Gần một năm diễn ra cuộc xung đột ở Ukraine, các đồng minh phương Tây cuối cùng đã đồng ý gửi cho Ukraine các xe tăng chiến đấu mà Kiev hằng mong. Tuy nhiên, Ukraine lại đang phải đối mặt với một loạt rào cản lớn để tiếp nhận số vũ khí này.

Chồng chất khó khăn, phức tạp

Tất cả đều là những vũ khí có hỏa lực mạnh hỗ trợ Ukraine chống lại lực lượng Nga, nhưng đi kèm đó là những phức tạp chồng chất trong việc mua sắm đạn dược, huấn luyện lực lượng có năng lực và tổ chức hậu cần cho nhiều hệ thống tăng khác nhau.

1
Xe tăng Leopard 2. Ảnh: Reuters

Ông Sonny Butterworth, một chuyên gia về xe tăng của công ty tình báo quốc phòng Janes của Anh, cho biết sự lộn xộn của các hệ thống tăng khác nhau gây ra "khó khăn về mặt hậu cần" đối với việc chuyển giao. Những chiếc Challenger 2 của Anh sử dụng loại đạn khác với tiêu chuẩn của NATO. Còn Leopard 2 có sự khác biệt nhỏ giữa những chiếc xe tăng dự trữ mà các quốc gia châu Âu nắm giữ, ngay cả khi chúng là cùng một mẫu xe.

Các chuyên gia cho biết, xe tăng Leopard A4 của Tây Ban Nha có thể có hệ thống điều khiển hỏa lực khác với của Phần Lan, mặc dù về cơ bản chúng có thể tương tác với nhau. Chuyên gia Sonny Butterworth nói: "Người Ukraine sẽ vận hành một số loại thiết bị khác nhau và họ sẽ đối mặt với việc phải hỗ trợ chúng bằng các phụ tùng thay thế phù hợp".

Theo chuyên gia này, Ukraine lâu nay dựa vào xe tăng chiến đấu T-72 cũ của Liên Xô và có thể cảm thấy họ chỉ cần phần cứng để chống lại Nga, đẩy mạnh tiến độ trên chiến trường. Nhưng về lâu dài, việc vận hành nhiều loại xe tăng có thể dẫn đến những khó khăn lớn hơn về hậu cần với Kiev.

Quyết định của Mỹ gửi xe tăng M1 Abrams tới Ukraine đã cung cấp một loại vũ khí mạnh mẽ cho lực lượng của Kiev trong ngắn hạn. Nhưng nó cũng là một thứ có thể gây ra sự hỗn loạn nếu không có sự hỗ trợ và bảo trì hậu cần thích hợp. Một quan chức Mỹ nói rằng, mặc dù các lực lượng Ukraine đã thể hiện năng lực đáng kể trong việc sử dụng vũ khí của Mỹ trên chiến trường, việc vận hành xe tăng M1 Abrams đòi hỏi sự chuẩn bị kỹ lưỡng hơn nhiều, bao gồm cả hoạt động huấn luyện diễn ra bên ngoài Ukraine.

Một yếu tố phức tạp khác chính là loại uranium nghèo (depleted uranium) được sử dụng trong bộ giáp dành riêng cho các phiên bản xe tăng quân sự của Mỹ. Bộ giáp này được chế tạo từ các thành phần đã được xếp loại bí mật mà Mỹ thường không xuất khẩu. Chưa hết, tổng số xe tăng mà Mỹ và đồng minh châu Âu cam kết cung cấp cho Ukraine vẫn thấp hơn nhiều so với hơn 300 chiếc mà Tổng thống Ukraine Zelensky tuyên bố là cần thiết để đẩy lui quân Nga.

Ông Franz-Stefan Gady, thành viên cấp cao tại Viện Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (IISS) có trụ sở tại London, chỉ ra rằng, tác động của "số lượng hạn chế" xe tăng đến Ukraine vào tháng 3 sẽ phụ thuộc vào quá trình huấn luyện và mức độ phối hợp của các đội hình mới trên tiền tuyến. Vị chuyên gia này nhận định: "Không một hệ thống hay nền tảng vũ khí đơn lẻ nào có thể thay đổi cuộc chơi".

Bước tiếp theo sau xe tăng

Với việc những cỗ xe tăng mà Mỹ và các đồng minh châu Âu cung cấp đang chuẩn bị ra tiền tuyến sau nhiều tháng tranh cãi tại các nước phương Tây, các nhà hoạch định quân sự ở Kiev đang chuyển sự chú ý của họ sang bước tiếp theo - những chuyến hàng chuyển giao máy bay chiến đấu hiện đại.

Các cuộc trò chuyện giữa tờ Wall Street Journal với nhiều quan chức quân sự và nhà ngoại giao phương Tây xác nhận đã diễn ra một cuộc tranh luận nội bộ về việc cung cấp cho Ukraine máy bay chiến đấu hiện đại, do các quan chức Ukraine thúc đẩy với sự ủng hộ từ các quốc gia cứng rắn vùng Baltic. Cuộc tranh luận này có thể sẽ còn gây tranh cãi hơn cả việc cung cấp xe tăng cho Kiev.

Ở châu Âu, nhiều quan chức và nhà ngoại giao cho biết chính phủ của họ không còn coi ý tưởng này là không thể bắt đầu, nhưng lo ngại về nguy cơ leo thang xung đột vẫn còn cao. Các bộ trưởng quốc phòng từ các đồng minh của Ukraine sẽ tổ chức một hội nghị thượng đỉnh tiếp theo vào tháng 2 tới tại căn cứ quân sự Ramstein của Mỹ ở Tây Nam Đức. Tại hội nghị, vấn đề hỗ trợ Ukraine về không quân dự kiến sẽ là trọng tâm chính.

