Nhìn lại 2021 đã qua, câu hỏi lớn nhất trong tôi là: Những gì thực sự đang xảy ra trong thế giới của chúng ta vậy? Quả địa cầu trên bàn làm việc của tôi xanh ngắt và có một nước ở châu Úc tự nó tìm đến mắt tôi, đó là New Zealand. Chẳng phải vì tôi có những người bạn ở đó và thường xuyên được nghe kể về những bờ biển thanh bình cùng một lối sống không bon chen, mà vì số liệu dân cư của đất nước này cứ văng vẳng bên tai: gần 5 triệu người. Số liệu này có ý nghĩa gì, theo bạn?
1. Bạn hãy vào Google và gõ cụm từ “Số người chết vì COVID-19”. Chẳng khó khăn gì, bạn sẽ nhận được kết quả: hơn 5,4 triệu người. Như thế có nghĩa, số người chết vì COVID trong 2 năm COVID tương đương với dân số của một quốc gia. Nếu sự so sánh này vẫn chưa đủ để hình dung về sự tàn khốc của dịch bệnh thì xin bạn hãy nhớ lại hình ảnh những tử thi được bọc trong những tấm vải trắng muốt, nằm la liệt bên các lò thiêu ở Ấn Độ, nơi mà vào giữa năm 2021, số người chết vì dịch bệnh tăng từng ngày, từng giờ, từng phút.
Biến chủng Delta đã làm ngả nghiêng tất cả, biến chủng Omicron còn có thể làm gì: hoặc tạo ra những kết cục tàn khốc hơn, hoặc là chỉ dấu cho thấy COVID-19 chuẩn bị bước vào giai đoạn kết thúc như những tranh luận của các nhà dịch tễ học nổi tiếng trên thế giới? Thật khó trả lời chính xác. Mà nói chung, cái cách COVID-19 xuất hiện và càn quét nhân loại này một lần nữa chứng minh: ở thế kỷ này, thật khó đoán biết về những gì sẽ xảy ra trong tương lai.
Nhưng, chúng ta biết rằng COVID-19 tiếp tục làm hàng triệu người mất việc, tiếp tục làm chuỗi cung ứng toàn cầu khủng hoảng và nền kinh tế toàn cầu thiệt hại khoảng 3,3 nghìn tỉ USD! Chúng ta còn biết rằng, WHO bất lực trong việc quay lại Vũ Hán (Trung Quốc) để truy tìm nguyên nhân thật sự của dịch bệnh, vì theo Trung Quốc, cuộc truy tìm lần 1 đã là quá đủ. Chúng ta còn biết rằng bài toán lớn mà Tổng thống Biden giao cho cộng đồng tình báo Mỹ, rằng trong 3 tháng phải trả lời chính xác xem “COVID-19 xuất hiện từ thiên nhiên hay từ phòng thí nghiệm” cũng không thể đưa ra những đáp số khác so với những đáp số đã được công bố. Do vậy COVID-19, tính đến lúc này vẫn sẽ hiện diện trong lịch sử nhân loại với tư cách là một dịch bệnh độc nhất vô nhị, bởi khác với những đại dịch trước đây như dịch hạch, đậu mùa, hay cúm Tây Ban Nha, COVID-19 vẫn khiến nhân loại hoài nghi về cách thức xuất hiện và lây lan của nó.
Và, sự hoài nghi đó có thể dẫn đến những hậu quả nghiêm trọng không kém gì những hậu quả của bản thân dịch bệnh. Vì nó sẽ khiến nhân loại nghi ngờ nhau, thường trực đề phòng nhau và thường trực xây dựng các kịch bản ứng phó, trả đũa lẫn nhau. Năm 1918, khi cúm Tây Ban Nha xuất hiện, càn quét qua nhiều nước châu Âu, nhân loại không phản ứng theo cách này.
