tích" khi Temasek thực tế vẫn là một doanh nghiệp nhà nước.
Đằng sau thành công của họ là đặc thù trong mô hình và định hướng hoạt động. Là doanh nghiệp thuộc Bộ Tài chính Singapore nhưng Temasek hoạt động độc lập và tự chủ trong các quyết định đầu tư, không bị ảnh hưởng hay chi phối từ nhóm chính trị gia hoặc Chính phủ. Mục tiêu cao nhất là lợi nhuận. Đây cũng là lý do Temasek hiện diện ở nhiều quốc gia ở châu Á, nắm giữ cổ phần từ những tập đoàn lớn, định chế tài chính cho tới những startup đơn lẻ, những chuỗi cà phê.
Theo Nikkei Asia Review, Temasek Holdings và GIC - quỹ đầu tư của Chính phủ Singapore (Government of Singapore Investment Corporation) đã đầu tư hơn một tỷ USD vào các startup của châu Á những năm gần đây.
Hai đơn vị này cũng tham gia 23 giao dịch mua bán cổ phần tại châu Á kể từ đầu năm 2018. GIC và Temasek hồi tháng 6 cũng góp mặt trong vòng gọi vốn 14 tỷ USD của Ant Financial - một công ty Fintech thuộc tập đoàn Alibaba của tỷ phú Jack Ma.
Theo một báo cáo về tình hình tài chính, 235 tỷ USD của Temasek đang được đầu tư hơn một nửa vào hai thị trường chính là Singapore (27% giá trị danh mục) và Trung Quốc (26%). Tuy nhiên, Temasek cũng vươn ra nhiều thị trước khác, 15% được đầu tư vào phần còn lại của châu Á, 13% vào Bắc Mỹ, 9% vào châu Âu và nhiều thị trường khác. Dịch vụ tài chính chiếm tỷ trọng cao nhất trong danh mục của Temasek với 26% giá trị, theo sau là công nghệ, viễn thông và truyền thông...
Sự độc lập còn thể hiện trong định hướng hoạt động. Với đội ngũ lãnh đạo đến từ những tập đoàn, ngân hàng đầu tư lớn, Temasek tỏ ra "thức thời" với dòng chảy vốn toàn cầu. Công ty này đang gia tăng đầu tư vào các startup, các doanh nghiệp chưa niêm yết tại khu vực châu Á. Khoảng 39% danh mục đầu tư của Temasek hiện tại, tương đương 120 tỷ đôla Singapore nằm ở các nhóm này.
Không chỉ là một công ty đầu tư thuộc hàng "top" trên thế giới, mức độ quan trọng của Temasek và GIC với Chính phủ Singapore cũng gia tăng trong những năm gần đây. Trong năm tài chính 2018, chính phủ Singapore ước tính hai đơn vị này sẽ đóng góp khoảng 15,9 tỷ đôla Singapore (tương đương 11,6 tỷ USD), chiếm 18% thu ngân sách của quốc đảo này, cao hơn mức 12% trong 5 năm trước.
Temasek là một trong số ít công ty quản lý vốn nhà nước công bố báo cáo tài chính và minh bạch hoạt động đầu tư dù được quyền miễn trừ. Hàng năm, tập đoàn này công bố kết quả kinh doanh được kiểm toán cũng như danh mục đầu tư, lợi nhuận cổ đông, cơ chế đầu tư, quản trị điều hành, định hướng và mục tiêu đầu tư kinh doanh, danh mục tài sản đầu tư và nhiều thông tin khác.
Ủy ban giám sát và quản lý tài sản nhà nước tại doanh nghiệp của Trung Quốc (SASAC) có phần phức tạp hơn về mô hình quản lý và điều hành so với Temasek Holdings.
Năm 2003, Chính phủ Trung Quốc thành lập Ủy ban giám sát và quản lý tài sản thuộc sở hữu nhà nước, với tên viết tắt là SASAC. Nhiệm vụ chính của Ủy ban này là đại diện chủ sở hữu tại các doanh nghiệp nhà nước, hoặc cổ đông nhà nước của các doanh nghiệp có vốn nhà nước và giám sát giải quyết các vấn đề trong hoạt động.
Mô hình SASAC khi thành lập thể hiện nỗ lực của Chính phủ Trung Quốc trong quá trình cải cách khối doanh nghiệp nhà nước, tập trung đầu mối theo dõi và giám sát các doanh nghiệp này thay cho cơ chế phân tán trước đó. Theo số liệu của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), doanh thu của các doanh nghiệp Nhà nước tại Trung Quốc thậm chí còn lớn hơn GDP của Nhật Bản. Năm 2017, các doanh nghiệp có vốn nhà nước tại Trung Quốc đạt tổng doanh thu 8.000 tỷ USD, trong khi GDP của Nhật Bản chỉ gần 5.000 tỷ USD.
