Dù có tầm bắn tương đối ngắn, pháo phòng không vẫn là vũ khí đáng sợ đối với tên lửa hành trình và tiêm kích bay thấp của đối phương. 

nhung to hop phao phong khong uy luc nhat cua nga
Pháo phòng không tự hành ZSU-23-4M4 phiên bản hiệna đại hóa của quân đội Nga. Ảnh: Vitaly Kuzmin.

Quân đội Nga sở hữu một trong những hệ thống tên lửa phòng không hiện đại và có tầm bắn xa nhất trên thế giới. Tuy nhiên, lực lượng này khó ngăn chặn các đợt tấn công bằng tên lửa hành trình và máy bay đột kích ở tầm thấp, buộc Moscow duy trì nhiều tổ hợp pháo phòng không uy lực để hoàn thiện lưới lửa đa tầng, bảo vệ những công trình và vũ khí chiến lược, theo Sputnik.

ZSU-23-4 Shilka

Được phát triển từ thập niên 1960, ZSU-23-4 Shilka vẫn nằm trong số những hệ thống pháo phòng không nguy hiểm trong thế kỷ 21. ZSU là viết tắt của cụm từ "hệ thống pháo phòng không tự hành", 23 là cỡ nòng tính bằng mm, trong khi 4 là số nòng pháo trên mỗi tổ hợp. Biệt danh của ZSU-23-4 được đặt theo tên dòng sông Shilka của Nga, còn lính Afghanistan gọi nó là "máy khâu" vì tiếng pháo khai hỏa.

ZSU-23-4 có nhiệm vụ phòng không tầm gần cho các cơ sở quân sự, cũng như binh lính và đội hình bộ binh cơ giới trên đường hành quân. Mỗi trung đoàn tăng Liên Xô trong thập niên 1960 được biên chế một tiểu đoàn Shilka với 8 xe chiến đấu, còn trung đoàn bộ binh cơ giới có một khẩu đội với 4 tổ hợp Shilka.

Mỗi xe ZSU-23-4 nặng 19 tấn, sử dụng khung gầm bánh xích GM-575 với giáp thép dày từ 9 đến 15 mm. Vũ khí chính của Shilka là 4 pháo 2A7 cỡ nòng 23 mm, được dẫn bắn bởi radar RPK-2 "Tobol". Cụm pháo 23 mm có tầm bắn hiệu quả khoảng 2,5 km và tốc độ bắn tối đa 4.000 phát/phút.

Sự kết hợp giữa khả năng cơ động và hỏa lực mạnh có độ chính xác cao khiến ZSU-23-4 vượt trội nhiều hệ thống pháo phòng không cùng thời của Mỹ và NATO. Nó thậm chí còn được dùng với vai trò chống bộ binh và tăng thiết giáp khi cần thiết.

Tổng cộng có 6.500 tổ hợp ZSU-23-4 được Liên Xô và các nước Đông Âu chế tạo, nằm trong biên chế của 23 quốc gia. Nhiều gói nâng cấp đã được ứng dụng để duy trì uy lực cho Shilka, như trang bị tên lửa phòng không vác vai có tầm bắn 5 km hoặc nâng cấp radar điều khiển hỏa lực. ZSU-23-4 vẫn được coi là mối đe dọa nghiêm trọng với tiêm kích và trực thăng bay thấp, cũng như các loại tên lửa hành trình hiện đại.

ZU-23-2

Tổ hợp ZU-23-2 được phát triển vào cuối thập niên 1950 nhằm bảo vệ binh lính, cơ sở hạ tầng của Liên Xô trước các chiến dịch đổ bộ bằng trực thăng và máy bay thả dù. Sự xuất hiện của ZU-23-2 dẫn tới việc nghiên cứu chế tạo mẫu ZSU-23-4 Shilka.

Bệ pháo ZU-23-2 đặt trên khung gầm xe kéo, có thể chuyển thành bệ pháo cố định chỉ trong 30 giây hoặc bắn ngay trong tư thế hành quân nếu cần. Xạ thủ phải ngắm mục tiêu và khai hỏa thủ công, với sự trợ giúp của kính quang học ZAP-23. Tổ hợp pháo cũng được trang bị một kính ngắm T-3 để tấn công mục tiêu mặt đất như bộ binh và xe thiết giáp hạng nhẹ.

ZU-23-2 trang bị hai nòng pháo 2A14 cỡ 23 mm, mỗi pháo có hộp tiếp đạn 50 viên. Thế hệ pháo 2A14 đầu tiên chỉ có thể bắn 100 phát đạn trước khi nòng bị mòn và phải thay thế. Phiên bản 2A14M được phát triển nhằm khắc phục nhược điểm này với tuổi thọ nòng lên tới 10.000 phát đạn.