2. Ngày 6-1-2021, những nhóm người đông đảo ủng hộ cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã bạo động lớn ở đồi Capitol, xông vào tòa nhà Quốc hội Mỹ, trong lúc cơ quan lập pháp này đang họp để công nhận chiến thắng cho ông Joe Biden. Lịch sử bầu cử Mỹ sẽ mãi mãi ghi nhớ cột mốc này như một trong những cột mốc khủng hoảng và đen tối nhất trong lịch sử chuyển giao chính quyền. Chẳng phải vì nó đã khiến 5 người chết, khiến hàng triệu USD bị thiệt hại, khiến Vệ binh Quốc gia phải vào cuộc, khiến một ông tổng thống bị Hạ viện luận tội (nhưng sau đó được Thượng viện tha bổng), mà vì theo đánh giá của cả những người bên trong lẫn bên ngoài nước Mỹ: nó là một cái tát đau điếng vào nền dân chủ quốc gia. Nó khiến cho những đối thủ của Mỹ nhìn vào đây để mỉa mai và khiến nhiệm vụ “gắn kết nước Mỹ” của vị tân tổng thống trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Nếu tháng 1-2021, nước Mỹ chứng kiến một cuộc chuyển giao ghế tổng thống có một không hai trong lịch sử thì hơn 10 tháng sau, ở Trung Quốc lại xuất hiện một sự kiện lịch sử theo chiều ngược lại. Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc thông qua Nghị quyết “Những thành tựu chính và kinh nghiệm lịch sử trong cuộc đấu tranh trăm năm của Đảng”, nhấn mạnh vai trò lãnh đạo của Chủ tịch nước Tập Cận Bình ở hiện tại và tương lai. Nghị quyết này nâng ông Tập Cận Bình lên vị trí ngang hàng với các lãnh đạo tiền nhiệm như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình. Nên nhớ Trung Quốc đã xóa bỏ giới hạn nhiệm kỳ chủ tịch nước, vì thế ông Tập đang đứng trước cơ hội làm được những điều mà những người tiền nhiệm của mình chưa làm được.
Những ngày cuối năm 2021, đặt câu chuyện đồi Capitol ở nước Mỹ bên cạnh câu chuyện về một nghị quyết lịch sử của Đảng Cộng sản Trung Quốc sẽ thấy cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ - Trung không đơn thuần là cuộc cạnh tranh về kinh tế, khoa học, hay quân sự. Về mặt bản chất sâu thẳm, nó là cuộc cạnh tranh của hai mô hình phát triển. Cuộc cạnh tranh mô hình này chắc chắn sẽ đốt nóng đời sống chính trị nhân loại thế kỷ 21 và nó là cuộc cạnh tranh mà những kinh nghiệm của thời Chiến tranh Lạnh chỉ có thể đem lại những giá trị tham khảo thuần túy. Bởi câu chuyện của thế kỷ 21 không còn là “chọn phe nào/chống phe nào”, mà là phải ứng biến như thế nào để lợi ích quốc gia hoặc đạt giá trị tối ưu, hoặc chịu thiệt hại tối thiểu trong những tình huống bất khả kháng.
3.Bên cạnh những đường nét chung mang đặc tính toàn cầu như dịch bệnh hay mô hình phát triển, thế giới năm 2021 xuất hiện nhiều điểm nóng cục bộ, làm thay đổi tình hình quốc gia hoặc khu vực một cách khôn lường. Gần chúng ta nhất là cuộc “đảo chính trong nháy mắt” ở Myanmar, nơi mà lực lượng quân đội đã lật đổ chính quyền dân sự của Cố vấn nhà nước Aung San Suu kyi, châm ngòi cho làn sóng biểu tình khiến hơn 1.000 người thiệt mạng. Xa chúng ta một chút là những căng thẳng lớn nhất trong 40 năm qua mà Trung Quốc đại lục tạo nên với Đài Loan. Và, xa chúng ta hơn nữa là những áp lực mà người Nga tạo ra với láng giềng Ukraina, khi huy động tới hơn 100.000 quân ở khu vực biên giới hai nước.