Sự ra đời của SASAC đã tác động đến hiệu quả chung của nhóm doanh nghiệp nhà nước tại Trung Quốc. Theo số liệu từ SASAC, lợi nhuận gộp năm 2017 tại khối doanh nghiệp nhà nước (với nhiều doanh nghiệp nằm trong Top lớn nhất thế giới), đã tăng 15% - tốc độ nhanh nhất trong 5 năm - lên 1.400 tỷ NDT (tương đương 219 tỷ USD).
Đến cuối năm ngoái, các doanh nghiệp nhà nước của Trung Quốc đạt 160.500 tỷ NDT (khoảng 25.600 tỷ USD) tổng tài sản, doanh thu vượt qua cả quy mô nền kinh tế Nhật Bản. Việc cải thiện khả năng sinh lời được Bloomberg đánh giá là rất quan trọng giúp cân bằng lại nền kinh tế, khi Trung Quốc đang nỗ lực chuyển đổi mô hình từ tăng trưởng dựa trên xuất khẩu và vay nợ để đầu tư sang dựa trên dịch vụ và tiêu dùng.
Nhưng thực tế hoạt động của SASAC cũng bộc lộ một số hạn chế do là một cơ quan hành chính quản lý doanh nghiệp, mô hình vận hành của SASAC không tuân theo cơ chế thị trường.
Khác với Temasek, Ủy ban này cũng không có báo cáo tài chính riêng và không công khai, minh bạch thông tin hoạt động như mô hình các doanh nghiệp nên không có tiêu chí để đánh giá hiệu quả hoạt động. SASAC cũng được đánh giá thiếu tự chủ trong lựa chọn người lãnh đạo đứng đầu các doanh nghiệp Nhà nước và chế độ đãi ngộ dẫn đến hạn chế trong bộ máy nhân sự quản lý.
Trước tình trạng này, Chính phủ Trung Quốc quyết định cải tổ SASAC như một yêu cầu tất yếu trong chuỗi nhiệm vụ cải cách doanh nghiệp nhà nước, hướng tới tách biệt 2 chức năng quản lý vốn nhà nước và quản trị doanh nghiệp. Các nhà hoạch định chính sách của Trung Quốc đã nhắc đến mô hình của Temasek để làm tăng hiệu quả hoạt động với chức năng quản lý vốn nhà nước.
Tháng 2/2016, SASAC đã lựa chọn hai doanh nghiệp nhà nước là China Chengtong Holdings và China Reform Holdings để thí điểm mô hình hoạt động của Temasek. Chính quyền Thượng Hải, Trùng Khánh cũng quyết định lập các công ty quản lý vốn. Những nỗ lực ban đầu hướng tới việc thay đổi các ưu đãi quản lý bao gồm một chương trình thí điểm chỉ định các quản lý cấp cao được chính các công ty này lựa chọn, thay vì SASAC như trước.
Tuy nhiên, trong một bài viết mới đây trên Financial Times, sự quan tâm đến mô hình hoạt động của Temasek đang có dấu hiệu "nguội" đi với những nhà làm chính sách tại Trung Quốc.
Theo Caixin, một trang thông tin tài chính của Trung Quốc, SASAC đã quyết định không mở rộng việc thí điểm mô hình của Temasek. Cơ quan này thấy việc thúc đẩy mô hình Temasek không thực sự hiệu quả khi điều này có thể mang lại một xu hướng không mong muốn trong nền kinh tế Trung Quốc: Các doanh nghiệp nhà nước có khuynh hướng tạo ra lợi nhuận bằng cách chuyển tiền giữa các tài sản hiện có thay vì tạo ra hoạt động kinh tế mới.
Minh Sơn
Chân dung Phó Chủ tịch Siêu Uỷ ban quản lý 2,3 triệu tỷ vốn Nhà nước Trước khi được bổ nhiệm giữ chức vụ Phó Chủ tịch Ủy ban Quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp, bà Nguyễn Thị Phú ... |
Chốt danh sách 19 tập đoàn về \'Siêu Ủy ban\' Siêu Ủy ban sẽ ra mắt chiều nay với tổng tài sản quản lý khoảng 1,5 triệu tỷ đồng và 820.000 tỷ đồng giá trị ... |