Những diễn biến trên xảy ra sau những bình luận vào tháng trước từ Ngoại trưởng Slovakia Rastislav Káer, người đã nói với hãng tin Interfax - Ukraine rằng chính phủ của ông "sẵn sàng" chuyển giao các máy bay chiến đấu MiG-29 thời Liên Xô cho Kiev, đồng thời đang trao đổi với các đối tác NATO và Tổng thống Volodymyr Zelensky về cách thức thực hiện. Trong khi đó, các chính trị gia cấp cao khác thì dè dặt hơn nhiều.

Hôm 25/1, Thủ tướng Đức Olaf Scholz đã bác bỏ việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Kiev, với lý do cần phải ngăn leo thang quân sự. Ông khẳng định: "Sẽ không có việc chuyển giao máy bay chiến đấu cho Ukraine. Điều này đã được làm rõ từ đầu, kể cả từ Tổng thống Mỹ". Do đó, một số quan chức tin rằng cuộc thảo luận vào tháng tới tại Ramstein sẽ tập trung hơn vào việc đưa ra một kế hoạch dự phòng, trong trường hợp máy bay chiến đấu thật cần thiết vào một thời điểm nào đó trong tương lai, thay vì đạt được thỏa thuận về việc chuyển giao trong thời gian ngắn.

Hồi tuần trước, Ngoại trưởng Anh James Cleverly đã gặp các quan chức cấp cao của Mỹ tại Washington để thảo luận về việc hỗ trợ quân sự nhiều hơn cho Ukraine, ngoài việc cung cấp xe tăng. Phát biểu sau đó, ông từ chối cho biết liệu những cuộc trao đổi đó có đề cập đến cung cấp máy bay chiến đấu, bom chùm hay tên lửa tầm xa hay không.

Các nhà ngoại giao châu Âu cho rằng, thay vì máy bay chiến đấu có người lái, phương Tây trước tiên sẽ muốn sử dụng hết tất cả các lựa chọn khác để hỗ trợ trên không, bao gồm nhiều máy bay không người lái tấn công hơn và có thể là tên lửa tầm xa. Washington gần đây cũng đã phê duyệt một lô hàng tên lửa không điều khiển Zuni thời Chiến tranh Lạnh mà quân đội Ukraine có thể phóng từ các máy bay MiG thời Liên Xô.

Nhưng các nhà ngoại giao này cũng chỉ ra rằng, các quyết định gần đây của Mỹ là bằng chứng cho thấy Washington đang chuẩn bị cho một cuộc thảo luận về máy bay. Vào tháng 7/2022, Hạ viện Mỹ đã phê duyệt 100 triệu USD để đào tạo phi công Ukraine lái máy bay chiến đấu của Mỹ, và vào tháng 10/2022, Ukraine tuyên bố một nhóm gồm vài chục phi công đã được chọn để đào tạo lái máy bay chiến đấu phương Tây.

Ông Yuriy Sak, cố vấn của Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Oleksii Reznikov cho biết, ưu tiên của Kiev sau xe tăng là đảm bảo an toàn cho máy bay phản lực và "những lý do" của các đồng minh (cho việc không gửi chiến đấu cơ) không phải là không thể vượt qua. Ông tin rằng, phương Tây hiện đang bị thuyết phục về sự cần thiết phải tăng cường một cách thận trọng nhưng nhất quán cấp độ của các hỗ trợ quân sự.

Ông cho biết, lực lượng không quân Ukraine đã để mắt tới các máy bay F-16 và F-15 của Mỹ nhưng cũng sẵn sàng tiếp nhận các loại khác. Phần lớn máy bay F-15 và F-16 do Mỹ sở hữu được triển khai ở các khu vực khác, bao gồm cả Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. "Có gần 50 quốc gia hiện đang sử dụng F-15. Tôi không tin dù chỉ một giây rằng Ukraine không xứng đáng có máy bay chiến đấu", ông Yuriy Sak nói.

Tuy nhiên, việc gửi máy bay sẽ đòi hỏi những nỗ lực hậu cần quan trọng đối với các đồng minh của Ukraine. Máy bay F-15 và F-16 yêu cầu đường băng dài, chất lượng cao, điều mà Ukraine thiếu. Các chuyên gia cho rằng Nga sẽ dễ dàng phát hiện ra bất kỳ nỗ lực nào nhằm xây dựng các căn cứ như vậy và sẽ tấn công chúng.

Ông Justin Bronk, nhà nghiên cứu cấp cao về sức mạnh không quân tại Viện nghiên cứu RUSI của Anh cho biết, các máy bay chiến đấu F-18 của Mỹ hoặc Gripens của Thụy Điển sẽ phù hợp hơn, vì chúng có thể cất cánh từ các bãi đáp ngắn hơn và ít cần bảo dưỡng hơn. Nhưng cả hai máy bay phản lực này đều có nguồn cung tương đối ít.

Các máy bay chiến đấu khác, chẳng hạn như Rafales do Pháp sản xuất, có thể yêu cầu một số lượng lớn nhân viên phương Tây trên mặt đất ở Ukraine để sửa chữa và chuẩn bị cho các chuyến bay. Những người này dễ trở thành mục tiêu cho các cuộc tấn công của Nga.

 

Khổng Hà / CAND