Các quy định trong JCPOA được thiết kế để Iran khó nhanh chóng chế tạo bom hạt nhân ngay cả khi phá vỡ các thỏa thuận.

nhung rao can ngan iran so huu vu khi hat nhan

Một quan chức an ninh Iran đi qua một cơ sở chuyển đổi uranium năm 2005. Ảnh: AP.

Iran ngày 7/7 thông báo họ sẽ vượt qua giới hạn làm giàu uranium được quy định trong thỏa thuận hạt nhân năm 2015 ký với Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Trung Quốc, Nga và EU. Thứ trưởng Ngoại giao Iran Abbas Araghchi cho biết họ sẽ bắt đầu làm giàu uranium để cung cấp nhiên liệu cho nhà máy điện Bushehr, nơi cần uranium làm giàu mức 5%.

Uranium được tìm thấy trong tự nhiên, nhưng không phải tất cả uranium đều có thể được sử dụng làm nhiên liệu hạt nhân. Chỉ có đồng vị uranium-235 mới có thể được dùng để cung cấp năng lượng cho các lò phản ứng và chế tạo bom hạt nhân, nhưng nó chỉ chiếm khoảng 0,7% uranium được khai thác từ đất. Làm giàu uranium là quá trình thu thập đồng vị uranium-235 lên mức cao hơn.

Với mức làm giàu 3-5%, uranium có thể được sử dụng cho các lò phản ứng điện hạt nhân vốn được xây dựng ở nhiều quốc gia trên thế giới. Ở mức 20%, chúng được sử dụng cho một số loại lò phản ứng nghiên cứu ít phổ biến hơn. Uranium làm giàu mức 90% được dùng để chế tạo vũ khí hạt nhân.

Trước khi Iran và các cường quốc ký kết thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran đã bắt đầu làm giàu số lượng lớn uranium tới gần 20%. Với kỹ thuật hiện nay, việc làm giàu uranium từ 20% lên mức 90% là tương đối đơn giản và hầu hết chuyên gia đều đồng ý rằng Iran khi đó chỉ còn cách mục tiêu chế tạo đủ vật liệu cho bom nguyên tử vài tuần hoặc vài tháng nếu họ quyết định "chạy nước rút".

Tuy nhiên, Iran đã không làm vậy. Thay vào đó, họ giao nộp lượng lớn uranium làm giàu 20% để được nới lỏng trừng phạt kinh tế. Số uranium này được làm loãng và sau đó được xuất khẩu sang Nga, theo Corey Hinderstein, cựu quan chức chính quyền Obama đã giám sát thỏa thuận. Iran cũng tắt một số thiết bị làm giàu uranium gọi là máy ly tâm.

Theo thỏa thuận hạt nhân năm 2015, Iran có thể tiếp tục làm giàu uranium nhưng phải dừng lại ở giới hạn 3,67%. "Các nước đưa ra con số này là có lý do", Hinderstein nói. "Đó là một trong những giới hạn ngăn Iran có thể nhanh chóng chế tạo bom hạt nhân".

Ngoài việc phải giữ độ làm giàu uranium ở mức thấp, Iran cũng bị hạn chế về lượng uranium có thể sở hữu. Theo thỏa thuận, họ không thể sở hữu quá 300 kg uranium làm giàu 3,67%.

Ngày 1/7, Iran tuyên bố họ đã vượt quá giới hạn 300 kg. Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế xác nhận Iran đã vi phạm quy định này. Tehran còn tuyên bố sẽ tiếp tục phá bỏ thêm thỏa thuận sau mỗi hai tháng nếu các nước tham gia ký kết JCPOA không có biện pháp khả thi giúp giảm bớt áp lực từ lệnh trừng phạt của Mỹ.

