Mùa mưa mới bắt đầu nhưng hàng loạt vụ sạt lở xảy ra khiến người dân ở khắp các tỉnh, thành ĐBSCL đứng ngồi không yên
Theo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Vĩnh Long, sạt lở bờ sông thường xảy ra trong các tháng đầu mùa mưa. Hàng chục điểm được cảnh báo nguy cơ sạt lở cao trên sông Tiền, sông Cổ Chiên và sông Long Hồ qua các huyện Long Hồ, Vũng Liêm, Mang Thít và khu vực thượng lưu cầu Mỹ Thuận (thuộc 2 xã Tân Hòa và Tân Hội, TP Vĩnh Long).
Sạt lở bủa vây
Riêng trên sông Hậu, sạt lở đang diễn ra phức tạp từ xã Tân Quới (huyện Bình Tân) đến xã Mỹ Hòa (thị xã Bình Minh), khu vực cù lao Tròn (huyện Trà Ôn), đuôi đê bao Mỹ Hòa (xã Lục Sỹ Thành, huyện Trà Ôn). Anh Phạm Ngọc Tâm (ngụ ấp Mỹ Thới 2, xã Mỹ Hòa), phản ánh: "Hiện nay, tại khu vực bờ sông Hậu, đoạn qua ấp bị sạt lở nghiêm trọng. Đất bờ sông ngày càng tuột xuống sông làm nhiều hầm nuôi cá tra, cá điêu hồng, đất vườn trồng bưởi Năm Roi trôi theo dòng nước, sinh kế người dân bị ảnh hưởng".
Theo báo cáo của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh An Giang, trong 6 tháng đầu năm nay, toàn tỉnh đã xảy ra 29 vụ sạt lở. So với cùng kỳ tăng 10 vụ nhưng về mức độ nghiêm trọng và thiệt hại ít hơn, trong đó có 9 điểm sụp lún và 20 điểm sạt lở đất bờ sông, kênh, rạch với chiều dài sạt lở 1.448 m. Các vụ sạt lở đã cuốn trôi hơn 4.400 m2 đất, nhà dân bị ảnh hưởng là 37 căn với tổng mức thiệt hại khoảng 3,7 tỉ đồng.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn TP Cần Thơ, cho biết tính đến hiện tại, TP Cần Thơ có 9 điểm sạt lở bờ sông, làm sạt hoàn toàn 10 căn nhà và 37 căn nhà bị ảnh hưởng, tổng chiều dài do sạt lở là 368 m, ước tổng thiệt hại trên 31 tỉ đồng. Đáng chú ý là tại quận Ô Môn, từ đầu năm đến nay xảy ra nhiều vụ sạt lở, làm người dân mất nhà cửa và tài sản.
Một vụ sạt lở trên địa bàn tỉnh An Giang cuốn trôi nhiều căn nhà xuống sông. Ảnh: THỐT NỐT |
Theo ông Lê Việt Sĩ, Chủ tịch UBND quận Ô Môn, có 5/7 phường đã xảy ra sạt lở với tổng chiều dài gần 1,3 km. Đặc biệt, sạt lở nghiêm trọng vừa xảy ra trong tháng 4 và tháng 5 tại 2 điểm trên tuyến sông Ô Môn ảnh hưởng đến nhiều hộ dân.
Bà Phạm Thị Cam (54 tuổi; ngụ khu vực Thới Lợi, quận Ô Môn, TP Cần Thơ) nói: "Trận sạt lở hôm 21-5 làm căn nhà và xưởng may nhà tôi vừa đầu tư 1 tỉ đồng trôi theo dòng nước. Từ nhỏ đến giờ, tôi mới chứng kiến sạt lở khủng khiếp như vậy".
Ông Đào Minh Huy - Chủ tịch UBND phường Thới An, quận Ô Mộn - cho biết sau khi xảy ra vụ việc, chủ tịch UBND TP Cần Thơ đã yêu cầu chọn phương án khôi phục lại đường, gia cố mái sạt lở bằng bao tải cát, thảm đá với kinh phí 6,3 tỉ đồng. "Ngoài ra, chúng tôi đang kiểm tra, rà soát danh sách 22 hộ bị ảnh hưởng do sạt lở để đưa họ vào khu tái định cư" - ông Huy nói.
