Nếu cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Triều không đạt được đột phá mong muốn, Trump có thể tức giận và chuyển sang giải pháp quân sự.

nhung rui ro trong cuoc gap lich su trump kim jong un

Người dân Hàn Quốc xem bản tin nói về cuộc gặp sắp tới của Trump và Kim Jong-un. Ảnh: AFP.

Tổng thống Mỹ Trump đồng ý gặp nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un với điều kiện Bình Nhưỡng dừng thử vũ khí và phi hạt nhân hóa sẽ là chủ đề thảo luận chính. Dù Nhà Trắng nhấn mạnh cuộc gặp thượng đỉnh là cách nhanh nhất để giảm nhiệt căng thẳng ở bán đảo Triều Tiên, nhiều chuyên gia vẫn nghi ngờ về việc này.

"Tôi lo sợ Trump đang rơi vào cái bẫy của Triều Tiên", Robert Manning, chuyên gia tại Hội đồng Atlantic, nói. "Một hội nghị thượng đỉnh nên được tổ chức vào cuối quá trình phi hạt nhân hóa chứ không phải dựa trên niềm tin rằng Kim Jong-un sẽ thực sự phi hạt nhân hóa".

Nhiều chuyên gia lo sợ Kim Jong-un sẽ lặp lại chiến thật mà bố mình từng áp dụng. Tháng 6/2000, ông Kim Jong-il tham gia cuộc họp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên và nhận được 500 triệu USD từ Hàn Quốc, sau khi phóng tên lửa qua Nhật Bản năm 1998 và chạm trán trên biển với Hàn Quốc năm 1999, theo Hill.

Quan chức quân sự cấp cao nhất của Kim Jong-il đã thay mặt ông chuyển cho Tổng thống Clinton lời mời đến Triều Tiên. Ông Clinton không nhận lời nhưng đã cử ngoại trưởng Madeleine Albright đến Bình Nhưỡng. Cuối cùng, Mỹ trao cho Triều Tiên hơn 1,3 tỷ USD nhưng các nỗ lực phi hạt nhân hóa đổ bể vào năm 2002, dưới thời chính quyền George W. Bush. Bài học trong quá khứ khiến nhiều người lo ngại Triều Tiên chỉ đang câu giờ và tìm kiếm những lợi ích kinh tế chứ không thực hiện cam kết.

"Trump sẽ muốn Triều Tiên ngay lập tức cam kết phi hạt nhân hóa nhưng họ sẽ không làm vậy", Vipin Narang, giáo sư khoa học chính trị thuộc Học viện Công nghệ Massachusetts, nói. "Triều Tiên sẽ muốn Mỹ cam kết chấm dứt chính sách thù địch và Washington sẽ không đồng ý. Cả hai sẽ không đạt được thỏa thuận gì".

"Ông Kim không muốn gặp ông Trump để từ bỏ vũ khí hạt nhân. Ông ấy muốn được Mỹ đối xử ngang bằng, đó là mục tiêu của gia đình họ Kim kể từ khi Triều Tiên bắt đầu chương trình tên lửa", Narang nói thêm.

Việc chọn lựa địa điểm để hai bên họp thượng đỉnh là vấn đề khó vì phải tính đến tính biểu tượng, an toàn và thực tế. Việc đàm phán ở Mỹ hay Triều Tiên có vẻ như không khả thi. Các địa điểm được giới chuyên gia đề xuất là Khu phi quân sự chia cách Hàn - Triều, một nước ở châu Á như Trung Quốc hay các quốc gia trung lập.

"Có gần 70 năm lịch sử thù địch giữa hai quốc gia. Họp tại một nơi an toàn và không làm nổi bật sự khác biệt giữa hai nước sẽ là phương án tốt nhất". Lisa Collins, học giả về Triều Tiên tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, nói.

Nhà bình luận Tom Rogan viết trên Washington Examiner rằng Mỹ nên cảnh giác cao độ nếu cuộc gặp diễn ra ở Khu phi quân sự vì Triều Tiên có thể điều động lực lượng lớn ở đây. Có rủi ro xảy ra trường hợp bất ngờ như sĩ quan Triều Tiên tấn công Trump dù không nhận được lệnh của cấp trên vì người Triều Tiên lâu nay được giáo dục tinh thần căm ghét Mỹ. Theo ông, để giảm nguy cơ, nhân viên an ninh Mỹ - Triều có thể đồng ý không mang vũ khí và công tác đảm bảo an ninh sẽ do một nước trung lập phụ trách, chẳng hạn như Thụy Điển.

Các nhà phân tích cũng cảnh báo rằng nếu Trump ngồi vào bàn đàm phán với mục tiêu đạt được một bước đột phá khổng lồ nhưng lại nhận được kết quả không như mong muốn, ông có thể đưa ra quyết định táo bạo.

"Nếu Trump không đạt được mục tiêu là phi hạt nhân hóa bán đảo Triều Tiên, ông ấy có thể thất vọng, giận dữ, tin rằng các cuộc đàm phán sẽ là vô dụng chỉ có thể dùng lựa chọn quân sự", Narang nói.

Suzanne DiMaggio, một thành viên cao cấp của trung tâm nghiên cứu Mỹ nói rằng việc họp thượng đỉnh là quá nóng vội và lẽ ra trước khi hai nhà lãnh đạo gặp nhau, hai bên đã phải có một số thỏa thuận cụ thể.

"Cần phải xử lý cẩn thận và chuẩn bị nhiều công việc", bà viết trên Twitter. "Nếu không, sẽ có nguy cơ cuộc gặp chỉ có bề ngoài chứ không có thực chất. Ngay bây giờ, Kim Jong-un đang là bên chủ động thiết lập chương trình nghị sự còn chính quyền Trump chỉ đang phản ứng. Nhà Trắng cần phải nhanh chóng lật ngược tình thế này".

Trong khi đó, một quan chức chính quyền Trump bảo vệ quyết định của Tổng thống, lập luận rằng các cuộc đàm phán cấp thấp của các chính quyền trước đó đã thất bại. "Tổng thống Trump đắc cử một phần vì ông sẵn sàng có cách tiếp cận rất khác với những người tiền nhiệm", quan chức này nói.

nhung rui ro trong cuoc gap lich su trump kim jong un Triều Tiên thận trọng về cuộc gặp thượng đỉnh Trump - Kim Jong-un

Hàn Quốc cho rằng Triều Tiên im lặng trước các cuộc gặp thượng đỉnh với Mỹ có thể do thận trọng về việc thể hiện ...

nhung rui ro trong cuoc gap lich su trump kim jong un Hệ quả khó lường từ cuộc khẩu chiến Trump - Kim Jong-un

Khi cả hai bên tung ra những đòn công kích cá nhân nặng nề về phía nhau, cánh cửa thỏa hiệp cũng dần khép lại.

/ https://vnexpress.net