Tổ hợp ZU-23-2 đạt tốc độ bắn 2.000 phát/phút, tầm bắn hiệu quả 2,5 km với mục tiêu bay thấp như tên lửa hành trình. Kích thước nhỏ gọn và khối lượng chưa tới một tấn giúp tổ hợp này dễ dàng triển khai và che giấu ở nhiều địa điểm khác nhau.

Có khoảng 140.000 tổ hợp ZU-23-2 đã được Liên Xô chế tạo, chưa kể hàng loạt bản sao của Bulgaria, Ba Lan, Ai Cập và Trung Quốc vẫn đang được sản xuất. Những phiên bản hiện đại hóa của ZU-23-2 được trang bị máy đo xa laser, camera ảnh nhiệt và hệ thống điều khiển hỏa lực mới để tăng độ chính xác lên đáng kể.

2K22 Tunguska

Việc không quân Mỹ biên chế cường kích A-10 Thunderbolt II vào năm 1977 khiến nhiều hệ thống pháo cỡ nòng 23 mm của Liên Xô không còn duy trì được uy lực. Điều đó buộc Moscow biên chế tổ hợp pháo phòng không tự hành 2K22 Tunguska trang bị pháo 30 mm và tên lửa tầm ngắn vào thập niên 1980.

Quá trình phát triển Tunguska bắt đầu từ năm 1970, nhưng bị trì hoãn trong giai đoạn 1975-1977 với sự ra đời của tên lửa phòng không 9K33 Osa có thông số chiến đấu cao hơn. Sau nhiều cuộc tranh luận, quân đội Liên Xô cho rằng hệ thống tên lửa phòng không đơn thuần tỏ ra kém hiệu quả, phản ứng chậm chạp trước những cuộc đột kích bằng trực thăng ở độ cao cực thấp, điều từng xảy ra trong chiến tranh Yom Kippur năm 1973. Bởi vậy dự án Tunguska tiếp tục được triển khai.

nhung to hop phao phong khong uy luc nhat cua nga
Tổ hợp Tunguska trong trận địa dã chiến. Ảnh: Military Today.

Một đơn vị Tunguska hoàn chỉnh gồm 6 xe chiến đấu 2S6, ba xe chở và nạp đạn 2F77, cùng nhiều xe hậu cần kỹ thuật. Các xe chiến đấu được kết nối với trung tâm chỉ huy qua đường truyền vô tuyến, cho phép chúng chia sẻ dữ liệu và điều phối hoạt động đánh chặn.

Mỗi xe 2K22 Tunguska được trang bị hai pháo tự động 2A38M cỡ nòng 30 mm với tổng cộng 1.904 viên đạn. Cụm pháo đạt tốc độ bắn 5.000 phát/phút, tầm bắn tối đa 4 km và độ cao tối đa ba km. Bên cạnh đó là 8 tên lửa 9M311 có khả năng tiêu diệt mục tiêu từ cách 8 km và độ cao 3,5 km.

Tunguska được lắp một radar cảnh giới để tăng khả năng phát hiện mục tiêu, cùng radar điều khiển hỏa lực để tự dẫn bắn. Trong một số trường hợp, pháo 30 mm có thể hạ nòng để tiêu diệt mục tiêu mặt đất.

Pantsir-S1

Pantsir-S1 là tổ hợp pháo - tên lửa phòng không hỗn hợp phát triển từ nền tảng 2K22 Tunguska, được bổ sung nhiều tính năng và vũ khí mới để đối phó với các mối đe dọa trong thế kỷ 21. Nhiệm vụ chính của Pantsir-S1 là bảo vệ cơ sở hạ tầng và công trình quân sự, các trung đoàn tăng thiết giáp và bộ binh cơ giới, cũng như những hệ thống phòng không tầm xa như S-300 và S-400.

nhung to hop phao phong khong uy luc nhat cua nga
Tổ hợp Pantsir-S1 thế hệ đầu của quân đội Nga. Ảnh: Vitaly Kuzmin.

Một xe chiến đấu Pantsir-S1 gồm hai pháo tự động 2A38M cỡ nòng 30 mm với tốc độ bắn 5.000 phát/phút, trang bị 1.500 viên đạn nổ mảnh hoặc xuyên giáp với tầm bắn tối đa 4 km. Ngoài ra, Pantsir-S1 còn mang 12 tên lửa tầm ngắn 57E6 có khả năng diệt mục tiêu từ cách 20 km.

Biến thể Pantsir-S1 cơ bản được trang bị radar mảng pha quét điện tử thụ động, cho phép phát hiện và theo dõi nhiều mục tiêu cùng lúc. Hệ thống này có khả năng khai hỏa pháo và tên lửa trong khi di chuyển, còn mẫu Tunguska không thể bắn tên lửa khi ở trạng thái hành quân.

https://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/quan-su/nhung-to-hop-phao-phong-khong-uy-luc-nhat-cua-nga-3652784.html?vn_source=box-Topstory&vn_medium=fo-TheGioi&vn_campaign=vn

/ vnexpress.net