Nạn đói ở Venezuela ngày càng nghiêm trọng bởi khủng hoảng kinh tế, còn người dân thử mọi cách để tìm thức ăn.
Juan Maurice thả lưới bắt cá tại hồ Maracaibo, ven bờ đen kịt vì dầu rò rỉ. Ảnh: AFP.
Chỗ cá mà Juan Maurice bắt được nhỏ tới nỗi không đủ làm no bụng người công nhân xây dựng đang thất nghiệp này. Maurice đã giảm 16 kg trong hai năm qua, theo AFP.
Gầy đi do đất nước khủng hoảng, Maurice, hiện nặng 75 kg, đang cố thử vận may bằng cách thả lưới đánh cá cùng ông chú ở vùng nước lợ ô nhiễm tại hồ Maracaibo, tây bắc Venezuela, với hy vọng tìm được chút thức ăn.
"Hôm nay tôi ở đây, mai có thể ở trên núi tìm thỏ và cự đà", người đàn ông 35 tuổi giãi bày. Gương mặt khắc khổ khiến anh già hơn nhiều so với tuổi.
Trong lưới có 20 con cá, loại cá có thể dài tới 30 cm khi trưởng thành nhưng bây giờ, chúng chưa bằng một phần ba. Anh cũng bắt được một con cua nhỏ màu xanh, ba con cá trê nhỏ, loại cá mà bình thường chẳng ai ăn.
Maurice từng có cuộc sống vật chất đầy đủ nhờ nghề thợ xây và thợ hàn tại Maracaibo, trung tâm dầu mỏ của Venezuela.
"Trước đây tiền lương của tôi đủ ăn, tiết kiệm một ít và sửa sang nhà cửa", anh nói, lấy con cá khỏi lưới.
Nhưng kinh tế Venezuela hiện suy giảm một nửa so với năm 2014 và Quỹ tiền tệ quốc tế dự báo lạm phát sẽ lên tới 10 triệu % trong năm nay. Ngay cả sản xuất dầu, ngành đem lại 95% thu nhập cho ngân sách quốc gia, cũng phải dừng lại.
Maurice xoay xở làm đủ thứ việc, cố kiếm đủ tiền nuôi 7 đứa con nhưng "đứa nào cũng gầy như que củi". Anh đang câu cá ở San Francisco, thị trấn gần hồ nước rộng lớn. Bờ của nó đen kịt bởi dầu liên tục rò ra từ giếng.
"Tôi không biết chỗ cá này ăn được hay không nhưng với tình hình hiện tại, chúng tôi buộc phải mạo hiểm, không còn cách nào khác là ăn chúng", anh nói. "Tôi cảm thấy thật khủng khiếp. Chúng tôi chưa bao giờ lâm vào cảnh này. Tình cảnh bây giờ thật hỗn loạn".
Maurice buộc phải mạo hiểm ăn cá ở vùng hồ ô nhiễm vì chẳng còn cách nào khác. Ảnh: AFP.
Marcy Chirinos đang đi dạo trên những con phố vắng vẻ ở trung tâm Maracaibo, thành phố 3,6 triệu dân. Đây là những ngày sau khi cả nước rơi vào bóng tối vì vụ mất điện tồi tệ nhất lịch sử. Suốt 5 ngày, bóng tối và nạn cướp bóc bao trùm Maracaibo. Hơn 500 cửa hàng bị khoắng sạch.
"Giờ chẳng còn gì để ăn", Chirinos nói. Đầu ô quấn một miếng khăn cũ tránh ánh nắng mặt trời gay gắt. Bà làm nghề dọn dẹp, chỉ được nhận lương tối thiểu khoảng 6 USD một tháng.
"Không thể sống nổi cảnh này nữa. Quần áo của tôi bẩn thỉu. Chúng tôi thậm chí không có nước để giặt, hoặc tiền mua xà phòng", bà nói.
Nhưng rắc rối lớn nhất là thiếu thực phẩm. Người phụ nữ gày gò cố làm mọi việc để nuôi 5 đứa cháu, nhưng lực bất tòng tâm.
"Nếu có đồ đem bán thì nó sẽ rất đắt. Gạo, bột mỳ, họ chỉ bán bằng tiền đô. Nhưng tôi lấy đâu ra tiền đô bây giờ?" bà than thở.
Nạn cướp bóc càng làm trầm trọng thêm tình huống đang tuyệt vọng. Đa số các cửa hàng trong thành phố vẫn đóng cửa.
"Những bộ quần áo này tôi mặc không vừa nữa rồi", Chirinos nói, chỉ tay vào cách quần rộng rùng thình trong ảnh cũ. "Giờ có gì ăn là chúng tôi đều để dành cho bọn trẻ. Đêm nào trước khi đi ngủ tôi cũng cầu nguyện Chúa ban phép màu".
Ana Angulo đang quan sát dãy cửa hàng đóng cửa tại nơi từng là trung tâm mua sắm nhộn nhịp ở Maracaibo. Bà vừa xem vừa lắc mái đầu bạc trắng.
"Hãy nhìn những cửa hàng trống rỗng này", bà thầm thì đầy buồn bã. Suốt 77 năm cuộc đời, Angulo chưa từng trải qua cảnh thiếu thốn như thế.
"Đói làm tôi đau đầu", bà tâm sự.
Cách chỗ bà đứng không xa là Maime Romero, 31 tuổi, đang đẩy mẹ ngồi trên chiếc xe lăn cũ.
"Chúng tôi ra ngoài xem ai có gì cho ăn không", anh nói.
Hiểu thế nào khoản "hoa hồng" dự án dầu khí Junin 2 tại Venezuela? Cần phải hiểu thế nào cho đúng về khoản được gọi là “hoa hồng” phía Việt Nam phải chuyển cho đối tác sau khi ký ... |
Phe đối lập Venezuela giành quyền kiểm soát cơ sở ngoại giao ở Mỹ Một số nhân viên ngoại giao Venezuela quyết định ủng hộ phe đối lập, trong khi Caracas yêu cầu Washington ngăn việc xâm chiếm văn ... |
Người Venezuela tuyệt vọng bán tóc để sinh tồn Hàng chục nghìn người Venezuela trốn chạy khủng hoảng kinh tế sang biên giới Colombia mỗi ngày để tìm kế sinh nhai nhưng vẫn không ... |