Thiệt hại tiền tỉ
Theo Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau, từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh đã xảy ra gần 30 vụ sạt lở bờ sông với tổng chiều dài hơn 600 m, thiệt hại hơn 40 căn nhà, ước tổng thiệt hại hơn 5 tỉ đồng. Hầu hết các vụ sạt lở đều diễn ra trong đêm khuya khiến người dân không kịp trở tay.
Gần nhất là vụ sạt lở bờ kè xảy ra vào khoảng 4 giờ ngày 18-6, tại ấp Kinh Đào (xã Đất Mũi, huyện Ngọc Hiển) với chiều dài khoảng 25 m, ngang 3 m. Cùng thời điểm, tại ấp Lạch Vàm lại xảy ra một vụ sạt lở đất nghiêm trọng khiến một đoạn đường bê-tông dài hơn 30 m sụp xuống sông.Trong khi trước đó một tuần, tại đây xảy ra vụ sạt lở nhấn chìm 3 ngôi nhà.
Tại tuyến bờ kè Lò Men trên rạch Cái Sao thuộc khu vực tổ 19 và tổ 20, khóm An Hưng, phường Mỹ Thới, TP Long Xuyên, tỉnh An Giang vừa xảy ra một vụ sạt lở nghiêm trọng. Đoạn sạt lở có chiều dài khoảng 100 m, rộng 4 m và ăn sâu vào đất liền khoảng 5 m. Vụ sạt lở này đã cuốn phăng tuyến đường và bờ kè bảo vệ, làm gián đoạn việc lưu thông qua lại của người dân, ảnh hưởng trực tiếp đến 11 hộ và 75 nhân khẩu sống quanh khu vực.
Khẩn trương di dời dân
Ông Ngô Hoàng Hiếu - Chủ tịch UBND huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang - cho biết đến nay, trên địa bàn huyện này đã hiện xuất hiện 16 điểm sạt lở với chiều dài 42,5 km. Những điểm sạt lở chủ yếu xuất hiện trên kênh Ông Chưởng, sông Vàm Nao, sông Tiền và sông Hậu, gây ảnh hưởng đời sống của 1.000 hộ dân.
"Trước mắt, UBND huyện Chợ Mới sẽ chủ động phối hợp các ngành chức năng tỉnh tiến hành việc quan trắc khu vực sạt lở, đồng thời khẩn trương di dời 15 hộ dân có nhà bị sụt lún đến nơi ở an toàn" - ông Hiếu thông tin.
Tại Đồng Tháp, từ đầu năm 2017 đến nay đã xảy ra sạt lở hơn 36 km bờ sông, ăn sâu vào bờ từ 0,5-30 m, tăng 8,3 km. Số điểm đang sạt lở và có nguy cơ sạt lở cao là 66 điểm, tăng 10 điểm so với cùng kỳ, xảy ra tại các huyện Hồng Ngự, Thanh Bình, Châu Thành, TP Cao Lãnh. Tỉnh Đồng Tháp đã di dời 258 hộ đến nơi an toàn. Tỉnh này cũng kiến nghị xây dựng 12 cụm, tuyến dân cư di dời trên 2.400 hộ dân trong vành đai sạt lở đặc biệt nguy hiểm với kinh phí 657 tỉ đồng…
Mỗi năm mất 400-550 ha đất
Theo PGS-TS Lê Anh Tuấn, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu biến đổi khí hậu (Trường ĐH Cần Thơ), sạt lở tại ĐBSCL ngày càng nghiêm trọng, gia tăng về số điểm và diện tích. Trung bình mỗi năm, ĐBSCL mất khoảng 400-500 ha đất ven sông và bờ biển. Sạt lở ảnh hưởng rất nặng nề đến sản xuất, cư trú của người dân, tạo ra tâm lý rất đáng ngại đến môi trường sống.
245 hộ dân ở Thanh Hóa cần di dời khỏi vùng sạt lở phải sống tạm bợ Việc định đời sống đối với số hộ dân này gặp nhiều khó khăn do thiếu nguồn vốn hỗ trợ người dân với tiền là ... |
Vụ sạt lở kinh hoàng ở Cần Thơ: Dân không dám ngủ vì sợ "trôi sông" Đến nay, người dân ở khu vực sạt lở vẫn chưa hết bàng hoàng vì nhà cửa đã bị “hà bá” cuốn trôi. Họ nói không dám ... |