Với việc liên tiếp "phá rào" thỏa thuận hạt nhân như vậy, liệu Iran có thể sản xuất đủ vật liệu cho vũ khí hạt nhân trong vài tuần tới hay không? Giới chuyên gia cho rằng câu trả lời là "không". Với những rào cản được thiết kế trong JCPOA, Iran sẽ mất nhiều thời gian để làm giàu uranium ở mức cao hơn và tích lũy đủ lượng uranium cấp vũ khí. Hinderstein đánh giá khoảng một năm nữa Iran mới sản xuất được đủ vật liệu cần thiết cho bom hạt nhân.

Iran liên tục khẳng định chương trình của họ phục vụ mục đích hòa bình và họ không muốn có vũ khí hạt nhân. Tuy nhiên, Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế đã tìm thấy bằng chứng về một chương trình vũ khí hạt nhân được Iran duy trì cho đến giữa thập niên 2000.

Từ khi mới đắc cử Tổng thống Mỹ, Trump đã coi Iran là "cái gai trong mắt" và liên tục chỉ trích nước này. Mỹ ngày 8/5/2018 rút khỏi thỏa thuận hạt nhân, tái áp đặt lệnh trừng phạt với Iran.

Dù vậy, Tehran vẫn duy trì thỏa thuận với hy vọng các bên khác, bao gồm châu Âu, Trung Quốc và Nga, sẽ giúp họ thoát khỏi sức ép kinh tế từ lệnh cấm vận của Mỹ. Nhưng chính quyền Trump đã đe dọa sẽ áp lệnh trừng phạt với bất kỳ thực thể nào làm ăn với Iran, khiến kinh tế Iran bị bóp nghẹt.

Vì vậy, tuyên bố làm giàu uranium vượt quá mức được quy định là cách Iran thể hiện họ đã hết kiên nhẫn và gây sức ép để các nước khác cố gắng kiềm chế Mỹ nhằm cứu vãn thỏa thuận.

"Hành động của chúng tôi là nhằm bảo vệ thỏa thuận hạt nhân chứ không phải vô hiệu hóa nó. Đây là cơ hội cho các cuộc đàm phán. Nếu các đối tác của chúng tôi không sử dụng cơ hội này, họ không nên nghi ngờ quyết tâm rút khỏi thỏa thuận của chúng tôi", Araghchi nói.

Iran tuyên bố sẵn sàng tái tuân thủ thỏa thuận nếu được trao những lợi ích kinh tế đã được hứa hẹn. Tuy nhiên, đó là điều khó thực hiện khi Mỹ tiếp tục duy trì các biện pháp trừng phạt nghiêm ngặt đối với quốc gia này.

Mỹ từng thực hiện các chiến dịch phá hoại chương trình hạt nhân của Iran như tấn công mạng nhưng các phương pháp như vậy không thể ngăn chặn hoàn toàn nếu Tehran muốn sở hữu vũ khí hạt nhân.

Việc thực hiện chiến dịch không kích nhằm vào các cơ sở hạt nhân có thể khiến chương trình của Iran chậm lại, nhưng đó chỉ là biện pháp tạm thời. "Bạn không thể xóa bỏ một chương trình bằng cách đánh bom", David Albright, chủ tịch Viện Khoa học và An ninh Quốc tế, nói. "Tôi nghĩ biện pháp khả thi nhất vẫn là đàm phán".

nhung rao can ngan iran so huu vu khi hat nhan Thổ Nhĩ Kỳ tịch thu vật liệu chế tạo vũ khí hạt nhân trị giá 72 triệu USD

Số californi được bọc trong túi, giấu dưới hộp cần số một ôtô ở tỉnh Bolu, tây bắc Thổ Nhĩ Kỳ.

nhung rao can ngan iran so huu vu khi hat nhan Trump khoe \'biết nhiều\' về vũ khí hạt nhân, cảnh báo nguy cơ chiến tranh với Iran

Tổng thống Mỹ sẵn sàng đàm phán với Iran nhưng không loại trừ khả năng phải sử dụng biện pháp quân sự với Tehran.

Phương Vũ (Theo NPR)

/ https://vnexpress.net