Đam mê xê dịch gắn liền với trải nghiệm hay du lịch bụi không xấu, thậm chí đáng được khuyến khích vì nhiều mặt tích cực. Nhưng nếu đi để... xả rác, gây ồn ào, làm hư hại tài sản công cộng hoặc đập vỡ chén cơm của người lương thiện thì tốt hơn hết hãy đặt ba lô xuống và chịu khó ở nhà.
phượt thủ
Ngày bé, ba mẹ luôn cố gắng sắp xếp cho hai anh em tôi đi du lịch mỗi năm một lần. Các chuyến đi thường diễn ra vào mùa hè, tại các địa danh đông đúc, nhộn nhịp. Tôi chỉ biết đến khái niệm “phượt” lần đầu tiên tại một buổi thuyết trình không giới hạn chủ đề trên giảng đường đại học.
Kết thúc phần giới thiệu khá ngắn gọn về khái niệm và xu hướng “xách ba lô lên và đi” của giới trẻ lúc bấy giờ, bạn sinh viên thuyết trình lật mở một video ca nhạc. Ruộng bậc thang vàng rực màu lúa chín, rừng cây xanh ngắt, thung lũng hoang sơ cùng những cung đường quanh co - Tất cả những hình ảnh đẹp đẽ đó hiện lên thật sống động, choáng ngợp khiến tôi không thể rời mắt.
Một thành viên trong đoàn phượt cho rằng ”đoàn 16 xe 28 người nghỉ qua đêm ở cafe võng với tổng chi phí 400k là quá mắc”.
Hoá ra chẳng cần phải khổ sở xin visa, bay hàng chục tiếng đồng hồ và tốn một khoản tiền khổng lồ để chiêm bái một danh thắng, một vùng đất mới. Vì ngay trên mảnh đất hình chữ S này còn rất nhiều cảnh quan đáng giá, đáng khám phá và trải nghiệm. Ấn tượng của tôi về “phượt” và các “phượt thủ” đã từng tốt như vậy, trước khi những kẻ ích kỷ ngày càng làm biến tướng danh xưng này.
Một dạo, dư luận từng xôn xao trước những bức ảnh “thân mật” của một nam phượt thủ và nhiều cô gái trẻ. Và ngay cả cô bạn thân của tôi, cũng quyết nói không với kiểu du lịch này sau lần ghép đôi (xế - ôm) với một gã thích “khám da liễu” và có những lời nói khiếm nhã suốt hành trình.
Chỉ mới đầu năm 2018, song đã có đến 2 vụ lùm xùm lớn liên quan đến “phượt thủ”. Đầu tiên là việc hai cô gái tố chủ một vườn nho tại Ninh Thuận bán đắt, chèn ép khách du lịch. Song làn sóng tẩy chay của mọi người không đổ dồn về phía đối tượng bị tố cáo như mọi khi. Trái lại, đa số đều cảm thấy “sởn da gà”, phản cảm cực độ khi coi clip nữ phượt thủ “ngửa cổ ăn nho trực tiếp trên giàn”. Không cần học cao hiểu rộng cũng biết trái nho không tự mọc “bù” vào quả bị ăn mất và chắc chắn hành động đó làm giảm giá trị của chùm nho.
Và gần đây chuyện một phượt thủ lên Facebook bức xúc vì đoàn mình (gồm 16 xe máy, 28 người) bị “chặt chém” khi nghỉ qua đêm ở quán cafe võng với tổng chi phí 400.000 đồng cũng khiến dư luận giật mình vì sự “hồn nhiên” hay chính xác hơn là thái độ xấc xược của họ với những người đáng tuổi ông, bà mình. Sự việc đã làm đảo lộn cuộc sống của dì Hai - chủ quán cafe này. Dì mất ngủ nhiều đêm vì sợ “đốt quán” như những lời đe dọa trước đó xuất hiện trên mạng, cháu của dì bị người ta chọc ghẹo, quán xá vắng tanh không ai vào, người đi đường chỉ trỏ bàn tán…
Có lẽ vì những chuyện kể trên, cùng những hành vi xấu xí ở một số người trẻ khi tham gia kiểu du lịch trải nghiệm mà một chàng trai từng đặt chân qua tất cả các tỉnh thành trải dài từ cực Bắc đến cực Nam Tổ quốc luôn cảm thấy xấu hổ khi bị gọi là “phượt thủ”.
Đam mê xê dịch gắn liền với trải nghiệm hay du lịch bụi không xấu, thậm chí đáng được khuyến khích vì nhiều mặt tích cực. Nhưng nếu đi để... xả rác, gây ồn ào, làm hư hại tài sản công cộng hoặc đập vỡ chén cơm của người lương thiện thì tốt hơn hết hãy đặt ba lô xuống và chịu khó du lịch qua màn ảnh nhỏ.
Những vùng đất mới mẻ trên khắp mọi miền Tổ quốc luôn dang tay chào đón tất cả mọi người, trừ những ai để quên đạo đức và ý thức ở nhà.
Trương Chi
Những hình ảnh khiến phượt thủ \'xấu xí\' trong mắt cộng đồng Những hành động thiếu ý thức, chưa đẹp mắt của một bộ phận bạn trẻ đam mê xê dịch vô tình làm xấu đi hình ... |
Hai nữ phượt thủ bị "ném đá" vì tùy tiện ăn nho trên giàn tại Ninh Thuận Vừa quay clip, cô gái vừa ngửa cổ cắn những quả nho xanh mọng trên giàn. |
Phượt thủ tông vào ôtô khách tử vong Một thành viên nhóm phượt thủ chạy lên Lâm Đồng không làm chủ được tay lái đã tông trực diện vào ôtô khách chạy ngược ... |