Câu chuyện ở Myanmar sẽ kéo theo phản ứng của ASEAN và giới quan sát đang tò mò xem ASEAN thời Brunei làm chủ tịch (2021) với ASEAN thời Campuchia làm chủ tịch (2022) sẽ có những khác biệt quan trọng nào không? Câu chuyện ở Đài Loan lại kéo theo phản ứng từ Mỹ, Nhật, với lời tuyên bố đanh thép của cựu Thủ tướng Nhật Shinzo Abe: “Nếu Trung Quốc tấn công Đài Loan, liên minh Mỹ - Nhật không ngồi yên”. Lập tức, Trung Quốc triệu tập Đại sứ Nhật đến phản ứng và Bộ Quốc phòng hai nước sau đó đã thiết lập một đường dây nóng để tránh mọi va chạm không đáng có trên không và trên biển. Câu chuyện Ukraina lại kéo theo những phản ứng của EU, của NATO và đặc biệt là của Mỹ, khi mà chỉ trong 1 tháng Tổng thống Mỹ đã phải 2 lần điện đàm với Tổng thống Nga và trong cả 2 cuộc điện đàm đó, ngoại trừ những thông báo xã giao về việc duy trì mối liên hệ thường trực, hai bên vẫn giữ nguyên quan điểm vốn có của mình. Nếu phải bổ sung thêm một điểm nóng trong tập hợp những điểm nóng đã nêu thì đó là việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan, tạo điều kiện cho Taliban nổi lên giành lại chính quyền chỉ trong vài tháng.
Bức ảnh mà bạn đang nhìn thấy trong bài viết được rút ra từ chính sự kiện này. Nó chộp lại khoảnh khắc một sinh linh bé bỏng được trao vào tay lính Mỹ qua hàng rào thép gai trong những giờ phút cuối cùng tại sân bay Kabul, trước khi Taliban giành quyền kiểm soát. Bức ảnh này có thể sẽ nhắc nhớ bạn nhiều điều, trong đó có một điều xương cốt: trong mọi hoàn cảnh, quyền lợi dân tộc, quốc gia, chứ không phải quyền lợi đồng minh hay quyền lợi đảng phái mới là điều quan trọng nhất!
4.Trong vô số những gam màu trầm mặc của thế giới 2021, tôi cố đi tìm một điểm sáng và đó có thể là Hội nghị Thượng đỉnh về biến đổi khí hậu (COP26) được chăng? Dù vẫn còn nhiều khác biệt xen lẫn hoài nghi nhưng dẫu sao những nguyên thủ quốc gia cũng ngồi lại với nhau để cùng thống nhất tới năm 2100 sẽ duy trì mức gia tăng 1,5 độ C so với thời tiền công nghiệp. Muốn vậy, lượng khí thải từ nay đến 2030 phải giảm 45%. Và muốn vậy, những cam kết về giảm thải của Mỹ, Trung Quốc, Ấn Độ, Brazil, Saudi Arabia... phải trở thành hiện thực, thay vì chỉ là những lời chót lưỡi đầu môi như nhiều lần trước.
“COP26 thất bại, nền văn minh của chúng ta sẽ sụp đổ như đế chế La Mã”, Thủ tướng Anh nói vậy. Chắn chắn là nhiều nguyên thủ cũng hiểu rõ như vậy. Nhưng, phải làm sao để dung hòa lợi ích quốc gia với lợi ích nhân loại, phải làm sao để những hoài nghi về nhau được giảm thiểu (chẳng hạn những hoài nghi về nguồn gốc COVID-19), phải làm sao để luật pháp quốc tế thực sự được tôn trọng (chẳng hạn như Công ước Liên hiệp quốc về Luật Biển 1982), phải làm sao để “cá lớn” không thể hà hiếp “cá bé” theo những cách tinh vi hơn nhiều so với thời Trung cổ vẫn là những thách thức mang bản chất con người.
Câu chuyện về sự hưng vong và sụp đổ của đế chế La Mã chắc chắn không chỉ là câu chuyện của một nhà nước, ở một thời điểm nhất định của lịch sử!
Phan Đăng
Chính phủ mới ở Afghanistan và những thách thức nhãn tiền |
Ẩn dụ mới và những thách thức dị thường |