Lợn rừng đang dần thay thế cư dân những thị trấn Nhật có dân số già hóa hoặc ít đi do người dân chuyển tới nơi khác sinh sống.
Lợn rừng xông vào khu ký túc xá đại học Kyodo hồi tháng 6/2017. Ảnh: Kyodo News. |
Tỉnh Iwate chỉ có hai con lợn rừng bị bắt năm 2011 nhưng năm ngoái, con số này đã tăng lên 94. Các thành thị Nhật Bản đang trải qua hiện tượng bùng nổ số lượng lợn rừng chứ không phải dân cư, theo Washington Post.
Lũ lợn rừng di chuyển vào các khu người dân sinh sống, trong bối cảnh dân số nước Nhật đang già hóa, lượng cư dân giảm dần do người qua đời hay chuyển tới nơi khác sinh sống. Lợn rừng chiếm cứ đồng ruộng, nhà cửa bị bỏ hoang.
"30 năm trước, quạ là vấn đề lớn nhất ở đây", Hideo Numata, 67 tuổi, một nông dân ở Hiraizumi, thị trấn có dân số hơn 7.800 người ở tỉnh Iwate, cho hay. "Bây giờ thì lợn rừng lại hoành hành, mà thị trấn quá vắng người, không đủ dọa chúng sợ hãi bỏ đi".
Numata được coi là người tương đối trẻ ở đây. Bạn bè ông là Etsuro Sugawa và Shoichi Chiba đã 67 và 70 tuổi. Nạn lợn rừng hoành hành ở nhiều vùng miền nam Nhật Bản vài năm nay. Chúng xuất hiện ở các ga tàu, bãi đỗ xe, ký túc xá trường học, thậm chí vượt biển bơi sang đảo.
Hồi đầu tháng, một con lợn rừng 79 kg đã tấn công một bà cụ ngoài 70 tuổi ở đảo Shikoku khi bà mở cửa nhà. Một con lợn rừng khác xông vào trung tâm mua sắm trên đảo vào tháng 10 năm ngoái, cắn nhân viên, lao từ cửa hàng này sang cửa hàng khác trước khi bị bắt. Tại Kyoto, ít nhất 10 con lợn rừng bị phát hiện ở khu dân cư năm ngoái. Hai con bị bắt ở một trường học hồi tháng 12.
Chúng đang tàn phá vào khu vực phía bắc như Iwate, nơi trước đây hiếm lợn rừng bởi khí hậu quá lạnh và trời hay đổ tuyết. Nhiều vùng ở Nhật Bản đang chật vật đối phó với dân số suy giảm và già hóa. Theo ước tính, Nhật Bản sẽ có 40% dân số hơn 65 tuổi vào năm 2050. Ở miền nam, dân cư đang có xu hướng dịch chuyển vào các đô thị lớn.
Ruộng đồng bị bỏ hoang do những người nông dân già qua đời và con cái họ không nối nghiệp. Chẳng hạn như nhà Sugawa và Chiba, cả hai đều có con trai nhưng họ đều làm công ăn lương và sinh sống trong thành phố chứ không có hứng thú làm nông. "Lũ lợn lan tràn như bệnh dịch hạch bắt đầu từ năm 2015", Sugawa nói.
Khu vực phía bắc này đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi dân số suy giảm. Người dân buộc phải rời khỏi đây sau thảm họa động đất năm 2011 khiến ba nhà máy hạt nhân ở Fukushima sụp đổ và trận sóng thần đã quét sạch các thị trấn duyên hải ở đây. Nhiều khu vực không còn thích hợp cho con người sinh sống nhưng là môi trường hoàn hảo cho lợn rừng.
Ở Hiraizumi, tổn thất do lợn rừng gây ra đã tăng gấp 6 lần trong giai đoạn 2015 - 2016. Tháng trước, nông dân gần Shizukuishi đã bắt được một con lợn đực to lớn, nặng gần 130 kg.
"Dân số suy giảm, ngày càng nhiều đồng ruộng bị bỏ hoang. Chúng là nơi hoàn hảo để lợn rừng ẩn náu và tìm kiếm thức ăn", Kochi Kaji, giáo sư ngành quản lý động vật hoang dã ở Đại học Nông nghiệp và Công nghệ Tokyo, lý giải.
Chính quyền địa phương đang hỗ trợ nông dân xây hàng rào điện, nhưng rất ít người đủ sức lực để làm. Các nhà chức trách cũng khuyến khích người dân địa phương xin giấy phép để bẫy và giết lợn rừng, nhưng các thủ tục hành chính đang gây khó dễ cho họ.
Nông dân cần xin giấy phép sở hữu súng, mà quá trình hành chính này rất phức tạp và mất nhiều thời gian. Nếu muốn đặt bẫy, họ cũng phải thi viết và thi thực hành. Khi nào có giấy phép, nông dân mới được phép bắt và bắn lợn rừng.
"Nhân lực thiếu thốn đang là vấn đề khó nhất", Rise Suzuki, quan chức thị trấn Hiraizumi phụ trách chiến dịch chống lợn rừng cho hay. "Chúng tôi cần nông dân bảo vệ đất đai của họ và chống lại lũ lợn, nhưng họ không đủ sức làm bởi đa số đều là người cao tuổi".
Những thị trấn \'ma\' ở nước Nga: Vấn đề đau đầu của Moscow Trên khắp nước Nga, hàng trăm thị trấn nhỏ bị bỏ hoang trong 20 năm gần đây do quá phụ thuộc 1 ngành nghề. Chính ... |
Những thị trấn nhỏ đẹp nhất Châu Âu khiến bạn như lạc vào xứ thần tiên Nếu tìm kiếm những thị trấn châu Âu quyến rũ nhất, hãy bắt đầu với vịnh Na Uy, dãy Alps hay các hòn đảo Hy ... |