Vừa qua, khi thảo luận tại tổ về kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2020, kế hoạch năm 2021, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Bùi Đặng Dũng cho biết, dự toán nợ công năm 2021 đã lên đến 4 triệu tỉ đồng.
Tại báo cáo về nợ công 2020, dự kiến 2021 vừa được Chính phủ gửi đến Quốc hội, hàng loạt thách thức cho năm 2021 và giai đoạn tới đã được chỉ ra. Nợ công năm 2020 dự kiến sẽ vượt 3,63 triệu tỉ đồng và nghĩa vụ trả nợ cả gốc lẫn lãi khoảng trên 360.000 tỉ đồng. Với dân số khoảng 97,5 triệu người của năm 2020, trung bình mỗi người dân gánh khoảng 37 triệu đồng nợ công.
Năm 2020, tỷ lệ nghĩa vụ trả nợ nước ngoài/xuất khẩu là 34,6%, vượt gần 10% so với mức trần 25% mà Quốc hội cho phép. Đây là một chỉ số Chính phủ cho rằng cần được lưu ý.
Theo dự kiến về dự toán ngân sách và phân bổ dự toán ngân sách năm 2021 đang trình Quốc hội tại kỳ họp này, Chính phủ phải vay khoảng 579.772 tỉ đồng để cân đối ngân sách T.Ư, bao gồm: vay bù đắp bội chi ngân sách T.Ư khoảng 318.870 tỉ đồng; vay để trả nợ gốc của ngân sách T.Ư khoảng 260.902 tỉ đồng. Như vậy, tới năm 2021, nợ công sẽ vượt mốc 4 triệu tỉ đồng, với nghĩa vụ trả nợ ngày càng lớn.
Năm 2021, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ khoảng 368.276 tỉ đồng, chủ yếu là trả nợ trong nước với khoảng 323.093 tỉ đồng, bằng khoảng 27,4% thu ngân sách. Chỉ số này vượt ngưỡng Quốc hội cho phép với giai đoạn 2016 - 2020 là 25%, chủ yếu do các khoản trái phiếu chính phủ trong nước phát hành trong giai đoạn trước đây đáo hạn ở mức cao vào năm 2021 - khoảng 187.001 tỉ đồng, chiếm 13,9% thu ngân sách.
Tại buổi thảo luận tại tổ ngày 2/11 về kinh tế - xã hội, ngân sách năm 2020, kế hoạch năm 2021, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tài chính ngân sách Quốc hội Bùi Đặng Dũng bày tỏ lo ngại “Chúng ta hình dung thu 100 đồng mà phải trả nợ 27 đồng thì an ninh, an toàn tài chính quốc gia là rất khó khăn”.
Bên cạnh đó, Đại biểu Nguyễn Hữu Quang, Ủy viên thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội, cho rằng còn nhiều vấn đề, nhiều lĩnh vực cần đánh giá kỹ lưỡng. Cụ thể như tốc độ tái cơ cấu và sắp xếp lại doanh nghiệp nhà nước những năm gần đây giảm xuống, trong đó có việc thoái vốn chưa đạt hiệu quả như mong muốn, trong khi “thời gian gian 20 - 30 năm có thể một số nước đã “hoá rồng, hoá hổ”.
Sẽ “thắt lưng buộc bụng” trong vài năm tới
Cũng tại buổi thảo luận tại tổ, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng tập trung giải thích về mức hụt thu ngân sách năm 2020. Theo đó, dự toán năm 2020 được xây dựng trên nền khá cao. Kế hoạch tăng trưởng lên tới 6,8%; giá dầu dự toán 60 USD/thùng; kim ngạch XNK tăng 7 - 9%; dự toán thu nội địa năm nay dự kiến tăng 10% so với thực hiện năm 2019. Trong khi đó, bối cảnh năm 2019 là Việt Nam đã thực hiện rất cao, tăng đến 9,9%.
Trong điều kiện dự toán cao đó, khi dịch Covid-19 bất ngờ xảy ra, gặp dịch, Việt Nam đã lập tức có các chính sách phản ứng khá kịp thời. Đầu tiên, Chính phủ đã ban hành các chính sách gia hạn, giãn thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN), thuế giá trị gia tăng (GTGT), tiền thuê đất, sau đó trình Quốc hội ban hành Nghị quyết giảm 30% thuế TNDN, giảm 30% thuế bảo vệ môi trường với nhiêu liệu bay, chính sách về thuế thu nhập cá nhân, thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) với ô tô…
Rất nhiều chính sách tài khoá đã được ban hành để hỗ trợ người dân và DN. Trong 10 tháng qua, kết quả thực hiện các chính sách này đã đạt gần 100 nghìn tỷ đồng. Trong đó, riêng tiền thuê đất của 128.619 DN, trong đó có 56.280 hộ, cá nhân kinh doanh được gia hạn với số tiền là 66.700 tỷ đồng; gia hạn thuế TTĐB với ô tô trong nước đạt 10.000 tỷ đồng; miễn giảm các loại thuế phí khoảng 23.000 tỷ đồng, ước cả năm khoảng 30.000 tỷ đồng.
Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng nói và cho biết: Ước tính mức thu năm nay giảm khoảng 190.000 tỷ đồng so với dự toán, Bộ Tài chính đã báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội đề xuất tăng bội chi, tăng chi cho phòng chống dịch, nhưng trong phạm vi phải đảm bảo ổn định vĩ mô cho các năm tiếp theo, một yếu tố vô cùng quan trọng.
Trong khi thu giảm như vậy, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng chia sẻ thêm, nhiều khoản chi lại tăng lên. Cụ thể, mức bội chi năm nay ước tăng lên 5,59% GDP (tính theo GDP mới). Nợ công tăng lên 57,4% GDP, dưới trần Quốc hội cho phép là 65%. Xét từ mức đỉnh của năm 2016 là 63,7% GDP thì đây cũng là kết quả rất tốt, có được nhờ sự phấn đấu, tích luỹ của các năm gần đây tạo dư địa điều hành. Với kết quả của năm nay thì mức bội chi 5 năm bình quân đạt 3,8%, đạt mục tiêu dưới 3,9% của kế hoạch 5 năm theo kế hoạch, một kết quả rất tích cực.
"10 tháng, ta mới thu được 75,2% dự toán, giảm 10,3% so cùng kỳ năm 2019 và là mức thấp nhất 10 năm gần đây. Không có sản xuất, kinh doanh thì lấy đâu nguồn thu?", Bộ trưởng nhấn mạnh.
Với dự toán năm 2021 xây dựng trên nền tảng theo tinh thần phương án Chính phủ báo cáo sang năm vẫn là 6-6,5% tăng trưởng, lạm phát dưới 4%. Đây là mức cao.
“Kinh nghiệm của chúng tôi chắc phải kéo dài 2-3 năm khó khăn, cho nên vài năm tới phải tiếp tục tục “thắt lưng, buộc bụng” để tập trung cho an sinh, tập trung cho đầu tư phát triển, ổn định vĩ mô, chứ không thể nói một chốc một lát cất cánh được ngay” - Bộ trưởng Bộ Tài chính cảnh báo.
PV (th)